05/09/2010 - 10:56

Khai mạc Hội nghị tham vấn chính sách nghị viện các nước G-20

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất

(TTXVN)- Sáng 3-9 (theo giờ địa phương, tức ngày 4-9 theo giờ Việt Nam), Hội nghị tham vấn chính sách giữa Nghị viện các nước thành viên Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Ottawa của Canada, với sự tham dự của đoàn đại biểu nghị viện đến từ 22 nước và Nghị viện châu Âu. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu.

Chủ tịch Thượng viện Canada, ngài Noel A.Kinsella đã nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu tham dự hội nghị; mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tập trung vào 3 chủ đề cơ bản: những chiến lược hợp tác toàn cầu đáp ứng yêu cầu sản xuất và phân phối lương thực; hình mẫu mới về hòa bình và an ninh lương thực; các mô hình tài chính và kinh tế thúc đẩy ổn định kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Hội nghị đã lựa chọn chủ đề “Phối hợp chiến lược đáp ứng nhu cầu về sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm” là một trong những trọng tâm thảo luận; tin tưởng những giải pháp và khuyến nghị được đưa ra tại hội nghị về đáp ứng nhu cầu sản xuất, phân phối lương thực sẽ là sự đóng góp thiết thực của nghị viện các nước G-20 vào tiến trình hợp tác G-20 cũng như giải quyết thách thức toàn cầu về đảm bảo an ninh lương thực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết trong công cuộc đổi mới kinh tế được khởi xướng từ năm 1986, Việt Nam đã áp dụng thành công chính sách khuyến nông, trong đó đặc biệt chú ý trao quyền sử dụng ruộng đất và phương tiện sản xuất lâu dài cho nông dân, cho phép họ được chủ động trong cả sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ theo cơ chế thị trường, không có sự áp đặt về giá cả, số lượng. Đó là sự giải phóng có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp, giúp Việt Nam chỉ sau hơn một năm đã giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu lương thực và từ năm 1989 đến nay liên tục nằm trong danh sách các nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, đặc biệt là xuất khẩu gạo.

Vấn đề được nhiều nước quan tâm hiện nay là đẩy mạnh tự do hóa thương mại nông sản nhằm cải thiện phân phối lương thực một cách hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. G-20 và cộng đồng quốc tế cần có các hành động cụ thể hơn nữa nhằm cắt giảm tối đa mọi hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, xóa bỏ ngay và không điều kiện các khoản trợ cấp khổng lồ mà các nước phát triển đang dành cho nông nghiệp trong nước. Các cơ quan nghị viện các nước G-20 phối hợp với chính phủ các nước thành viên đi đầu trong các nỗ lực đẩy nhanh tiến trình thương lượng để có thể sớm kết thúc vòng đàm phán Doha.

Nhằm đảm bảo an ninh lương thực thật sự cho các nước, nhất là các nước đang phát triển thu nhập thấp, dân số đông, Việt Nam đề nghị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia thành viên G-20, tạo mọi điều kiện hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Bắc-Nam và hợp tác Nam-Nam. Việt Nam đang triển khai thành công hợp tác nông nghiệp với một số nước châu Phi theo mô hình 2+1. Nếu nhận được sự hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ là các nước phát triển hay các tổ chức quốc tế thì mô hình này có thể được nhân rộng, góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu lương thực của nhiều quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị thiết lập và duy trì thường xuyên các cơ chế đối thoại và tham vấn giữa nghị viện và chính phủ các nước G-20 để nâng cao hiệu quả thực thi các quyết sách quan trọng của G-20 về các vấn đề kinh tế và phát triển, trong đó có đảm bảo an ninh lương thực. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết theo sáng kiến của Việt Nam, cuộc gặp cấp cao chính thức lần đầu tiên giữa Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) với lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN đã được tổ chức vào tháng 4-2010 tại Hà Nội. AIPA đã thông qua Nghị quyết về việc thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên hơn với ASEAN, nhằm phát huy vai trò của AIPA trong việc thúc đẩy phê chuẩn và giám sát thực thi các hiệp định, thỏa thuận trong ASEAN hướng tới mục tiêu liên kết và phát triển của khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự ủng hộ ba chủ đề chính của hội nghị là: xây dựng những mô hình mới nhằm ổn định an ninh lương thực; ổn định hòa bình và an ninh; ổn định kinh tế toàn cầu. Quốc hội Việt Nam cũng như các nước ASEAN đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị tham vấn Nghị viện G-20 và mong muốn duy trì các hoạt động tham vấn và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề cùng quan tâm với nghị viện các nước G-20 trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee Tae, nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao G-20 vào cuối năm nay, cũng bày tỏ sự đồng tình với ba chủ đề chính của hội nghị; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của G-20 trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu và là động lực tạo ra một trật tự kinh tế thế giới mới.

Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phát triển nông nghiệp, hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp...

* Chiều cùng ngày (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee Tae nhân dịp tham dự Hội nghị tham vấn Nghị viện các nước G-20 tại Thủ đô Ottawa (Canada).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng ngài Park Hee Tae vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc; tin tưởng với uy tín và trên cương vị mới, ông Park Hee Tae sẽ tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Hàn Quốc. Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng và tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng thời gian tới, quan hệ giữa hai Quốc hội sẽ không ngừng được củng cố, tăng cường, với việc triển khai thực hiện tốt những thỏa thuận hợp tác, góp phần vào sự phát triển chung của quan hệ song phương.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee Tae nêu rõ: “Kể từ khi Việt Nam triển khai chính sách đổi mới, mở cửa, chúng ta đã được chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Sự cần cù, sáng tạo của người dân Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển này”. Ông Park Hee Tae chúc mừng những thành tựu phát triển của Việt Nam và tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng này trong tương lai.

Chia sẻ bài viết