31/03/2011 - 11:06

Hướng đến bán quota khí thải

Thị trường quota khí thải CO2 chính thức mở cửa vào năm 2005 tại châu Âu. Việt Nam hiện đang hướng đến bán lượng tiết kiệm khí thải cho các quốc gia tiên tiến khác để thu về ngoại tệ, phục vụ phát triển nông thôn. Trong đó, ĐBSCL đang có những động thái tích cực hưởng ứng thị trường này…

TIẾT KIỆM KHÍ THẢI, ĐƯỢC TIỀN

Túi ủ biogas tại lò giết mổ gia súc tập trung ở TP Cần Thơ. Ảnh: H.T 

Người dân ĐBSCL từ nhiều năm qua đã xử lý chất thải chăn nuôi bằng cách ủ phân gia súc nuôi tạo khí đốt vừa xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí khí đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Nhật Bản về khoa học nông nghiệp (JIRCAS), mô hình VACB (vườn-ao-chuồng-biogas) được nhiều hộ gia đình thực hiện thời gian qua đã tiết kiệm được một lượng khí thải rất lớn. Việc tiết kiệm này có thể được quy ra ngoại tệ nếu được thực hiện bài bản và được cấp giấy xác nhận (CER) hoặc “Quỹ khí Carbon” của Liên Hiệp Quốc.

Từ năm 2008, JIRCAS đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ bắt đầu nghiên cứu cấp cơ sở bằng cách thực hiện thí điểm xây dựng 200 túi biogas cho hộ gia đình tại ấp Mỹ Phụng, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Kết quả đánh giá hiệu quả từ mô hình này rất cao. Xử lý chất thải từ chăn nuôi tạo ra khí đốt, giúp giảm chi phí khoảng 200.000 - 300.000 đồng/hộ/tháng từ nhiên liệu đốt. Có biogas, người dân không đốn cây làm củi, giữ lại sinh khối cây xanh, góp phần cải thiện môi trường, tăng lượng ô-xy trong không khí, xử lý được lượng khí thải CO2. “Nếu tính bình quân mỗi hộ đốt 1,5-2 tấn củi/năm cho sinh hoạt hàng ngày, nhân lên cho 100.000 hộ ở khu vực nông thôn TP Cần Thơ như hiện nay là một con số rất lớn. Việc đốt củi sẽ làm giảm mật độ che phủ, sinh khối cây xanh và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi sử dụng khí đốt từ biogas vừa tiết kiệm chi phí, vừa xử lý được vấn đề môi trường đồng nghĩa với việc sản xuất theo cơ chế sạch đang được khuyến khích trên toàn thế giới. Nếu phát triển rộng rãi, lượng tiết kiệm khí thải bán được là rất lớn. Tất cả đều được quy ra bằng ngoại tệ...”, các chuyên gia phân tích.

Hiện nay, JIRCAS đang tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện phát triển mô hình sản xuất sạch ở nông thôn, tiến tới bán quota giảm khí thải tại TP Cần Thơ. Theo kế hoạch, có khoảng 1.000 hộ tham gia mô hình này tại 2 quận Cái Răng, Bình Thủy và huyện Phong Điền. Theo tính toán, các hộ này sẽ tiết kiệm được 6.000 tấn khí thải trong vòng 7 năm. Sinh khối này sẽ được cấp chứng nhận và bán lại cho các quốc gia, doanh nghiệp thải khí CO2 ra môi trường, thu về ngoại tệ để đầu tư cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Mô hình VACB thời gian qua đã tác động tích cực đến sản xuất, đời sống của người dân. Đây là mô hình khép kín giúp tăng thu nhập, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống. Thành phố sẵn sàng trong việc phối hợp thực hiện cơ chế sản xuất sạch triển khai trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố cũng đã có kế hoạch hành động hưởng ứng chiến lược sản xuất sạch của Chính phủ...”.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Tại Việt Nam, dự án cơ chế phát triển sạch đầu tiên thu về ngoại tệ là hai bãi chôn lấp rác Phước Hiệp I (Củ Chi) và Đông Thạnh (Hóc Môn) ở TP Hồ Chí Minh. Đối tác đã thỏa thuận giá 1 tấn CO2 là 14 USD. Theo tính toán, giai đoạn 2008-2012, hai bãi rác này thu được 4 triệu tấn CO2 (dạng quy đổi tương đương), bán ra được tổng cộng 56 triệu USD. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có nhiều lợi thế từ việc mua bán khí thải. Dự kiến, trong 4 năm (2008-2012) sẽ thu được khoảng 250 triệu USD từ quota này. Ngoài ra, Việt Nam còn hàng triệu héc-ta rừng nếu được quy ra quota khí thải sẽ thu được nguồn ngoại tệ lên đến hàng tỉ USD.

Ở ĐBSCL, TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên được triển khai nghiên cứu và tiến tới bán quota khí thải. Thành phố rất chủ động trong việc phối hợp và có nhiều giải pháp thực hiện cơ chế phát triển sạch trên địa bàn. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Phó trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ), cho biết: Thị trường quota khí thải nhà kính hiện nay rất sôi động. Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang tiết kiệm được lượng khí thải rất lớn, có thể biến thành hàng hóa để bán cho các nước công nghiệp. Trong khuôn khổ dự án, lượng khí CO2 tiết kiệm được 1.000 tấn/năm bán quota cho các quốc gia khác. Số tiền này được dùng vào phát triển vùng thực hiện dự án. Đó là chưa kể nhiều mô hình tiết kiệm khí thải khác có thể biến thành hàng hóa như mô hình biogas để thu ngoại tệ.

Theo thông tin từ các nhà khoa học chuyên về cơ chế phát triển sạch, CER hiện được dùng như một sản phẩm có giá trị; hoạt động mua bán tăng lên nhanh nhất là từ khi có Nghị định thư Kyoto. Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản, Hà Lan... hiện có nhu cầu mua rất lớn. Năm 2010, Nhật Bản đã ký kết các thảo thuận với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, về việc xuất khẩu công nghệ và thiết bị carbon thấp để đổi lấy quota khí thải. Mua bán quota khí thải là sáng kiến của Liên Hiệp Quốc nhằm giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp về hạn chế khí thải CO2 trong sản xuất. Đồng thời, giúp các nước nghèo, các nước đang phát triển vốn giữ một lượng lớn về sinh khối này thu được nguồn ngoại tệ để đầu tư, phát triển. Đó là sự công bằng, chia sẻ giữa quốc gia thải nhiều khí thải và quốc gia tiết kiệm, xử lý được khí thải.

DU MIÊN

Chia sẻ bài viết