27/11/2009 - 20:32

TP CẦN THƠ

Giữ vững tốc độ tăng trưởng công nghiệp

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty CP May Meko (KCN Trà Nóc).
Ảnh: T. HÀ

Trong 11 tháng năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) toàn thành phố tăng hơn 9,2% so cùng kỳ. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, ước cả năm 2009, GTSXCN thành phố đạt trên 16.652,8 tỉ đồng, tăng 9,1% so với năm 2008, nhưng chỉ đạt 92% kế hoạch năm. Mặc dù không đạt kế hoạch đề ra do chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng sản xuất công nghiệp thành phố vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng và nằm trong tốp 15 địa phương có GTSXCN dẫn đầu cả nước.

CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Theo thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, 11 tháng năm 2009, GTSXCN thành phố thực hiện trên 15.210 tỉ đồng, đạt hơn 84% kế hoạch và tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp quốc doanh trên 1.535 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ; công nghiệp ngoài quốc doanh hơn 12.452 tỉ đồng (đạt 88,3% kế hoạch), tăng 13,4% so với cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 1.223 tỉ đồng, tăng gần 3,4% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản đóng hộp tăng 12,72%, thủy sản ướp đông tăng 0,17%, bia đóng chai tăng 24,95%, nước uống có ga tăng 6,22%, thuốc lá tăng 1,48%, phân NPK tăng 11,44%, dược phẩm tăng 9,83%, xi măng tăng 22,21%, sắt thép tăng 11,71%, điện sản xuất tăng 12,44%, điện thương phẩm tăng 9,96%, nước máy thương phẩm tăng 23,01%. Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: gạo xay xát và đánh bóng giảm 7,9%, trang in giảm 35,96%, quần áo giảm 18,09%. Ước cả năm 2009, GTSXCN đạt hơn 16.652,8 tỉ đồng, tăng 9,1% so với năm 2008, nhưng chỉ đạt 92% kế hoạch đề ra do tác động của suy giảm kinh tế.

Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Minh khẳng định: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp thành phố vẫn duy trì tăng trưởng khá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng dần tỷ trọng khu vực 2. Đây là tiền đề quan trọng trong định hướng phát triển để đến năm 2020, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp. Thêm vào đó, cơ cấu hàng hóa sản xuất bước đầu có sự chuyển biến về chất, các doanh nghiệp đẩy nhanh đổi mới công nghệ. Thu hút đầu tư vào thành phố cũng cải thiện đáng kể”. Tuy nhiên, theo ông Minh, sản xuất công nghiệp còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, sự tăng trưởng về giá trị tăng thêm còn thấp, công nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với Cần Thơ và chưa có sản phẩm đặc thù với tính cạnh tranh cao. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gây bức xúc trong dân; cơ sở hạ tầng phát triển còn nhiều hạn chế, nên vuột mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư.

Thành phố hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) tập trung đang hoạt động với diện tích trên 843,5 ha và 3 KCN đang triển khai lập qui hoạch, đưa tổng số KCN trên địa bàn lên 9 KCN với tổng diện tích 1.898 ha. Trong 6 KCN chỉ có KCN Trà Nóc I (135 ha) đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, KCN Trà Nóc II (165 ha) đạt 97%, KCN Thốt Nốt (104 ha) lấp đầy 70%, còn KCN Hưng Phú I (226 ha) mới đạt 44%, Hưng Phú II (212 ha) chỉ 10%... Theo Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, từ đầu năm 2009 đến nay, các KCN thu hút thêm 21 dự án đầu tư mới và 11 dự án tăng vốn mở rộng sản xuất, diện tích đất thuê hơn 23 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 268,6 triệu USD. Đồng thời, ngành chức năng đã rút giấy phép 4 dự án do quá hạn không triển khai (vốn đầu tư 26,4 triệu USD). Các khu công nghiệp Cần Thơ hiện có 185 dự án còn hiệu lực (141 dự án hoạt động, 33 dự án đang xây dựng, 11 dự án chưa triển khai), diện tích đất thuê là thuê gần 539,6 ha, với tổng đầu tư đăng ký là 1.597 triệu USD; vốn thực hiện hơn 554,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, tốc độ thu hút đầu tư vào thành phố dù cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng nạn ô nhiễm môi trường ngày một tăng do sự nóng vội trong phát triển công nghiệp. Như KCN Trà Nóc I hiện vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong khi đây là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp chế biến hành nông thủy sản- ngành nhạy cảm với môi trường.

Ngoài yếu tố về môi trường thì trình độ công nghệ của các ngành sản xuất cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Doanh nghiệp không đủ lực đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại nhất, nên ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thêm vào đó, công tác khuyến công, chuyển giao kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, giai đoạn 2005- 2009, tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ đề án khuyến công của thành phố chỉ hơn 1,33 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí quốc gia hỗ trợ 85 triệu đồng, còn lại là của địa phương. Bình quân 2007-2008 là 200 triệu đồng/năm, riêng năm 2009 được 581 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với trước nhưng so yêu cầu phát triển thì không đạt. Nhất là hỗ trợ các nội dung về mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng thành tựu công nghệ vào sản xuất, qui hoạch cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tại quận, huyện.

CHỌN HƯỚNG ĐI RIÊNG

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết chương trình phát triển công nghiệp thành phố giai đoạn 2006-2010, theo báo cáo của Sở Công thương TP Cần Thơ, giai đoạn 2006-2009, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của thành phố khoảng 19,3%/năm, đạt xấp xỉ kế hoạch đề ra của chương trình. Năm 2006, GTSXCN đạt hơn 9.905 tỉ đồng đến năm 2008 đạt trên 15.263 tỉ đồng. Bên cạnh đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cũng tăng dần qua các năm, năm 2006 là 31,44% thì đến năm 2008 đạt trên 35,1%... Tổng vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2008 cũng tăng so với trước, với giá trị đầu tư hơn 7.872,5 tỉ đồng. Ước năm 2009, tỷ trọng khu vực 2 chiếm khoảng 41% trong GDP toàn thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, Cần Thơ cần chọn hướng đi riêng trong phát triển công nghiệp, trong đó tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, nếu không có bước chuẩn bị, đây sẽ là lực cản cho sự phát triển thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho biết: “Qua 2 hội nghị xúc tiến đầu tư của 2008-2009, thành phố tiếp nhận danh sách đăng ký của nhà đầu tư với số vốn khoảng 9 tỉ USD. Nhưng làm sao để nguồn vốn này ở lại thành phố và việc triển khai thông suốt là cả vấn đề nan giải. Do vậy, các sở ngành cần phối hợp thực hiện từ công tác qui hoạch KCN đến những định hướng phát triển ngành nghề, có quỹ đất sạch đảm bảo, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khi nhà đầu tư cần”. Hiện nay, luồng Định An có tác động trực tiếp đến việc phát triển công nghiệp của thành phố. Nếu Cảng Cái Cui hoàn thành giai đoạn II, cầu Cần Thơ hoàn thành, nhưng luồng Định An chưa thông cũng không thể thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL. TP Cần Thơ đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế- xã hội với các địa phương vùng ĐBSCL, do vậy, các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ để khai thác lợi thế của thành phố.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Năm 2009, công nghiệp Cần Thơ tăng chậm lại do tác động của suy giảm kinh tế thế giới, nên năm 2010 sẽ khó đạt tỷ trọng 45% trong GDP, nhưng có thể đến 2015, tỷ trọng này sẽ tăng lên mức 51% theo đúng kế hoạch đề ra. Cần chấp nhận chiều hướng tăng này và tập trung phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn. Trong qui hoạch cần chú trọng chất lượng ngành công nghiệp. Nếu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp sạch để cung cấp sản phẩm cho công nghiệp chế biến thì công nghiệp có tăng chậm lại vẫn chấp nhận được. Như vậy, chúng ta sẽ chủ động kiểm soát môi trường hơn và giá trị tăng thêm từ nông nghiệp sạch có thể cao hơn công nghiệp chế biến”. Tuy nhiên, các sở ngành phải thận trọng trong quản lý, thu hút đầu tư. Ngành dược ở ĐBSCL chiếm đến 30% tổng sản phẩm dược của cả nước, TP Cần Thơ có Trường Đại học Y dược đóng ngay trên địa bàn, do vậy cần tập trung đào tạo nhân lực để phát triển ngành mũi nhọn này trong tương lai.

Hiện các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tập trung qui hoạch, giải phóng mặt bằng các Trung tâm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp (TTCN-TTCN), Cụm công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của địa phương như: Trung tâm Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng diện tích 38,2 ha, hiện có 17 dự án đầu tư hoạt động (thuê 6,6 ha); CCN -TTCN thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh đã được UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với diện tích khoảng 49,2 ha; TTCN-TTCN quận Bình Thủy, đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500, diện tích khoảng 66 ha; TTCN-TTCN quận Ô Môn, đã quy hoạch chi tiết 1/500 trên diện tích hơn 30,7 ha... đang được các địa phương triển khai xây dựng. Với sự nỗ lực của địa phương, cùng sự quan tâm của thành phố trong việc đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng sẽ tạo nên diện mạo mới cho công nghiệp thành phố tương lai.

GIA BẢO

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty CP May Meko (KCN Trà Nóc). Ảnh: T. HÀ

Chia sẻ bài viết