27/10/2010 - 21:57

Diễn biến thị trường những tháng cuối năm

Khó khăn bình ổn giá ?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Cần Thơ tháng 10-2010 tăng 1,27% so với tháng trước, con số vừa được Cục Thống kê TP Cần Thơ công bố. Con số này dù “giảm nhiệt” rất nhiều so với CPI của tháng 9-2010 (tăng 2,97%) nhưng cao hơn nhiều so với CPI của cả nước (1,05%) và so với CPI của các thành phố lớn trực thuộc trung ương. Chính vì thế, nỗ lực bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát là một trong những yêu cầu hàng đầu của các ngành hữu quan thành phố từ nay đến cuối năm 2010.

CPI tiếp tục tăng trên 1%

 Do ảnh hưởng của mùa lũ, việc sản xuất gặp khó, nguồn cung giảm nên giá nhiều loại rau màu có khả năng tăng trong thời gian tới.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong “rổ hàng hóa” được đưa vào tính CPI của tháng 10-2010 có đến 10/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Chính vì thế đã tác động tăng đối với CPI của thành phố trong tháng 10 ở mức 1,27%.

Tăng cao nhất trong các nhóm hàng hóa là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, mức tăng là 2,47% (lương thực tăng 2,49%, thực phẩm tăng 3,19% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39%). Theo ghi nhận của ngành thống kê, chỉ số giá nhóm hàng lương thực tăng chủ yếu do giá các mặt hàng gạo thường, gạo ngon và gạo nếp trong tháng tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với tháng 9-2010. Nhóm hàng thực phẩm tăng chủ yếu do sau tình hình dịch bệnh heo tai xanh “trầm lắng”, người dân an tâm dùng thịt heo trở lại khiến sức tiêu thụ ở nhóm hàng này tại các điểm chợ trong thành phố tăng khá. Sau dịch, sức mua tăng cũng là nguyên nhân khiến các loại thịt heo trong tháng 10 tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg và đẩy CPI của mặt hàng này tăng đến 16,11% so với tháng trước đó. Các loại thịt gia cầm tăng bình quân 3.000- 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, đối với nhóm hàng thực phẩm, Cục Thống kê TP Cần Thơ cũng ghi nhận nhiều nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao như: nhóm dầu ăn và mỡ tăng 16,72%, các mặt hàng thủy sản tươi sống tăng 1-3%...

Tiếp sau nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, so với tháng trước, nhóm hàng điện, nhà ở, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng trong tháng 10 đứng ở vị trí thứ 2 với mức tăng 1%. Nguyên nhân các mặt hàng trong nhóm này tăng giá được nhận định do ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ và giá vàng. Kể từ 1-10-2010, giá gas đã được điều chỉnh tăng thêm 14.000 - 15.000 đồng/kg. Trước đó, đầu tháng 9-2010, giá gas đã tăng 14.000 đồng/bình 12kg)... Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao hơn vào mùa đông, sẽ đẩy giá gas thế giới tăng vào các tháng còn lại của năm 2010. Giá bán gas trong nước cũng sẽ chịu tác động mạnh theo diễn biến giá thế giới...

Ngoài 2 nhóm hàng phân tích trên, trong tháng 10, duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13% so với tháng 9-2010, các nhóm hàng còn lại trong “rổ hàng hóa” đều có CPI tăng dưới 1%.

Khó cho bình ổn giá?

Diễn biến giá cả trong thời gian tới, nhiều người nhận định: do ảnh hưởng của mùa lũ nên việc sản xuất gặp khó và nguồn cung giảm nên giá nhiều loại rau màu có khả năng tăng. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, xuất khẩu gạo tháng 10 khá thuận lợi; hiện nay nhu cầu thị trường xuất khẩu đã tăng trở lại, nhất là thị trường Indonesia, Philippines, Bangladest và các nước châu Phi; giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong vụ hè thu 2010. Giá lúa thường ở khu vực này dao động 5.350 - 5.550 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.400 - 5.750 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.350 - 7.550 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.200 - 7.400 đồng/kg... Nhu cầu tăng, cung giảm nên giá lúa gạo ĐBSCL có nhiều khả năng sẽ biến động tăng trong thời gian tới...

Hiện nay, giá cá tra ở TP Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL tăng “nóng” từng ngày. Đến ngày 22-10, giá cá tra nguyên liệu theo ghi nhận của Sở Công Thương tỉnh An Giang đã ở mức 17.000 - 18.500 đồng/kg (loại 0,8-1kg/con), tăng trên 1.000 đồng/kg so với 2 tuần trước. Hiện nay, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang trong tình trạng khan hiếm. Vì thế, giá cá tra sẽ còn khả năng tăng cao...

Tháng 10-2010, CPI của TP Cần Thơ so với tháng 9- 2010 tăng 1,27%. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, CPI của cả nước chỉ tăng 1,05%; Hà Nội tăng 1,22%, Hải Phòng tăng 1,08%, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng chỉ tăng tương ứng 0,45% và 0,51%. Không chỉ vậy, CPI chung cả khu vực ĐBSCL trong tháng 10 chỉ tăng 1,03% so với tháng trước đó. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trước tình hình giá vàng và USD đang ở mức rất cao như hiện nay đã tác động đến việc tăng giá hàng hóa. Vì thế, vấn đề bình ổn giá, kiềm chế lạm phát ở các tháng cuối năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn. Những điều này, đòi hỏi các ngành hữu quan TP Cần Thơ nỗ lực, tập trung hơn nữa công tác bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm 2010.

Chủ động hàng Tết

Còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2010. Đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, giá cả hàng hóa tăng cao nhất trong năm. Chính vì thế, việc đảm bảo nguồn hàng dự trữ cho dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán 2011 là việc làm cấp thiết. Theo đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp... trên địa bàn TP Cần Thơ đã có kế hoạch chuẩn bị hàng phục vụ dịp Tết Tân Mão 2011.

Theo Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), sau dịch heo tai xanh, nguồn cung heo hơi trong dân sẽ khó đáp ứng cho nhu cầu vào dịp cuối năm. Trong năm 2009, giá thịt heo cao nhất là 38.000 đồng/kg nhưng cũng không phải là thời điểm heo giảm đàn như hiện nay. Vì thế, theo dự báo Tết Nguyên đán Tân Mão sắp tới giá heo hơi sẽ đứng ở mức trên 40.000 đồng/kg (so với mức 32.000-33.000 đồng/kg trong dịp Tết Canh Dần 2010). Các mặt hàng thủy sản đang được tiêu thu mạnh do người tiêu dùng chuyển sang ăn cá thay thịt. Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo nguồn cung ổn định nên dịp Tết 2011 C.T.C chỉ cam kết bán hàng thấp hơn giá thị trường lúc tiêu thụ (khoảng 10%) để bình ổn giá... Với những nhận định như trên, dịp Tết 2010 tổng giá trị hàng hóa (lương thực, thực phẩm; may mặc, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm...) của C.T.C dự trữ, tham gia bình ổn giá lên trên 5,95 tỉ đồng. Ngoài C.T.C, Vinatex Mart Cần Thơ dự tính sẽ tăng nguồn hàng dự trữ (dầu ăn, đường, bánh kẹo, bột giặt, các loại thức uống (bia, nước giải khát)...) lên 30% (tính theo tốc độ tăng trưởng) so với năm 2009. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)- chuỗi hệ thống siêu thị Co.opMart và cửa hàng Co.op Food và Co.op, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thị trường với giá thấp hơn sản phẩm cùng chủng loại ít nhất 10% ở các nhóm hàng: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết