25/11/2010 - 21:43

Ngành Công thương ĐBSCL

Hướng đến phát triển nhanh, bền vững

Ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu vùng ĐBSCL hướng đến phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở TP Cần Thơ. Ảnh: T. Long

Hội nghị ngành Công thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ XIII vừa diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng. Các báo cáo tổng hợp, các tham luận đã nêu bật được nhiều vấn đề bất cập, khó khăn… và giải pháp, định hướng cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới. Báo Cần Thơ xin lược ghi ý kiến của một số đại biểu tại hội nghị này.

* ÔNG LÂM THANH PHONG, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH SÓC TRĂNG: NHẬN DIỆN THỜI CƠ, THÁCH THỨC ĐỂ PHÁT TRIỂN

Vị trí của ĐBSCL trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế; thế mạnh về nông nghiệp, lợi thế giáp biển, giáp biên giới sẽ là những ưu thế cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư vào ĐBSCL. Các khu, cụm, công nghiệp thu hút nhiều dự án đi vào hoạt động. Hàng loạt các nhà máy điện trong khu vực như Khí– điện–đạm Cà Mau, nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Kiên Lương (Kiên Giang), Duyên Hải (Trà Vinh), Ô Môn (Cần Thơ); Sân bay quốc tế Phú Quốc, sân bay Trà Nóc, các cảng biển (Nam Du, Cái Cui, Trần Đề) đang tiến hành triển khai... mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành Công thương ĐBSCL...

Tuy nhiên, kinh tế ĐBSCL vẫn mang đặc trưng nền kinh tế nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao. Do đó, kinh tế ĐBSCL ẩn chứa nhiều bất ổn vì phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL còn hạn chế so với một số vùng trong nước. Điện khí hóa nông thôn tuy phát triển nhanh nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cho vùng sâu, vùng xa, vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản. Cơ sở vật chất kỹ thuật công nghiệp, hạ tầng thương mại của các tỉnh trong khu vực còn hạn chế, chưa đồng bộ. Việc triển khai đồng thời các khu, cụm, công nghiệp của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, gây ra tình trạng cạnh tranh lẫn nhau trong kêu gọi đầu tư. Nguồn nhân lực vùng ĐBSCL tuy dồi dào, nhưng trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật hạn chế, thiếu lao động có trình độ, kỹ thuật cao. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn hụt hẫng so với yêu cầu... Là khu vực dồi dào về sản phẩm nông, thủy sản, nhưng do phần lớn là sản xuất nhỏ lẻ khiến nông sản ĐBSCL không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông sản (không đủ về lượng, không đều về chất). Tình trạng đầu tư tràn lan nhà máy chế biến thủy sản khiến ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu, thừa nhà máy... Đây là những thách thức cần phải được các tỉnh, thành phố trong khu vực cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ để công nghiệp ĐBSCL hướng đến phát triển bền vững.

*ÔNG QUÁCH MINH LUÂN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH CÀ MAU: 3 GIẢI PHÁP TĂNG NHANH XUẤT KHẨU THỦY SẢN

Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đạt trên 580 triệu USD, ước đạt khoảng 720 triệu USD trong năm 2010 và phấn đấu đạt trên 1,2 tỉ USD vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu, tỉnh Cà Mau cùng các doanh nghiệp tiến hành triển khai đồng bộ 3 giải pháp: thị trường, điều kiện sản xuất và nguyên liệu. Trong đó, thị trường được xem là khâu quyết định, điều kiện sản xuất là khâu đột phá và nguyên liệu là khâu quan trọng.

Đối với phát triển vùng nguyên liệu, trong nuôi tôm, Cà Mau hướng đến việc tăng năng suất và chất lượng, chủ yếu là tăng diện tích nuôi công nghiệp. Ngoài ra, Cà Mau tăng cường nghiên cứu phát triển một số loài hải sản có khả năng chế biến xuất khẩu như: cua, nghêu, sò và một số loài cá nước ngọt; tập trung chuyển đổi ngành nghề khai thác biển theo hướng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu... Trong vấn đề thị trường, Cà Mau xác định thị trường Mỹ, Nhật, EU là thị trường chủ lực; thị trường Úc, Canada, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... là thị trường tiềm năng. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, Cà Mau chú trọng thị trường trong nước, xem là khâu quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Cà Mau sẽ xây dựng chương trình phối hợp ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại như: sàn giao dịch hàng hóa, thương mại điện tử...; hình thành thống nhất hệ thống thông tin 2 chiều, hệ thống dự báo thị trường, giá cả mang tính chuyên nghiệp cao.

Bên cạnh, thời gian tới, Cà Mau triển khai xây dựng khu công nghiệp chế biến tập trung nhằm thu hút đầu tư và đáp ứng xây mới nhà máy chế biến thủy sản. Để nâng cao năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu, tỉnh sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp thường xuyên tiếp cận công nghệ mới, hiện đại để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đổi mới thiết bị và xây mới một số nhà máy chế biến thủy sản...

* ÔNG PHAN KIM SA, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH ĐỒNG THÁP: CẦN CÓ BIỆN PHÁP THÁO GỠ NHỮNG BẤT CẬP TRONG XUẤT KHẨU GẠO

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có khoảng 205 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhưng chỉ có 11 doanh nghiệp chủ lực, chiếm 68% thị phần, trên 80 doanh nghiệp xuất khẩu dưới 1.000 tấn/năm, trên 40 doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 200 tấn, số còn lại xuất khẩu rất ít. Trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu gạo là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), không ít doanh nghiệp chưa đủ thực lực về vốn, cơ sở xay xát, kho tàng, lại nằm xa vùng nguyên liệu nhưng được xuất khẩu với số lượng lớn. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp ngoài thành viên đủ các điều kiện vừa nêu nhưng không được xuất khẩu trực tiếp. Điều này dẫn đến tình trạng vừa độc quyền, vừa tản mát, cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu gạo. Không những thế, do có điều kiện tiếp cận với các mối quan hệ cấp Chính phủ, tiếp xúc với các đối tác nước ngoài nên các doanh nghiệp lớn có được lợi thế hơn trong các hợp đồng xuất khẩu tập trung, cũng như hợp đồng thương mại. Điều này khiến dẫn đến độc quyền về giá mua lúa trong dân. Đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực yếu nhưng số lượng quá nhiều, xảy ra tình trạng tranh giành khách hàng bằng cách hạ giá bán gạo (thường xảy ra đối với các hợp đồng thương mại) và tất nhiên sẽ mua lúa trong dân với giá thấp hơn...

Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong xuất khẩu gạo của nước ta như: gạo chất lượng chưa cao và không đồng nhất nên chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam; luôn bị động trong dự trữ lúa gạo và vấn đề quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng, liên kết bốn nhà vẫn chưa được thực hiện. Nếu không tháo gỡ sớm những bất cập nêu trên, người nông dân sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến “an ninh lương thực quốc gia”. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa; có chính sách biện pháp thỏa đáng để thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất lúa chất lượng cao, đẩy nhanh việc xây dựng kho tạm trữ; tiếp tục xây dựng mối liên kết trong sản xuất, bảo quản, tồn trữ, chế biến, xuất khẩu gạo.

* ÔNG ĐẶNG VĂN LỚP, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH LONG AN: CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CẢI THIỆN NHANH MÔI TRƯỜNG, THU HÚT ĐẦU TƯ

Long An có rất nhiều tiềm năng để thu hút nhà đầu tư phát triển công nghiệp. Cụ thể như: quỹ đất để phát triển công nghiệp khá dồi dào (được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2010 là 15.000 ha); lực lượng lao động đông đảo (hiện tỉnh có khoảng 900.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 45% đã qua đào tạo). Ngoài ra, với vị trí tiếp giáp với trung tâm phát triển kinh tế lớn nhất của cả nước là TP Hồ Chí Minh nên Long An thích hợp cho việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, điện tử, dịch vụ phát triển công nghiệp, vận tải, phát triển các khu dân cư, đô thị, trung tâm giáo dục – đào tạo...

Thành tựu về cải cách hành chính là điểm nổi bật để Long An cải thiện nhanh chóng môi trường đầu tư trong thời gian qua. Các thủ tục hành chính về đất đai, đăng ký kinh doanh, đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư... phải ngày càng thuận lợi, đảm bảo sự thông thoáng, minh bạch; giảm nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp... Ngoài ra, tỉnh đã kịp thời ban hành các cơ chế linh hoạt về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, giảm tối đa trình tự, thủ tục điều kiện và thẩm quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất... Việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng yêu cầu tạo ra môi trường về mặt bằng để phát triển, để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần làm tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, Long An đã thành công trong việc hỗ trợ giải quyết mặt bằng sản xuất, tách sản xuất ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư... từ đó, tạo ra nhiều việc làm, thu hút và giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của người dân...

* ÔNG NGUYỄN THANH SƠN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ: NẾU CÓ CHIẾN LƯỢC TỐT, CHẮC CHẮN NGÀNH CÔNG THƯƠNG SẼ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

ĐBSCL có thế mạnh so với các địa phương khác trong cả nước về sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đây được xem là động lực rất quan trọng trong phát triển ngành Công thương nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung của vùng ĐBSCL. Trong các năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp từ đó kinh tế của các địa phương vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, những lợi thế trong vùng được phát huy.

Ngành Công thương của vùng ĐBSCL thời gian qua cũng có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu... chỉ dựa vào các mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, nông sản, may mặc... Chưa có địa phương nào trong vùng có dự án hoặc sản phẩm mới, tiên tiến mang tính đột phá, mang lại giá trị gia tăng cao. Trong xuất khẩu, thủy sản là thế mạnh thứ hai, ít đối thủ cạnh tranh hơn gạo. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sắp xếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của thủy sản chưa được sự quan tâm, chưa phát huy hết lợi thế. Chính vì thế, thời gian qua, ngành thủy sản gặp nhiều bất lợi như: mất cân đối cung cầu trong chế biến và nuôi trồng, giá bán sản phẩm thủy sản bị hạ ở nhiều thị trường xuất khẩu... gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi, cho doanh nghiệp và cả quốc gia.

Ngành Công thương cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL cần ngồi lại với nhau bàn và thống nhất phát triển theo thế mạnh của từng địa phương. Hơn thế, ngành Công thương cũng cần có sự phối hợp, kết hợp với ngành nông nghiệp trong vùng để hình thành được các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp, xuất khẩu phát triển bền vững. Tôi tin rằng, nếu chúng ta có chiến lược phát triển tốt, chắc chắn tốc độ phát triển ngành Công thương của vùng sẽ nhanh và bền vững hơn.

Hà Triều (lược ghi)

Ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu vùng ĐBSCL hướng đến phát triển nhanh, bền vững. Trong ả

Chia sẻ bài viết