28/09/2010 - 09:29

Các dự án xây dựng của ngành giao thông

Giải ngân cao nhưng lo thiếu vốn

Đây là thực tế đang xảy ra ở phần lớn các dự án xây dựng cơ bản (XDCB) của ngành giao thông trong thời gian vừa qua. Dù các con số giải ngân đều gần như cao kỷ lục, nhưng thay vì vui với thành tích đó là nỗi lo thiếu vốn, nguy cơ các dự án đình trệ lại đè nặng lên vai những người làm công tác quản lý và các đơn vị XDCB của ngành.

Kỷ lục về giải ngân

Chưa bao giờ công tác XDCB của ngành giao thông lại có kết quả giải ngân tốt như thời gian từ đầu năm 2010 đến nay. Điều này được minh chứng bằng những con số rất thuyết phục trong báo cáo của Bộ GTVT.

Theo đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước Thủ tướng giao kế hoạch đầu năm 2010, trong 8 tháng toàn ngành thực hiện 7.631 tỉ đồng, đạt 115,8% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 25,4%; trong đó giải ngân 6.938 tỉ đồng, đạt 105,2% kế hoạch, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng các dự án Bộ GTVT trực tiếp quản lý, 8 tháng thực hiện 6.901,1 tỉ đồng, đạt 129% kế hoạch, tăng 28%; giải ngân 6.313 tỉ đồng, đạt 118% kế hoạch, tăng 25%, so với cùng kỳ năm trước. Các dự án sử dụng vốn ODA còn có tỷ lệ tăng cao gấp nhiều lần. Nguồn vốn nước ngoài thực hiện 4.895 tỉ đồng, đạt 160,6% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 74,1%, giải ngân 4.872,1 tỉ đồng, đạt 159,8% kế hoạch, tăng 87% so với năm 2009. Vốn đối ứng các dự án ODA thực hiện 1.865,8 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 124,4%, giải ngân 1.323,5 tỉ đồng, tăng 167%. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng đạt mức tăng rất cao. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, 8 tháng năm 2010 thực hiện 12.637 tỉ đồng, đạt 102,7%, tăng 94,3% ; giải ngân 11.462,3 tỉ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2009.

Kết quả đáng mừng đó cho thấy, công tác XDCB của ngành giao thông đã vượt qua được giai đoạn khó khăn sau đợt trượt giá vật liệu xây dựng chóng mặt năm 2007- 2008. Đây là những nhận định của hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực XDCB của ngành GTVT.

Đè nặng nỗi lo thiếu vốn

Theo nhiều chuyên gia trong ngành GTVT, dù kết quả giải ngân tăng cao, nhưng hiện nay nỗi lo thiếu vốn thi công đang làm đau đầu không chỉ các nhà thầu, chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA) mà cả ngành GTVT. Hầu hết chủ đầu tư, ban QLDA đã chủ động thực hiện điều tiết vốn trong nội bộ nhưng rất nhiều dự án vẫn không còn vốn để các nhà thầu thi công, gây chậm tiến độ và giảm hiệu quả công trình.

Dẫn chứng điển hình cho tình trạng thiếu vốn này tại Dự án nâng cấp QL279 đoạn Bắc Kạn- Tuyên Quang. Cả vốn dành cho giải phóng mặt bằng (GPMB) lẫn xây lắp đều đang thiếu trầm trọng. Theo lãnh đạo Ban QLDA 6, phần GPMB tại Tuyên Quang mới cấp được 70 tỉ trên tổng số 114 tỉ đồng, đang còn thiếu khoảng 40 tỉ đồng. Cũng tương tự là vốn cho xây lắp, các nhà thầu đã thực hiện được khoảng 130 tỉ đồng nhưng cho tới nay vốn mới cấp được 105 tỉ đồng, còn thiếu 25 tỉ đồng chưa thanh toán khối lượng cho các nhà thầu.

Một dự án khác cũng đang gặp phải cảnh thiếu vốn nghiêm trọng là Dự án QL32 đoạn Vách Kim- Bình Lư (Lai Châu). Dù là dự án cấp bách, theo chỉ đạo của Bộ GTVT phải hoàn thành trong tháng 10-2010 và sẽ được ưu tiên bố trí vốn nhưng cho tới nay dự án vẫn không có đủ tiền cho nhà thầu thi công. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 409 tỉ đồng nhưng hiện nay còn thiếu khoảng 160 tỉ đồng. Số tiền thiếu này là còn chưa tính đến việc phải bù giá và một khối lượng rất lớn khác các nhà thầu đã thi công xong nhưng chưa được thanh toán. Theo lãnh đạo Ban QLDA 6 (chủ đầu tư dự án), do nhận biết được tình hình thiếu vốn cho XDCB của toàn ngành nên hầu hết các nhà thầu đều trong tâm trạng vừa làm vừa ngóng...

Để giải quyết việc thiếu vốn nghiêm trọng tại nhiều dự án, mới đây Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trước mắt là phân bổ ngay 2.000 tỉ đồng và sau đó cấp tiếp 3.000 tỉ đồng nữa để không làm ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án. Việc bổ sung này là hết sức cấp thiết bởi theo kế hoạch, trong năm nay, toàn ngành GTVT dự kiến sẽ giải ngân tăng khoảng từ 20- 30% so với năm 2009. Điều này có nghĩa là năm 2010 sẽ phải có từ 42- 45 nghìn tỉ đồng mới có thể đáp ứng được nhu cầu giải ngân trong công tác đầu tư XDCB của ngành GTVT. Tuy vậy, nhưng hầu hết nguồn vốn ghi trong kế hoạch từ đầu năm lại rất thấp, hầu như chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu. Trong đó, vốn ODA năm 2010 ghi cho ngành chỉ 3.000 tỉ đồng, nhưng thực tế năm 2009 đã giải ngân tới 6.000 tỉ đồng và năm nay có thể lên đến hơn 10.000 tỉ đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ cho ngành GTVT chỉ khoảng 12.000 tỉ đồng trong khi nhu cầu lên tới 18.000 tỉ đồng...

HẢI QUANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết