08/12/2013 - 20:11

Hành trình cho cây lúa tương lai

Khi nghe kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, rủ đi tìm giống lúa ma (giống lúa hoang ở vùng ĐBSCL), tôi gật đầu đồng ý ngay. Và chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều điều lý thú...

* Tìm lúa ma trên Đồng Tháp Mười

TS Trần Tấn Phương cẩn thận thu từng mẫu cây lúa ma tại Láng Sen (Long An).
 

Chiếc vỏ lãi rẽ nước trên dòng kênh đỏ ngầu màu phèn đưa chúng tôi đến với đồng lúa ma rộng hơn 30ha của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An). Hai bên bờ kênh, những tổ chim dòng dọc như chiếc bình gốm treo lủng lẳng trên nhánh tràm, như điểm tô thêm nét đẹp hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười. Sự bình yên vốn có của Khu bảo tồn phút chốc đã bị phá vỡ bởi tiếng máy nổ đều đều của chiếc vỏ lãi, làm những đàn cò, bìm bịp, diệc xám.. giật mình vụt bay khỏi mặt kênh. Đồng lúa ma bắt đầu hiện dần ra giữa mênh mông nước, xen lẫn với năn, cỏ mồm, cỏ ống, cỏ chỉ, cỏ bắc, rau dừa và hội đoàn sen-súng. "Cư dân" của đồng lúa ma khá phong phú, nhưng nhiều nhất vẫn là: le le, cò, trích, chim suốt… phút chốc lại túa ra chào đón trước mũi chiếc vỏ lãi của chúng tôi.

Khi chúng tôi còn mãi ngắm những cư dân của đồng lúa ma, các chuyên gia Nhật Bản và thành viên trong đoàn đã bắt tay vào việc. PGS.TS Hideshi Yasui (Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản) và TS. Trần Tấn Phương (Sở NN&PTNT Sóc Trăng) tập trung chọn và thu mẫu từng bụi lúa ma. TS Yoshiyuki Yamagata (Trường Đại học Kyushu) và PGS.TS Kemichi Nomura (Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản) thu mẫu lá lúa ma và định vị từng điểm thu mẫu bằng thiết bị GPS. Công việc thu mẫu diễn ra khá thuận lợi nhờ sự nhiệt tình hợp tác của cán bộ khu bảo tồn. TS Trần Tấn Phương giải thích: "Ngay cả trong quần thể lúa ma (Oryza rufipogon) ở đây cũng đã có sự khác biệt về đa dạng nguồn gien. Bởi vậy, mỗi điểm thu mẫu cần được định vị cụ thể để sau này, khi cần nguồn gien ở điểm nào, chúng ta sẽ đến thu tại điểm đó". Tôi vẫn chưa hết thắc mắc, vì sao chỉ thu mẫu lá lúa và cả thân, rễ cây lúa mà không có hạt lúa nào để làm vật liệu lai? TS Phương giải thích: "Các chuyên gia Nhật họ có thiết bị phân tích gien rất hiện đại. Chỉ cần đưa mẫu lá lúa vào, máy sẽ cho kết quả gần như tất cả các chỉ số về bộ gien của giống lúa đó. Còn những cây lúa này sẽ được đưa về trồng tại trại nghiên cứu, để thu hạt sau".

Kỹ sư Hồ Quang Cua chìa ra khoe một bông lúa ma có những hạt chín với vỏ trấu màu đen, cùng chiếc đuôi dài đặc trưng, giải thích: "Giống lúa này mỗi lần chỉ chín vài hạt chứ không chín cả bông như những giống lúa được trồng hiện nay. Nếu không thu hoạch kịp, đến khi mặt trời lên chúng cũng sẽ tự rụng. Bởi vậy, đi vào thời điểm này khó tìm được bông lúa có hạt chín như vậy". Theo các cán bộ của khu bảo tồn, do lúa ma chín ngay mùa nước nổi nên muốn thu hoạch phải dùng xuồng và chỉ dùng… cây để đập. Dụng cụ thu hoạch lúa ma vì vậy cũng rất độc đáo, được thiết kế bằng cách dựng tấm mê bồ cao từ 1 - 1,5m, xuôi từ trước ra sau chiếc xuồng. Phía trước tấm mê bồ là cây sào cao, hai bên mạn xuồng được cột 2 cây sào. Người đứng lái xuồng ra sức chống xuyên qua khu vực lúa chín, còn người ngồi trước hai tay cầm 2 cây sào đập bông lúa vào tấm mê bồ, để hạt lúa tự rụng vào xuồng. Câu chuyện như gợi nhớ về một thời gian khó, khiến kỹ sư Hồ Quang Cua buột miệng như nói với chính mình: "Ngày xưa, ông bà mình sống chủ yếu nhờ vào giống lúa này".

*Nguồn gien cho cây lúa tương lai

Nếu như Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen chỉ có khoảng 30ha lúa ma, thì tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông (Đồng Tháp), diện tích có lúa ma lên đến cả ngàn héc-ta. Công việc ở đồng lúa ma Tràm Chim cũng không khác so với khi ở Láng Sen nhưng thuận lợi hơn nhờ quy mô và sự phong phú của quần thể lúa ma nơi đây. Nhờ vậy, tôi đã không phải thất vọng khi trở thành người sưu tập được nhiều hạt lúa ma chín nhất, trên… 20 hạt. Các hạt lúa chín được kỹ sư Hồ Quang Cua cất cẩn thận, vì đây chính là vật liệu lai sau này, để cho ra những giống lúa thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: "Vùng Đồng Tháp Mười vốn là cái rốn phèn nên quần thể lúa ma ở đây cũng thuộc loại chịu ngập sâu và phèn tốt nhất. Vì những cá thể còn lại này đã vượt qua sự chọn lọc từ tự nhiên". TS Trần Tấn Phương góp chuyện: "Tại trại nghiên cứu giống lúa hợp tác với JICA của tỉnh Sóc Trăng cũng đã có bộ sưu tập giống lúa ma tại một số địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Chuyến đi lần này nhằm khảo sát, sưu tập quần thể lúa ma tại vùng ngập sâu và phèn nặng nhất ở ĐBSCL để phân tích tính đa dạng di truyền của từng cá thể (được thực hiện tại Nhật-PV) và làm vật liệu cho cán bộ kỹ thuật Sóc Trăng lai tạo những giống lúa thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu".

Cũng từ những đặc tính quý của giống lúa ma này, các nhà khoa học trong nước đã lai tạo thành công giống lúa AS 996 có sức chống chịu phèn và mặn cao, nhưng vẫn đạt năng suất 5-6 tấn/ha, dù chất lượng hạt gạo không ngon như những giống lúa ngắn ngày khác. Kỹ sư Hồ Quang Cua giải thích thêm: "Ngoài đặc tính chịu ngập sâu, phèn nặng, giống lúa ma còn kháng được rầy nâu và một số dịch hại khác. Đây chính là những nguồn gien quý, được các chuyên gia Nhật quan tâm tìm hiểu để nghiên cứu và hỗ trợ Sóc Trăng lai tạo những giống lúa có sức chống chịu với điều kiện bất lợi của thiên nhiên và cả với dịch hại sau này". PGS.TS Yasui vẫn miệt mài quan sát, ghi lại hình ảnh và cho biết, ở Thái Lan cũng có đồng lúa ma, nhưng xét về quy mô và tính đa dạng thì thua xa vùng Đồng Tháp Mười của Việt Nam. Theo PGS.TS Yasui, việc bảo tồn một diện tích lúa hoang lớn như thế này là rất quý cho công tác nghiên cứu khoa học. Sau chuyến đi này, nhóm của ông sẽ xây dựng một dự án để có kinh phí phối hợp cùng phía Việt Nam tiến hành nghiên cứu.

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết