29/03/2011 - 21:34

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ (Cadif):

Huy động các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng thành phố

Sau hơn 2 năm hoạt động, Cadif đã tiếp cận thành công nhiều nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước để cho vay đầu tư nhiều dự án của các DN với lãi suất ưu đãi. Nhiều dự án đã và đang phát huy hiệu quả, vừa đem lại lợi nhuận cho Cadif vừa góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cho TP Cần Thơ. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng,
Giám đốc Cadif, cho biết:

- Cadif là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND TP Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 15-10-2008, hoạt động chính thức từ ngày 1-1-2009, vốn điều lệ là 300 tỉ đồng, có 4 chức năng hoạt động chính là: Huy động vốn trong và ngoài nước để cho vay đầu tư các dự án; đầu tư trực tiếp vào các dự án; góp vốn thành lập các doanh nghiệp (DN); quản lý các nguồn vốn ủy thác...

Sau hơn 2 năm hoạt động, Cadif đã đạt được những kết quả như sau: Năm 2009 lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 tỉ đồng và năm 2010 đã tăng gấp 3 lần, đạt hơn 21 tỉ đồng. Trong đó, công tác huy động vốn đã nhận được các nguồn vốn vay ưu đãi 10,250 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và một khoản vay ưu đãi từ “ Dự án Quỹ đầu tư phát triển địa phương” 190 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ dành cho các Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Tính đến nay, Cadif đã cho vay 15 khách hàng trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, cấp nước, hạ tầng, với tổng số tiền cho vay theo hợp đồng hơn 187,5 tỉ đồng và đã giải ngân hơn 136,6 tỉ đồng. Hiện Cadif đã đầu tư trực tiếp vào dự án Khu trung tâm và dân cư thương mại quận Thốt Nốt với vốn đầu tư gần 170 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Cadif đã góp 400 triệu đồng để thành lập Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cadif; góp 51% vốn điều lệ theo tiến độ, tương đương 51 tỉ đồng để thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Cadif.

* Tình hình kinh tế chung của cả nước cũng như thế giới đang có rất nhiều biến động. Trong bối cảnh như vậy, những thuận lợi và khó khăn mà Cadif đang gặp phải là gì, thưa ông?

Đại diện Cadif làm việc với đối tác Pháp.
Ảnh: K. NGỌC

- Cadif luôn được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của HĐND, UBND TP Cần Thơ, Hội đồng quản lý Cadif và sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành thành phố. Bên cạnh đó, Cadif có được đội ngũ cán bộ, nhân viên trẻ, năng động, sáng tạo, được đào tạo một cách bài bản, chính quy, luôn sẵn sàng tiếp thu những kiến thức mới. Những năm qua, Cadif đã đầu tư vào một số dự án đạt hiệu quả cao, tạo uy tín và kinh nghiệm cho các dự án đầu tư tiếp theo. Cadif là đơn vị kinh doanh có năng lực tài chính và có khả năng huy động vốn từ các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện thành công định hướng phát triển về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, Cadif vẫn còn gặp phải những khó khăn như: Tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động vượt ngoài tầm kiểm soát, các chính sách vĩ mô chưa thể hiện được tính nhất quán, xuyên suốt, tình hình dự báo độ chính xác chưa cao, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn. Thị trường tài chính, bất động sản là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Cadif đang trong giai đoạn “đóng băng”, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Cadif đa số còn trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm, phải vừa làm vừa tiếp thu những vấn đề mới. Các dự án khả thi và chủ đầu tư đủ điều kiện cho vay chưa nhiều nên ảnh hưởng đến quá trình giải ngân cũng như huy động vốn. Chẳng hạn, việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi của DN chưa đáp ứng được điều kiện cho vay, do chỉ tập trung phân tích hiệu quả tài chính của dự án, ít quan tâm đến yêu cầu về đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, đối thủ cạnh tranh, định hướng phát triển của thị trường và đặc biệt là chưa phân tích các hiệu quả về xã hội và môi trường mà dự án mang lại. Riêng các nhà đầu tư tư nhân thì chưa quan tâm đến việc lập các báo cáo thuế và báo cáo tài chính (có kiểm toán) - một trong những yêu cầu quan trọng trong việc thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư; hoặc các dự án thường chỉ áp dụng hình thức chỉ định thầu mà không được tổ chức đấu thầu cạnh tranh theo quy định. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xét cho vay, ngoài những khó khăn ảnh hưởng khách quan nêu trên.

* Kế hoạch phát triển sắp tới của Cadif, trong đó sẽ tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên nào, thưa ông?

- Tăng cường công tác huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước theo Nghị định số 138/2007/NĐ-CP (ngày 28-8-2007) của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, với số tiền huy động gấp 6 lần vốn điều lệ của Cadif. Cho vay với lãi suất ưu đãi, từ 11,4 -13,4%/năm (lãi suất này sẽ thay đổi theo lãi suất tín dụng đầu tư do Bộ Tài chính ban hành tại thời điểm giải ngân). Trong đó, Cadif sẽ ưu tiên cho các dự án: Cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị; nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội; các dự án y tế, giáo dục; các dự án góp phần bảo vệ môi trường; các dự án chợ và trung tâm thương mại theo quy hoạch. Từ đầu năm 2011 đến nay, Cadif đã tiếp nhận 24 dự án, trong đó đã chuyển 4 dự án cho WB và 13 dự án cho AFD để xem xét cho vay. Dự kiến khoảng tháng 6 đến tháng 12 - 2011 sẽ có nhiều dự án được giải ngân. Ngoài ra, Cadif sẽ tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc lập báo cáo khả thi, các hồ sơ pháp lý, thủ tục liên quan để tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả hơn. Riêng các dự án đầu tư trực tiếp sẽ tập trung vào các dự án như chợ và trung tâm thương mại theo quy hoạch được duyệt. Các dự án chung cư và nhà thu nhập thấp và các dự án khả thi khác nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư của thành phố, như: Giai đoạn II Trung tâm Thương mại Thốt Nốt, dự án nâng cấp cải tạo chợ An Nghiệp, dự án hợp phần I Trung tâm Văn hóa Tây Đô và một số dự án khác... Theo kế hoạch, Cadif sẽ hợp tác với Công ty Kỹ thuật hạ tầng ngầm GREELY (Canada) và một số đối tác có kinh nghiệm khác để cùng thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng ngầm Cadif (tên dự kiến), chuyên đầu tư, xây dựng công trình ngầm, hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn, với số vốn điều lệ khoảng 100 tỉ đồng. Cadif cũng sẽ ký hợp đồng nhận ủy thác quản lý vốn cho Quỹ Phát triển đất, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ hỗ trợ DN của Liên minh Các hợp tác xã và một số quỹ khác do thành phố quản lý...

* Xin cảm ơn ông!

KIM NGỌC (Thực hiện)

Đại diện Cadif làm việc với đối tác Pháp. Ảnh: K. NGỌC

Chia sẻ bài viết