08/08/2019 - 17:04

Khuyến khích ưu tiên sử dụng phân bón nội địa 

Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang ưu tiên sử dụng các loại phân bón do doanh nghiệp Việt sản xuất. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển nền sản xuất trong nước mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân.

Lợi ích từ phân bón nội địa

Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, thời gian qua,  các loại phân bón đều được phân phối, bán lẻ trên thị trường theo kiểu "mua đứt, bán đoạn", nhiều nhà sản xuất phân bón trong nước chưa quan tâm đúng mức cho việc chăm sóc khách hàng...

Hiện nay, nhiều loại phân bón được sản xuất trong nước có chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu mà giá cả lại thấp hơn. Do vậy, nông dân ngày càng ưu tiên tiêu dùng các loại phân bón trong nước để phục vụ sản xuất, trồng trọt. Ông Lê Sơn Quân ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Hơn 80% lượng phân bón tôi sử dụng cho sản xuất nông nghiệp gồm phân Urê, DAP, NPK và lân chủ yếu là hàng nội địa, chỉ có phân Kali là mua hàng nhập ngoại vì chưa thấy có hàng trong nước. Nhiều loại phân bón trong nước sản xuất hiệu quả sử dụng rất tốt mà giá lại rẻ hơn từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng/bao so với nhiều loại phân bón nhập ngoại. Vì thế, nông dân có thể giảm được chi phí đầu tư".

 Ông Nguyễn Văn Giảng, ngụ ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Tất cả các loại phân Urê, NPK tôi sử dụng đều là hàng Việt, trong đó chủ yếu là Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau), NPK Đầu Trâu của nhà máy Bình Điền và NPK Cò Bay của Cần Thơ, lân Long Thành. Chỉ có Kali và một số loại DAP là tôi mua hàng nhập khẩu".  Theo ông Nguyễn Văn Son ngụ ấp Đông Hiển A, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, trước đây ông và nhiều nông dân thường mua các loại phân Urê, DAP và NPK nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Qatar, Israel... nhưng hiện nay hầu hết bà con quay sang ưu tiên chọn mua phân bón Việt Nam bởi chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng và có chất lượng tốt, giá cả rẻ hơn so với nhiều loại phân bón nhập khẩu cùng chủng loại. Riêng một số loại Urê của Việt Nam sản xuất có giá bán cao hơn một số loại phân Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng dùng hàng Việt Nam bà con tin tưởng chất lượng hơn và dễ nhận biết thông tin về sản phẩm thông qua bao bì, nhãn hiệu bằng tiếng Việt.

Hiện giá bán lẻ nhiều loại Urê do trong nước sản xuất như: Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau), Urê Ninh Bình và Urê Hà Bắc tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận đang ở mức 360.000-390.000 đồng/bao. Còn nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Nga, Malaysia, Qatar... giá 350.000-400.000 đồng/bao. Các loại phân DAP sản xuất trong nước như: DAP Đình Vũ, DAP Cà Mau... có giá 500.000-640.000 đồng/bao, trong khi nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc... có giá từ 600.000-780.000 đồng/bao, tùy loại. NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay có giá 600.000-630.000 đồng/bao; Kali (Nga, Canada, Israel) 400.000-440.000 đồng/bao… Do nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu sản phẩm, gần đây giá nhiều loại phân bón trên thị trường đã giảm nhẹ từ 5.000-10.000 đồng/bao so với cách nay hơn 1 tháng.

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng

Thời gian qua, năng lực sản xuất phân bón của các nhà máy phân bón ở nước ta đã tăng cường rất nhiều so với trước đây. Đến nay, nước ta đã có các nhà máy sản xuất phân đạm (Urê) với công suất khá lớn, như Đạm Phú Mỹ với khoảng 800.000 tấn/năm, Đạm Cà Mau 800.000 tấn/năm, Đạm Hà Bắc 500.000 tấn/năm, Đạm Ninh Bình 560.000 tấn/năm. Nước ta cũng có các nhà máy sản xuất DAP như Nhà máy DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai... với tổng công suất các nhà máy đạt gần 1 triệu tấn DAP/năm. Hiện Supe Lân sản xuất trong nước có công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm, bao gồm nhà máy Lâm Thao công suất 800.000 tấn/năm, Lào Cai 200.000 tấn/năm và Long Thành 200.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, còn có nhiều nhà máy sản xuất lân nung chảy. Còn sản xuất NPK đã đạt được sản lượng trên 3,7 triệu tấn/năm và có sự đa dạng nhiều chủng loại, sản phẩm bởi cả nước có tới cả trăm đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp NPK các loại. Tuy nhiên, hiện trong nước chưa sản xuất được phân Kali do nước ta không có mỏ quặng Kali, vì vậy 100% nhu cầu phân Kali của nước ta phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, nước ta cũng còn thiếu nhà máy sản xuất SA nên còn phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Bán phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Nhìn chung, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước hiện có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân Urê, phân lân, phân NPK cho thị trường trong nước và có dư để xuất khẩu, nhất là xuất khẩu Urê. Song, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hầu như hoàn toàn Kali và một phần phân DAP. Do vậy, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực sản xuất phân bón trong nước gắn với tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Đồng thời, tổ chức lại kênh phân phối bán hàng để khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm phân bón Việt có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, tư vấn sản phẩm và chăm sóc khách hàng để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của phân bón Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở huyện Thới Lai,  cho biết: "Do các sản phẩm phân bón trong nước ngày càng đa dạng về chủng loại, nhất là các loại NPK nên các cửa hàng rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng và doanh nghiệp sản xuất trong việc phòng tránh hàng giả, kém chất lượng và kịp thời giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt. Thời gian qua, cửa hàng cũng đã tìm hiểu, xác định các loại phân bón do doanh nghiệp trong nước sản xuất có chất lượng tốt và giá cả phù hợp để đem về bán cho nông dân, vì vậy việc mua bán và thu tiền bán hàng vào cuối vụ cũng thuận lợi hơn".

Hiện tại, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể sản xuất 2,66 triệu tấn Urê/năm; gần 1 triệu tấn DAP/năm; sản xuất phân lân khoảng 1,2 triệu tấn/năm; phân bón tổng hợp NPK sản lượng trên 3,7 triệu tấn/năm.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
phân bón