02/03/2016 - 20:58

Doanh nghiệp chế biến thủy sản

Gặp khó ngay trên “sân nhà”!

Đưa mặt hàng thủy sản tiêu thụ tại thị trường nội địa đang là định hướng phát triển của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, khi kinh doanh trên "sân nhà" các doanh nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn.

* Cơ hội và thách thức

Thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, khoảng 35% dân số sống ở thành thị. Cùng đó, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, kéo theo sự phát triển của ngành bán lẻ, đặc biệt là kênh bán lẻ hiện đại. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành thủy sản. Theo các đơn vị kinh doanh lẻ, trong cơ cấu hàng thủy sản kinh doanh tại các hệ thống siêu thị, mặt hàng thủy sản đông lạnh chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Theo Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng bình quân/năm về sản lượng và giá trị của mặt hàng này trong giai đoạn 2009-2014 tương ứng là 7% và 15,4%. Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam (AVR) cũng thống kê mức tiêu thụ hàng thủy sản trong nước năm 2015 đạt khoảng 790.000 tấn; dự kiến đến năm 2020 sẽ là 940.000 tấn; trong đó hàng thủy sản đông lạnh chiếm trên 30%. Hiện, mức tiêu thụ thủy sản bình quân năm tại Việt Nam là 27kg/người (cả tươi lẫn đông lạnh). Tại hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Liên Hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng ghi nhận sản lượng tiêu thụ hàng thủy sản đông lạnh tăng trưởng đều trong những năm trở lại đây.

Chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam.

Trước tiềm năng của thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã quan tâm nhiều hơn cho việc đẩy mạnh kinh doanh. Có những doanh nghiệp trước đây chỉ chuyên làm xuất khẩu thì nay cũng đã và đang có kế hoạch quay về "sân nhà". Trên thị trường bán lẻ Việt Nam giờ đây xuất hiện nhiều thương hiệu của các "ông lớn" xuất khẩu, như: Công ty cổ phần Thủy sản An Giang (Agifish), Công ty cổ phần Sài Gòn Food (Saigon Food)... Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, kinh doanh trên "sân nhà" cũng không đơn giản. Sau hơn 10 năm (từ năm 2003) phát triển thị trường nội địa,đến nay, tỷ trọng giữa xuất khẩu và nội địa của Saigon Food vẫn còn chênh lệch khá lớn, ở mức 80-20. Saigon Food đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải nâng tỷ trọng giữa xuất khẩu và nội địa lên 50-50. Nhưng theo lãnh đạo công ty, đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức vì hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước hiện chưa phát triển như mong muốn.

Trong khi đó, hiện nay hầu hết các đơn vị chế biến thủy sản đông lạnh chưa có hệ thống phân phối riêng mà phải thông qua các kênh bán lẻ hiện đại. Nhiều doanh nghiệp cho rằng bị các nhà bán lẻ đòi chiết khấu cao. Cùng đó, thói quen tiêu dùng của phần đông người Việt Nam chủ yếu sử dụng hàng thủy sản tươi sống. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trong Câu lạc bộ hàng nội địa Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hằng năm, một số nhà phân phối, bán lẻ tăng mức chiết khấu/doanh thu (mức tăng ít nhất từ 2-3%/năm, nhiều từ 5-15%/năm so với năm trước). Đồng thời vẫn còn hiện tượng nhà phân phối kéo dài hoặc trì hoãn thời gian thanh toán tiền hàng nhằm chiếm dụng vốn của nhà cung cấp, gây khó cho doanh nghiệp cung cấp hàng vào hệ thống phân phối.

* Để chinh phục thị trường nội địa

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại Sài Gòn Food, cho rằng: "Để thúc đẩy phát triển thủy sản nội địa, các hệ thống siêu thị cần kiểm soát chất lượng đầu vào, kiên quyết không thu mua hàng kém chất lượng. Chính sách thu mua cần công khai, minh bạch với nhà sản xuất, cần có chính sách ưu đãi cho sản phẩm mới để kích thích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và các đơn vị phân phối cũng cần phải chia sẻ thông tin thị trường với nhà sản xuất. Đồng thời, các đơn vị phân phối cần nâng cao chất lượng thiết bị bảo quản và quản lý hàng hóa trong quá trình phân phối nhằm giảm thiểu hàng đổi hàng trả, hàng hủy. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước và ban ngành hữu quan cần đưa ra chính sách thuế hợp lý và ổn định. Đẩy mạnh kiểm soát hàng gian, hàng giả, cạnh tranh không lành mạnh. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới. Hỗ trợ các hoạt động truyền thông quảng bá xây dựng thương hiệu Việt Nam thông qua chương trình " Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" nhằm nâng cao ý thức, hiểu biết cho người tiêu dùng".

Năm 2015, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 6,7 tỉ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là do: các chi phí sản xuất (giá điện, bảo hiểm xã hội, lãi vay ngân hàng…) đều tăng, trong khi đó các cam kết của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do (FTA)… mở ra nhiều cơ hội nhưng không ít khó khăn bởi hàng rào kỹ thuật tăng thêm. Trong khi đó, mức tiêu thụ nội địa chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Do vậy, theo các đơn vị doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách quảng bá sản phẩm ngay trên "sân nhà", đồng thời các đơn vị phải áp dụng công nghệ mới để tiết giảm chi phí, hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, định hướng phát triển hệ thống phân phối hàng hóa ở thị trường trong nước, Bộ Công thương đề xuất gắn với một số chương trình hoạt động Bộ đang triển khai. Điển hình như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động); tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; phối hợp với các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ bổ sung kinh phí cho chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (trong đó có xúc tiến thương mại thị trường trong nước) trong các năm tiếp theo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển thị trường trong nước, hưởng ứng Cuộc vận động. Phối hợp triển khai chương trình bình ổn giá gắn với thực hiện Cuộc vận động, qua đó định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nói chung và hàng nông sản thực phẩm nói riêng kết nối với các vùng sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định để cung ứng cho các thị trường tiêu thụ với giá bình ổn. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia các hoạt động bình chọn hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của chương trình khuyến công quốc gia và tổ chức kết nối cung cầu mặt hàng này vào các kênh tiêu thụ hàng hóa truyền thống và hiện đại…

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam AVR, cho rằng: "Thị trường nội địa còn rất nhiều cơ hội để phát triển cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường nội địa thì các vấn đề như chất lượng, an toàn ve65 sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã… cần được các doanh nghiệp thủy sản nâng cao. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa nhà sản xuất - chế biến - nhà phân phối - bán lẻ cũng cần phải hiệu quả hơn nữa". Về góc độ nhà phân phối, Saigon Co.op lưu ý, các nhà cung cấp, nhà sản xuất là việc hoàn tất các thủ tục đầu vào chỉ là điều kiện cần. Bởi vì cũng như các sản phẩm phân phối khác, Saigon Co.op còn phải căn cứ vào nhu cầu, sức mua, nhu cầu thay thế của từng mặt hàng… mới quyết định đặt hàng sản phẩm vào thời điểm nhất định. Cùng với Saigon Co.op, nhiều nhà bán lẻ cho rằng, để có thể xâm nhập vào kênh phân phối hiện đại các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh nói riêng cần đáp ứng về hàng hóa có chất lượng ổn định, đảm bảo các điều kiện cung ứng và phù hợp với thị hiếu, xu hướng người tiêu dùng...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết