13/02/2020 - 16:07

Hạn mặn nghiêm trọng ở Bến Tre 

Chúng tôi về xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong cái nắng hầm hập đầu năm. Hai bên đường có rất nhiều người dân tranh thủ bơm nước để tưới dưa hấu và các loại rau màu khác với hy vọng sẽ cứu vãn một phần thiệt hại do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn xấp xỉ 10/1.000, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Thêm vào đó nắng nóng xuất hiện sớm hơn mọi năm từ 20 đến 30 ngày nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Nông dân biển Thạnh Phú tận dụng mọi nguồn nước ngọt để tưới rau màu.

Đứng cạnh cống đập xã Thạnh Phước đang khép kín ngăn mặn, ông Nguyễn Văn Sáu (người dân trong xã) lo lắng, nói: “Mấy mươi năm mới bị hạn nặng như vầy. Mười công dưa hấu của tôi thiệt hại nặng nề vì hạn. Đã vậy thương lái chuẩn bị mua để xuất sang Trung Quốc đã “bỏ cọc” vì dịch bệnh do virus Corona. Phen này chết chắc. Mà đâu có mình tui, mấy xã ven biển đều bị vậy”.

Những ngày sau Tết Nguyên đán, nước mặn đã bao phủ gần như toàn bộ diện tích tỉnh Bến Tre, nặng nề nhất là các huyện ven biển: Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại. Không chỉ vậy, nước mặn còn đi sâu trên 60km để đe dọa nhà vườn các huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm. Tại cảng cá huyện Bình Đại, độ mặn từ 26-29‰; tại huyện Thạnh Phú, mặn dao động từ 25-28‰; tại huyện Ba Tri, độ mặn lên đến 27-30‰. Một con số rất đáng báo động sẽ tác hại rất lớn về kinh tế.

Đáng lo ngại là việc hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây tọa lạc tại 3 xã Phước Tuy, Phú Ngãi và Tân Xuân (thuộc huyện Ba Tri) với công suất 800.000m3 nước được xây dựng với kinh phí 85 tỉ đồng nay đã trở thành hồ nước mặn nhưng chưa rõ nguyên nhân cụ thể khiến hơn 200.000 người sinh sống tại đây điêu đứng.

Trên quốc lộ 60, đoạn từ xã Giao Thạnh đến các xã Thạnh Hải, Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) chúng tôi bắt gặp khá nhiều những cánh đồng nứt nẻ không thể xuống giống lúa. Cạnh đó là cảnh tượng người trồng màu tranh thủ nguồn nước lợ dưới lòng đất để tưới “chữa cháy” cho hàng chục ngàn héc-ta, đa số là dưa hấu, đậu phộng, củ sắn, xoài tứ quý…

Bà Trần Thị Trang, ngụ xã Thạnh Phong, bức xúc nói: “Cứ cái đà này nông dân sẽ lỗ nặng, bởi đâu còn nước để tưới nữa đành bỏ hoang đất chờ mùa mưa xuống xem sao. Thổ nhưỡng xứ nầy chỉ toàn là đất cát nên không thể trồng lúa và các loại cây ăn trái khác”.

Khó khăn không dừng lại ở đó mà hạn mặn còn đe dọa trực tiếp đến nguồn nước ngọt sinh hoạt, phục vụ đời sống thường nhật của người dân. Những ngày này trên các quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ xuất hiện xe chở nước ngọt bán cho người tiêu dùng.

Anh Trang Thế Hùng, ngụ huyện Thạnh Phú, cho biết: “Gần một tháng qua, tôi dùng xe công nông của mình chở nước ngọt từ huyện đến các xã ven biển để bán với giá từ 120.000-150.000 đồng/phuy (mỗi phuy chứa 220 lít nước ngọt) tùy cự li xa hay gần, đường đến nhà người mua dễ hay khó. Bình quân mỗi ngày sau khi trừ hết chi phí cũng kiếm được từ 700.000- 800.000 đồng”.

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan, tăng cường phòng, chống ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm nay một cách quyết liệt nhất. Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành Quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn. Triển khai ngay các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất… Ngay trước Tết Nguyên đán Bến Tre đã khẩn trương xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre). Công trình nầy là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt, bằng cách ngăn nước biển, tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai với sức chứa khoảng 5 tỉ mét khối nước.

Bên cạnh đó, Bến Tre phát huy tác dụng các cống đập ngăn mặn, Nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp; vận hành hệ thống lọc nước RO công suất 3.000m3/ngày đêm và hệ thống quan trắc tự động online nhằm kiểm tra theo dõi chất lượng nước, áp lực và lưu lượng nhằm đảm bảo chất lượng nước khi cấp ra mạng lưới để sử dụng. Tại các huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thực hiện hai chuyến tàu vận chuyển nước ngọt với khối lượng khoảng 500m3 từ TP Hồ Chí Minh đến cung cấp cho nhân dân vùng nhiễm mặn. Riêng ngành thủy sản tỉnh Bến Tre cũng khuyến cáo người nuôi theo dõi biến động của thời tiết và môi trường nước. Song song đó, tổ chức huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó xâm nhập mặn theo thẩm quyền. Trong đó, đặc biệt lưu ý huy động các loại phương tiện: xe bồn, xà lan, ghe, các phương tiện chuyên dùng khác để vận chuyển nước phục vụ các bệnh viện, khu công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn…

Cuộc chiến đấu gay go với hạn mặn tại Bến Tre vẫn đang tiếp diễn.

Bài, ảnh: TRẦN TRẤN GIANG

Chia sẻ bài viết