02/06/2015 - 21:49

Hạt gạo Sóc Trăng khẳng định vị thế

Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo đặc sản trong vùng ĐBSCL. Ngay từ những năm 1992, Sóc Trăng tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, giữ vững ổn định sản lượng và ngày nâng cao chất lượng. Hơn 23 năm qua, tỉnh đầu tư gần 9 tỉ đồng nghiên cứu, thực hiện 20 đề tài, dự án về nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng các giống lúa tạo ra bước đột phá về giống lúa, đặc biệt là giống lúa thơm, mỗi năm sản xuất ra hơn 2 triệu tấn lúa, xuất khẩu trên 100 ngàn tấn gạo với nhiều loại đặc sản như: Tài Nguyên, ST16, ST 19, ST20…

Sóc Trăng có 276.429 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa. Trong vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, diện tích lúa gieo trồng là 141.536 ha, trong đó lúa đặc sản là 62.247 ha, chiếm 43,98% diện tích. Để tạo nên thế mạnh cạnh tranh trên thị trường cũng như nâng cao giá trị hạt gạo, Sóc Trăng tiến hành triển khai 20 đề tài, dự án hơn chục năm trước như: Lai tạo chọn lọc giống lúa thơm đặc sản từ các dòng đột biến quý với các giống lúa thơm thuần cải thiện; Chương trình chọn lọc giống lúa thơm đột biến tự nhiên từ giống lúa VĐ20; Lai tạo giống lúa thơm hướng tới lức đỏ… để cho ra đời hàng chục giống lúa chất lượng cao như: ST5, ST16, ST19, ST20, ST Đỏ, ST21, ST22, Tài Nguyên, trong đó ST20 tạo nên dấu ấn rõ nét từ việc nhận nhiều giải thưởng lớn, trong đó tại Festival lúa gạo lần thứ 2 tại Sóc Trăng, giống ST 19 được bình chọn có chất lượng gạo ăn ngon nhất trong nhóm lúa ST và giống ST 20 đạt giải nhất thương hiệu gạo ngon. Cánh đồng sản xuất giống lúa ST đạt 50 triệu đồng/ha/vụ…

Lúa đặc sản Sóc Trăng được quy hoạch theo từng khu vực gieo trồng với các loại giống đặc trưng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Sóc Trăng đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo hướng GlobalGAP ở Hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Hòa Lời của huyện Mỹ Xuyên; HTX Vĩnh Tiến - Vĩnh Biên, thị xã Ngã Năm với hàng trăm ha/vụ, năng suất lúa đạt từ 5,2 đến 6 tấn/ha/vụ. Từ những kết quả đạt được, Sóc Trăng đang triển khai Đề án vùng sản xuất lúa đặc sản tại 3 huyện và một thị xã (Ngã Năm). Tính đến hết năm 2014, diện tích lúa đặc sản của toàn tỉnh khoảng 90.000 ha, trong đó, giống ST chiếm 34%, Tài Nguyên chiếm 10%, còn lại là các giống lúa thơm nhẹ. Vùng thực hiện Đề án được quy hoạch sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nhằm đạt mục tiêu hình thành những hình ảnh đẹp từ việc tổ chức luân canh: "Gạo thơm - tôm sạch", "Con đường lúa thơm", "Làng lúa thơm", "Huyện lúa thơm" và tiến tới là "Tỉnh lúa thơm" đầu tiên của cả nước.

Với định hướng sản xuất không theo kiểu tràn lan mà được quy hoạch theo từng khu vực cụ thể với giống lúa đặc trưng như giống lúa mùa đặc sản Tài Nguyên có phẩm chất gạo đục, ngon cơm, dễ tiêu thụ và giá trị kinh tế cao, trồng chủ yếu trên địa bàn xã Châu Hưng, Thạnh Trị, thị trấn Hưng Lợi, Phú Lộc với diện tích ổn định 6.000 đến 7.000 ha và thị xã Ngã Năm được xây dựng mô hình khoa học công nghệ sản xuất, tiêu thụ lúa đặc sản cao cấp ST19, ST20 với diện tích trên 100 ha…

Việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân đã hình thành được các vùng sản xuất lúa thơm gắn với tiêu thụ. Qua đó giá thành sản xuất lúa thơm Sóc Trăng ngày càng thấp, giá trị cao hơn lúa thường từ 30 đến 50% đã làm cho tỷ suất lợi nhuận ngày được tăng lên. Nếu như trước đây ở các tỉnh ĐBSCL chỉ có 4 đến 5 tỉnh trồng lúa thơm ST nay đã phát triển đến hầu hết các tỉnh. Theo đánh giá, thu nhập của nông dân trồng lúa ST do công ty bao tiêu sẽ cao hơn lúa thường 9,1 triệu đồng/ha, tăng 34% thu nhập cho nông dân. Mặt hàng gạo ST20 không chỉ xuất hiện ở phía Nam mà đã có mặt tại thị trường các tỉnh phía Bắc. Với hoạt động chọn tạo giống ngày một nâng cao, gạo Sóc Trăng ít nhiều cũng đã vươn ra thế giới.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng - người chủ công trong nhóm lai tạo ra giống lúa ST, cho biết: Giống lúa ST được lai tạo giống tại chỗ và chọn lọc theo hướng chịu mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sóc Trăng đã cho ra đời hàng chục giống lúa, trong đó ST20 tạo nên dấu ấn rõ nét và nhận được giải thưởng cao nhất trong Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 (2011); Cục Trồng trọt công nhận giống cây trồng mới (2013); giải thưởng Thành tựu của Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế (2014).

Từ kết quả thực hiện dự án: "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Gạo thơm Sóc Trăng" cho sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng" đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận vào năm 2011. Với việc được bảo hộ về mặt pháp lý, cùng với hoạt động quảng bá hiện nay gạo thơm Sóc Trăng đã được biết đến trong cả nước cũng như thị trường ngoài nước.

Kỹ sư Hồ Quang Cua nhận định: Giờ đây, nông dân Sóc Trăng khẳng định được với việc sản xuất lúa tập trung theo phương pháp công nghiệp với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, hạt gạo Sóc Trăng có thể vững vàng ra "biển lớn", hội nhập với thị trường lúa gạo toàn cầu.

Quốc Khánh - Nguyễn Nhân

Chia sẻ bài viết