10/11/2009 - 21:03

Dự án tái tạo lục bình và các chất thải nông nghiệp

Giúp tăng thu nhập cho nông hộ

Từ lục bình và các chất thải nông nghiệp có thể sản xuất ra điện, chất đốt, phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi và cải tạo môi trường... Đó là những ứng dụng có được từ Dự án VIE/020-Bèo lục bình (Sản xuất nông thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo từ lục bình và chất thải) vừa được giới thiệu tại Hội nghị khoa học Dự án VIE/020-Bèo lục bình, diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu của dự án này cho thấy có thể nhân rộng ra cộng đồng, giúp tăng thu nhập cho nhiều nông hộ...

Các khoa của Trường Đại học Cần Thơ gồm: Khoa Công nghệ, Khoa Thủy sản, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng đã trình bày các báo cáo về kết quả nghiên cứu ứng dụng của Dự án VIE/020-Bèo lục bình.

 Anh Lê Văn Dinh dùng nước thải hầm ủ biogas cải tạo ao phèn nuôi cá đang cho  hiệu quả.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Công nghệ, bèo lục bình từ lâu đã hiện diện khắp các con sông và kênh rạch trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây tắc nghẽn giao thông thủy, cản trở tưới tiêu nông nghiệp, cản trở nghề cá... Tuy nhiên, bèo lục bình cũng mang lại lợi ích như: sản xuất giấy, ván ép và vật dụng gia đình, thức ăn gia súc, phân hữu cơ vi sinh... Trong khuôn khổ dự án này, nhóm đã nghiên cứu khả năng sản xuất điện từ bèo lục bình (thông qua hầm ủ biogas bèo lục bình 100m3). Ngày nay, hệ thống hầm ủ có nhiều lợi ích như: có khả năng sinh ra biogas phục vụ nấu ăn, thắp sáng và làm nhiên liệu thay dầu diesel hoặc xăng để chạy các động cơ đốt trong sản sinh ra điện năng, kéo bơm nước, vận hành máy ép củi trấu... Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng khả năng sinh biogas của bèo lục bình cao hơn phân heo, nhưng thời gian sinh biogas của bèo lục bình kéo dài hơn. Kết quả thí nghiệm cũng chỉ ra rằng tỷ lệ pha trộn tốt nhất để sản xuất biogas là 50% phân heo kết hợp 50% bèo lục bình. Hiệu suất của động cơ khi sử dụng nhiên liệu biogas thay dầu diesel để quay máy phát tạo ra điện năng dao động từ 1,38 đến 1,41 kwh/m3 biogas, đây là hiệu suất khả thi.

Ngoài khả năng sản xuất điện từ bèo lục bình, chất thải từ hệ thống hầm ủ biogas, bèo lục bình cũng có nhiều lợi ích như: chế biến thức ăn cho cá, xử lý độ pH trong các ao cá, làm phân hữu cơ vi sinh... Theo nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Thủy sản, nước thải hầm ủ biogas từ hỗn hợp phân heo và lục bình đã được sử dụng cho việc gây nuôi thức ăn tự nhiên (tảo, luân trùng, trứng nước) để nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng và độ kiềm chứa trong nước thải hầm ủ biogas rất cao có thể sử dụng như nguồn vôi để cải thiện pH của nước ở vùng nhiễm phèn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Các thí nghiệm được thực hiện tại Trại Thực nghiệm Dự án VIE/020-Bèo Lục Bình tại Trung tâm Hòa An (Trường Đại học Cần Thơ) nhằm phân tích thành phần dinh dưỡng, các yếu tố hóa lý của nước thải hầm ủ biogas làm cơ sở cho việc sử dụng để cải thiện pH nước. Kết quả cho thấy, có thể sử dụng nước thải hầm ủ biogas từ sự phối hợp trộn phân heo và bèo lục bình để cải thiện pH nước trong các ao nuôi thủy sản ở vùng nước phèn (pH thấp) rất tốt...

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, kết quả khảo sát thành phần hóa học của lục bình ở Hậu Giang và ủ thử nghiệm cho thấy rễ lục bình phù hợp sử dụng để sản xuất phân hữu cơ. Việc kết hợp rễ lục bình với các loại chất thải hữu cơ khác có sẵn ở Hậu Giang như: rơm, xác mía, bã bùn mía, phân heo và cặn hầm ủ biogas theo tỷ lệ nhất định có thể sản xuất phân hữu cơ với hàm lượng hữu cơ khá cao và giàu dinh dưỡng như: P, Ca, vi lượng Cu, Zn. Ngoài ra, sử dụng lục bình kết hợp với phân chuồng để nuôi trùn. Nghiên cứu được thực hiện trên 3 giống trùn là trùn quế, trùn huyết và trùn cơm. Kết quả cho thấy, trùn quế và trùn huyết có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên các nguồn nguyên liệu thức ăn từ rễ lục bình kết hợp với phân bò hoặc phân heo theo tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, trùn cơm sinh trưởng rất kém với 2 loại thức ăn trên...

Trong khuôn khổ Dự án VIE/020-Bèo lục bình, đã có 2 loại hầm ủ biogas mới (hầm ủ mới EQ1 và hầm ủ mới EQ2) ra đời do kỹ sư Nguyễn Ngọc Em và tiến sĩ khoa học Đỗ Ngọc Quỳnh nghiên cứu ứng dụng. Các loại hầm ủ biogas loại mới này có giá thành rẻ hơn, dễ xây dựng và vận hành dễ dàng so với các loại hầm ủ trước đây và phù hợp với Dự án VIE/020-Bèo lục bình. Đối với hầm ủ mới EQ1 4m3 mức đầu tư chỉ vào khoảng 3,8 triệu đồng, còn hầm ủ mới EQ2 4m3 mức đầu tư khoảng 4,65 triệu đồng. Riêng hầm ủ mới EQ2 có cánh quậy, hầm ủ sử dụng được bèo lục bình hoặc rơm tạo điều kiện cho các hộ khi phải ngưng nuôi heo vẫn tiếp tục sử dụng được hầm ủ...

Dự án VIE/020-Bèo lục bình do UBND tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, kinh phí do Luxembourg tài trợ. Dự án với mục tiêu giảm nghèo trong vùng nông thôn tỉnh Hậu Giang thông qua việc trình diễn và ứng dụng các kết quả nghiên cứu nhằm tăng cao thu nhập nông hộ. Dự án được thực hiện từ tháng 4-2007 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 3-2010. Ngoài đầu tư phát triển các thiết bị thí nghiệm mới để xử lý lục bình tại Trung tâm Nghiên cứu Hòa An của Trường Đại học Cần Thơ, dự án còn đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu của 3 khoa của Trường Đại học Cần Thơ. Các kết quả nghiên cứu triển vọng đã được chuyển giao cho nông dân trong tỉnh Hậu Giang thông qua tập huấn và xây dựng mô hình. Đến nay, đã có 171 nông dân và giảng viên tại địa phương tỉnh Hậu Giang được đào tạo kỹ thuật hầm ủ biogas, 585 nông dân được tập huấn sản xuất cá thịt, 135 nông dân được tập huấn sản xuất cá giống, 1.000 nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm, 600 nông dân được tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh và trồng rau... Ngoài ra, còn có nhiều điểm trình diễn các mô hình như: hầm ủ biogas kết hợp với cải tạo ao phèn nuôi thủy sản, trồng nấm rơm...

Tham quan mô hình hầm ủ biogas kết hợp với cải tạo ao phèn nuôi thủy sản của anh Lê Văn Dinh (ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho thấy mô hình này đã mang lại hiệu quả. Gia đình anh Lê Văn Dinh thuộc dạng nghèo khó, sinh sống bằng nghề làm mướn ở địa phương. Khi Dự án VIE/020-Bèo lục bình được triển khai, anh được hỗ trợ vốn khoảng 8 triệu đồng gồm: tiền đầu tư xây dựng hầm ủ biogas loại mới (hầm ủ EQ2), tiền cá giống... Đến nay, hầm ủ biogas của gia đình anh đã đi vào hoạt động được vài tháng. Anh Lê Văn Dinh cho biết: “Từ khi có hầm ủ này gia đình không còn tốn công đi kiếm củi mà đun nấu bằng nguồn ga từ hầm ủ rất tiện lợi, còn nước thải hầm ủ dùng để cải tạo ao phèn nuôi cá tương đối tốt. Tôi có 1.000 m2 đất ao, đã thả 1.000 con cá thác lác cườm, khoảng 10 kg (cá sặt rằn, chép...) được khoảng 4 tháng và cá phát triển tốt, dự kiến 1-2 tháng nữa cho thu hoạch. Riêng cá chép, hiện nay đã đạt trọng lượng bình quân khoảng 200g/con, cá biệt có con đạt 500g...”.

Nhiều đại biểu tham gia Hội nghị khoa học Dự án VIE/020-Bèo lục bình (trong đó có đại diện trung tâm khuyến nông ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL) đã đánh giá cao các kết quả nghiên cứu khoa học của các khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Trong thời gian tới, dự án cần được chuyển giao kỹ thuật rộng rãi cho nông dân ở các vùng có nguồn bèo lục bình dồi dào, giúp nông dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống gia đình.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết