29/07/2019 - 14:26

Vụ lúa Thu Đông 2019

Không chủ quan với sâu bệnh 

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống hơn 59.000ha lúa thu đông 2019. Vụ này, nông dân tập trung gieo sạ các giống lúa như: OM 5451, OM 4218, IR50404, Đài Thơm 8... Nhìn chung, các trà lúa thu đông đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, tình hình thời tiết và nhiều loại dịch hại có những diễn biến phức tạp, đe dọa đến sản xuất...

Thời tiết thất thường!

 Năm nay, nước lũ dự đoán có khả năng về chậm và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, tạo thuận lợi cho nông sản xuất xuất lúa thu đông. Song, tình hình mưa bão vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp đe dọa đến sản xuất. Đặc biệt, các đợt mưa bão kết hợp với triều cường dâng cao có thể gây ngập úng cho các vùng sản xuất lúa có hệ thống đê bao chưa tốt nếu nông dân không quan tâm gia cố kịp thời, cũng như chủ động chuẩn bị phương tiện máy móc để bơm tát nước...

Sản xuất lúa thu đông tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Ông Tô Thành Mong, ngụ xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: "3 héc-ta lúa vụ thu đông 2019 của gia đình tôi đã gieo sạ 45 ngày tuổi, lúa nhìn chung ít sâu bệnh, tôi mới phun xịt thuốc 1 lần. Tuy nhiên, từ nay đến thu hoạch còn lâu, trong khi thời tiết bây giờ mưa nắng rất thất thường, sợ giai đoạn lúa trổ và chuẩn bị thu hoạch mà gặp mưa gió liên tục, lúa rất dễ bị hư hại, năng suất đạt thấp. Tôi cũng lo lúa còn nguy cơ bị tấn công bởi nhiều loại sâu bệnh và dịch hại nguy hiểm như: rầy nâu, bệnh đạo ôn, chuột…". Theo anh Đỗ Quốc Phi, ngụ ấp Đông Mỹ, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, vụ thu đông 2019 này, 14 công lúa của anh gieo sạ giống OM 5451, hiện lúa đã được 30 ngày tuổi và phát triển tương đối tốt và chưa phải phun thuốc trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, anh cũng lo tới đây ruộng lúa có thể bị các loại sâu bệnh và dịch hại tấn công nên luôn thăm đồng thường xuyên.

Chủ động bảo vệ lúa

Để sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2019, ngành chức năng ở TP Cần Thơ đã và đang  đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho nông dân biết về nguy cơ dịch hại trên lúa, nâng cao ý thức cảnh giác của nông dân, không được chủ quan lơ là. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin dự báo về thời tiết, sâu bệnh và khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời phòng trị sâu bệnh lúa và chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi. Hướng dẫn nông dân tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật " 3 giảm 3 tăng", IPM, "1 phải 5 giảm", công nghệ sinh thái, quản lý rầy nâu bằng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar)… để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực hiện bón phân cân đối cho lúa và tưới tiêu nước hợp lý để cây lúa khỏe, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và ít bị đổ ngã. Mặt khác, tiếp tục tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy nông dân liên kết sản xuất, phát triển các mô hình "cánh đồng lớn" gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Theo ông Đinh Thiện Truyền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, đến ngày 16-7, huyện đã xuống giống dứt điểm 17.787,3ha lúa thu đông 2019, trong đó có hơn 11.008ha lúa của nông dân tham gia mô hình "cánh đồng lớn". Bên cạnh việc khuyến cáo, hỗ trợ nông dân thực hiện gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để đảm bảo an toàn cho các diện tích lúa thu đông, ngành nông nghiệp huyện cũng luôn cập nhật và cung cấp cho nông dân nắm các thông tin về dự báo về thời tiết và sâu bệnh để chủ động ứng phó. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, huyện đã xuống giống gieo sạ được 20.539,18ha lúa thu đông 2019, đạt 110,39% kế hoạch, trong đó cũng có 10.390,3ha lúa của 2.617 hộ dân tham gia "cánh đồng lớn". Lúa chủ yếu giai đoạn mạ, đẻ nhánh và đòng, lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, phòng nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ lúa thu đông, đặc biệt là theo dõi chặt tình hình thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: "Dù có nhiều dự báo lũ năm nay sẽ ở mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước nhưng nông dân không được chủ quan, phải chủ động kiểm tra đê bao và gia cố lại hệ thống bờ bao quanh ruộng. Chủ động phương tiện bơm tát nước cho ruộng lúa, chuẩn bị máy gặt đập liên hợp và phương tiện vận chuyển, lò sấy để thu hoạch lúa kịp thời, tránh bị thiệt hại và thất thoát do mưa bão, lũ và các diễn biến bất lợi của thời tiết". Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, nông dân nên đề phòng đối tượng dịch hại nguy hiểm là rầy nâu, nhất là trong giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng và trổ, rầy nâu có thể bùng phát gây hại làm giảm năng suất lúa. Bên cạnh đó, cảnh giác với bệnh đạo ôn hại lúa vì vụ này thời tiết khá thuận lợi cho bệnh phát triển, nhất là đối với những ruộng lúa gieo sạ giống OM 5451, nông dân không nên bón thừa phân đạm cho lúa.  Mặt khác, chú ý phòng tránh chuột cắn phá lúa, đặc biệt là những ruộng lúa gần các khu vực bờ vườn và những nơi chuột có điều kiện trú ngụ. Các địa phương cần phát động nông dân tổ chức chiến dịch đồng loạt ra quân diệt chuột trên diện rộng, chú ý diệt chuột bằng cách đặt bẫy, săn bắt thủ công và các biện pháp an toàn sinh học, tuyệt đối không được dùng xung điện, cũng như các loại thuốc độc nguy hiểm và các chất bị cấm để diệt chuột.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết