27/10/2012 - 20:02

Ngành công thương ĐBSCL

Khai thác lợi thế để phát triển bền vững

Thời gian qua, sản xuất công nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có bước phát triển mạnh. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công thương của vùng còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và chưa đáp ứng tốt những yêu cầu mới cho sự phát triển, thiếu tính bền vững hội nhập kinh tế thế giới. Chính vì vậy, khắc phục các khó khăn hạn chế, thúc đẩy ngành công thương ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu cấp thiết đặt ra.


*Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn hạn chế

Vùng ĐBSCL có vị trí địa lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao thương với các vùng khác trong cả nước và thế giới. Với các lợi thế và điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, vùng ĐBSCL chiếm trên 53% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước; cung cấp khoảng 70% lượng trái cây, trên 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và trên 74,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL có dân số khá đông, với trên 17,6 triệu người (chiếm khoảng 22% dân số của cả nước) và mật độ dân số bình quân khoảng 436 người/km2, gấp 1,7 lần mật độ dân số trung bình cả nước.

 Làm hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP Cần Thơ.

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và các hoạt động thương mại dịch vụ đã giúp các địa phương trong vùng có điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm và tăng cao thu nhập cho nhiều người dân trong vùng. Hiện ĐBSCL đã hình thành được một hệ thống 51 khu công nghiệp và khu chế xuất, chiếm 11.678 ha diện tích tự nhiên, phân bố khắp trên 13 tỉnh, thành phố. Vùng ĐBSCL có trên 50 cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào cụm và tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, chủ yếu là lao động nông thôn. Hiện toàn vùng đã có trên 2.000 chợ, 20 siêu thị và 5 chợ đầu mối nông sản. Theo số liệu tổng hợp thống kê từ Sở Công thương các tỉnh, thành ĐBSCL, đến tháng 6-2012, toàn vùng có trên 78.930 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công thương, tăng 204 doanh nghiệp so với năm 2011, các doanh nghiệp này giải quyết việc làm cho gần cả triệu lao động.

Theo Sở Công thương các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự tích cực nỗ lực của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong vùng đã có bước phát triển đáng kể. Năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại dịch vụ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá tốt. So với năm trước, năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng ĐBSCL đạt 141.664 tỉ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 14,33%; kim ngạch xuất khẩu đạt 9.152 triệu USD, tăng 24,74%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ đạt 365.259 tỉ đồng, tăng 25,76%. Riêng 9 tháng đầu năm 2012, so với cùng năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng ước đạt 102.670 tỉ đồng, tăng 16,45%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 2.805 triệu USD, đạt 93,13%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ ước đạt 248.570 tỉ đồng, tăng 7,88% . Ước cả năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng ĐBSCL dự kiến đạt 157.665 tỉ đồng, tăng 15,13% so với năm 2011; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10.074 triệu USD, tăng 10,08% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ dự kiến đạt 428.877 tỉ đồng, tăng 17,42% so với năm 2011.

Mới đây, tại Hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ XV do Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, dù đạt được nhiều tiến bộ nhưng hoạt động phát triển công thương tại ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và phát triển chưa bền vững, cần phải sớm được quan tâm khắc phục. Trong đó, đáng chú ý, là các khó khăn thách thức chung của nền kinh tế đã kéo dài quá lâu làm cho nhiều doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng và có không ít doanh nghiệp phải giải thể, trong khi nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm qui mô sản xuất…Tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp còn chậm do thiếu vốn và thiếu công nghiệp phụ trợ đã hạn chế khả năng thu hút doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trong vùng. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong công nghiệp tại nhiều nơi còn chậm được khắc phục. Hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại chưa cao dẫn đến tình trạng đầu tư phát triển còn tự phát và gây ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong vùng. Liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa nông dân với doanh doanh dù đã được tăng cường nhưng nhìn chung vẫn còn "lỏng lẻo", chưa tạo ra được nhiều đột phá cho phát triển công thương. Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư thương mại du lịch và tổ chức tiêu thụ sản phẩm ở nội địa và một số thị trường xuất khẩu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL còn xuất dạng thô hoặc những sản phẩm gia công giá trị gia tăng thấp…

*Cần tổ chức lại sản xuất

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ XV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ghi nhận những kết quả đáng khích lệ mà ngành công thương các tỉnh, thành ĐBSCL nỗ lực đạt được trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu các địa phương trong vùng cần tiếp tục khắc phục các khó khăn hạn chế, thúc đẩy ngành công thương trong vùng phát triển theo hướng bền vững. Muốn phát triển bền vững, các địa phương phải quan tâm giải quyết hàng loạt vấn đề từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như: việc phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ, vốn, nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, bảo vệ môi trường…Thứ trưởng đã nhấn mạnh, cần chú ý vai trò then chốt của công nghiệp trong chiến lược phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội của vùng; phát triển công nghiệp cần phải gắn kết với phát triển thương mại dịch vụ và nhất là đối với sản xuất nông nghiệp để khai thác tốt các lợi thế của vùng.

Những kết quả trong phát triển Công thương tại ĐBSCL 1-2 năm gần đây đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, trước nhiều hạn chế còn tồn tại sự xuất hiện của những khó khăn thách thức mới, đòi hỏi các địa phương vùng ĐBSCL cần phải quan tâm tổ chức lại việc sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, các địa phương phải làm tốt khâu quy hoạch phát triển, chủ động hội nhập với quốc tế, tránh những "đổw vỡ" và hệ quả xấu có thể xảy ra do tình trạng phát triển "nóng" tự phát. Đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: " Cần nghiên cứu tổ chức lại sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trong công nghiệp (như: công nghiệp chế biến, cơ khí, phụ trợ…) theo hướng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm… gắn với việc quản trị tốt doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Song song đó, các địa phương phải thực hiện tốt hơn việc liên kết vùng để có các quy hoạch và kế hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trọng yếu của vùng ĐBSCL như: gạo, thủy sản, trái cây… một cách tốt nhất".

Để phát triển ngành công thương vùng ĐBSCL tương xứng với tiềm năng lợi thế và theo hướng phát triển nhanh, bền vững, lãnh đạo Sở công thương nhiều tỉnh, thành ĐBSCL cũng cho rằng cần phải làm tốt khâu quy hoạch và định hướng phát triển. Trong đó, cần xây dựng định hướng, chiến lược phát triển cụ thể và có các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ các khó khăn và tạo động lực mạnh mẽ để huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết