05/03/2013 - 21:15

Kết quả của niềm tin!

Giám đốc Nguyễn Nhất Quỳnh (phải) giới thiệu gạch 100% bằng đất nguyên thủy.

Trong bối cảnh khó khăn cung của ngành vật liệu xây dựng, việc đầu tư hàng chục tỉ đồng cho một doanh nghiệp còn non trẻ mở rộng nhà máy sản xuất gạch xây dựng theo công nghệ Hoffman được xem là một quyết định táo bạo, không kém phần mạo hiểm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng chi nhánh huyện Châu Thành (Agribank Châu Thành). Tuy nhiên, chỉ sau một năm, sự táo bạo đó đã cho kết quả hết sức khả quan khi những lò gạch theo công nghệ Hoffman vẫn liên tục đỏ lửa, bền chặt và chẳng bao giờ tồn kho…

Khi nhận hồ sơ dự án vay vốn trung hạn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch Nhật Quỳnh 2, công suất 100.000 viên gạch/ngày, theo công nghệ Hoffman của Công ty TNHH MTV XD Nhật Quỳnh đóng trên địa bàn vào cuối năm 2011, anh Lưu Văn Thanh-Giám đốc Agribank Châu Thành không khỏi đắn đo, cân nhắc, vì giá trị đầu tư lớn, vượt phân cấp cho vay của một chi nhánh cấp huyện. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ dự án và nhất là hiệu quả hoạt động của nhà máy số 1 trước đó của doanh nghiệp, anh Thanh cùng ban Giám đốc chi nhánh đã đi đến quyết định thông qua để trình Ban lãnh đạo Agribank Chi nhánh Sóc Trăng phê duyệt đầu tư. Anh Thanh nhớ lại: “Một trong những nguyên nhân chính để chúng tôi đi đến quyết định đầu tư là tính khả thi của dự án và niềm tin vào doanh nghiệp”.

Dự án mở rộng sản xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng đang ngày một gia tăng trong khi nhà máy 1 của công ty dù đã hoạt động hết công suất, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu khách hàng. Hơn nữa, nhà máy số 2 được xây dựng ngay vùng nguyên liệu có sẵn, sử dụng nhiên liệu rẻ tiền (trấu), nhưng sản phẩm làm ra vẫn đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia và được thị trường ưa chuộng vì đạt chất lượng và có giá thành rất cạnh tranh. Anh Thanh phân tích: “Kinh tế dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng nhu cầu xây dựng, nhất là trong xây dựng dân dụng, cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung vẫn khá cao. Hơn nữa, chủ doanh nghiệp là một người có trình độ kỹ thuật, luôn sáng tạo để giảm giá thành sản phẩm, có mối quan hệ mật thiết với khách hàng là doanh nghiệp xây dựng, có khả năng tổ chức sản xuất và quản lý tốt. Tất cả những điều trên cùng với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong 4 năm qua đã tạo cho chúng tôi niềm tin để đi đến quyết định đầu tư”.

Trong thời điểm mà công nghệ gạch tuy-nen đang lên thì Nhật Quỳnh  lại quyết định chọn công nghệ Hoffman, khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc. Anh Nguyễn Nhất Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV XD Nhật Quỳnh lý giải: “Sức hấp dẫn chính của công nghệ Hoffman chính là chi phí đầu tư thấp, sử dụng nhiên liệu rẻ tiền, dễ vận hành, ít tiêu hao nhiên liệu. Nhưng chất lượng gạch vẫn đạt tiêu chuẩn quốc gia và đặc biệt là hạn chế được ô nhiễm môi trường do khói bụi hay khí thải”. Cái hay của công nghệ Hoffman là nguồn nhiệt cấp được khép kín từ lò đầu tiên cho đến lò cuối cùng, nên khi ra môi trường, lượng nhiệt còn rất thấp và khí thải cũng được đưa qua môi trường nước để hấp thu khói bụi trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Giám đốc Nhất Quỳnh cho biết: “Bằng công nghệ Hoffman, nguyên liệu sản xuất từ 100% đất nguyên thủy, không pha trộn than đá như những công nghệ khác, sử dụng nhiên liệu trấu, nên giá thành sản phẩm luôn thấp hơn từ 100-200 đồng/viên, nhưng chất lượng qua kiểm nghiệm vẫn đạt tiêu chuẩn quốc gia về gạch xây dựng”.

Bên ngoài thị trường, “tảng băng” suy thoái vẫn không ngừng gia tăng sức ép lên hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng tại hai nhà máy của Nhật Quỳnh, các cửa lò vẫn ngày đêm đỏ lửa, những mẻ gạch hồng vẫn lần lượt ra lò, nhưng kho chứa thì luôn trống trơn vì gạch làm ra đến đâu, khách hàng tiêu thụ đến đó. Tính ra, thời gian hoạt động mới tròn năm, nhưng nhà máy 2 của Nhật Quỳnh đã đạt 70% công suất và dự kiến đến hết quý I/2013 sẽ hoạt động 100% công suất, vì sản phẩm làm ra hiện nay không đủ đáp ứng cho khách hàng. Danh sách các công trình được xây dựng nên từ sản phẩm gạch Hoffman của Công ty TNHH Nhật Quỳnh được ghi chép khá cẩn thận trong sổ sách kế toán, tiêu biểu có thể kể đến: siêu thị Coopmart Sóc Trăng (sử dụng một phần), Coopmart ở Bạc Liêu, Ngân hàng Liên Việt Postbank chi nhánh Sóc Trăng, khu dân cư Hoàng Quân-Vĩnh Long, kho chứa lúa huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), khu dân cư cho người thu nhập thấp huyện Long Mỹ (Hậu Giang)…

Năm 2007, khi giá gạch tăng đột biến lên mức 1.600 đồng/viên, nhận thấy thời cơ đã đến, Nhất Quỳnh quyết định đổi mới công nghệ để cải thiện công suất và chất lượng. Thông qua những người đi mua gạch tại lò thủ công trước đây cùng những người khác, anh phát hiện ra công nghệ Hoffman. Lân la đến Bình Dương, Bình Thuận và nhiều tỉnh khác, nhưng cuối cùng anh tìm được công nghệ Hoffman ở tỉnh Tây Ninh. Việc tiếp cận với công nghệ mới này lúc đầu cũng rất khó khăn, do hầu hết chủ lò đều sợ lộ bí mật công nghệ. Nhất Quỳnh nhớ lại: “Sau nhiều lần đóng vai khách hàng đi mua gạch, tôi đã tiếp cận được người phụ trách kỹ thuật chính để thương lượng mua lại thiết kế công nghệ và nhờ họ tư vấn, chuyển giao toàn bộ với chi phí khoảng 2 tỉ đồng”.

Với sự tiếp sức của Agribank Sóc Trăng chi nhánh huyện Châu Thành, ngọn lửa hồng từ công nghệ sản xuất gạch Hoffman của Nhật Quỳnh vẫn bùng cháy, đủ sức tạo hơi ấm niềm tin cho doanh nghiệp - là kết quả của niềm tin và sự nỗ lực giữa ngân hàng và doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó, đi đến bến bờ hiệu quả.

Bài, ảnh:  Xuân Trường

Chia sẻ bài viết