24/02/2016 - 14:28

ĐÓN THỜI CƠ MỚI

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2015, kinh tế nước ta có dấu hiệu phục hồi. Bước sang năm 2016, bức tranh kinh tế được nhận định sáng sủa hơn nhưng "sức khỏe" doanh nghiệp (DN) chậm phục hồi do đã "thấm mệt" sau những năm khủng hoảng kinh tế kéo dài. Trước tình hình này, lãnh đạo TP Cần Thơ khẳng định tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ DN. Tuy nhiên, bản thân DN cũng phải nỗ lực để từng bước khắc phục khó khăn, cũng như đón các thời cơ mới từ hội nhập kinh tế quốc tế.

* Tiếp sức cho DN

Theo khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2015 ghi nhận những chuyển biến đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tình hình sản xuất công nghiệp của các DN trên địa bàn duy trì mức tăng trưởng khá; chất lượng, năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2015 tăng 8,21% so với năm 2014. Hoạt động khu vực dịch vụ đạt nhiều kết quả khả quan, đóng góp 58,46% trong cơ cấu GDP của thành phố. Một số dịch vụ có mức tăng khá như: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, công nghệ thông tin và viễn thông, logistics, tư vấn khoa học và công nghệ... Năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ của thành phố đạt khoảng 81.248 tỉ đồng, vượt 0,4% kế hoạch, tăng 16,4% so năm 2014…

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Trung An.

Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền, các DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố đã phát huy được lợi thế, tiềm năng sẵn có như: năng lực vốn, công nghệ và quản lý, sản xuất kinh doanh và đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: "Giai đoạn 2011-2015, nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa khắc phục khó khăn; nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, thành phố đã hỗ trợ mở 46 lớp quản trị và khởi sự DN với 1.428 học viên. Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành phố cũng trợ lực cho 13 DN thông qua phát hành chứng thư bảo lãnh vay vốn với tổng số tiền bảo lãnh 30 tỉ đồng. Ngoài ra, Tổ Hỗ trợ DN thành phố cũng tổ chức đối thoại với DN dưới sự chủ trì của UBND thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 50 DN xuất khẩu gạo, bất động sản và thủy sản; trực tiếp đến DN gặp gỡ, đối thoại giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho 10 DN xuất khẩu thủy sản, gạo; bao bì; in ấn…".

Đổi mới công nghệ và tìm đầu ra cho sản phẩm năm qua được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong năm 2015 có 6 DN chế biến lúa gạo, cơ khí được thành phố hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ và 2 DN đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ. Ngành công thương còn đề xuất hỗ trợ 19 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 704,5 tỉ đồng. Ngoài ra, để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, mở rộng kênh tiêu thụ nội địa, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ Triển lãm TP Cần Thơ tiếp sức các DN đăng ký tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương tại các hội chợ thương mại trong nước. Đồng thời, tài trợ kinh phí cho hơn 10 DN tham gia gian hàng hội chợ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Hậu Giang... Bà Tạ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, đánh giá: "Qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thành phố có nhiều đổi mới trong việc hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng. Các phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" cũng được chuẩn bị chu đáo hơn. Nhờ đó, người dân Cần Thơ ngày càng tin tưởng và dần hình thành thói quen ưu tiên dùng hàng Việt, giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn".

* Nhạy bén để thích nghi

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Việt Nam mở cửa rộng hơn, DN phải đối mặt với 2 thách thức lớn, là: cạnh tranh và rào cản về kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Đó là những "luật chơi" bắt buộc DN phải chấp nhận và thích nghi nếu không muốn bị đào thải. Tuy nhiên, vấn đề này không quá khó để vượt qua nếu bản thân DN có quyết tâm. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, hội nhập kinh tế quốc tế là một cơ hội tốt nhưng không phải tốt cho tất cả các dòng sản phẩm. Muốn đón thời cơ, bản thân DN phải tự khẳng định mình thông qua việc nâng chất lượng sản phẩm, có chiến lược marketing phù hợp và luôn giữ được uy tín trên thương trường. Mặt khác, DN cần linh hoạt trong quản lý nhân sự, tài chính; áp dụng công cụ, phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Song song đó, vai trò "đầu tàu" từ phía Nhà nước cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: Từ vụ đông xuân 2011-2012, công ty đã bắt tay cùng với bà con nông dân để thực hiện mô hình "Cánh đồng lớn". Và thực tế chứng minh, đây là phương thức sản xuất ưu việt mang lại lợi ích cho cả nông dân và DN. Tuy nhiên, để "Cánh đồng lớn" phát triển theo chiều sâu, Nhà nước cần tác động để thay đổi nhận thức của nông dân. Đó là DN và nông dân là đối tác của nhau, 2 bên đều có trách nhiệm và quyền lợi như nhau, tránh lối suy nghĩ mô hình "Cánh đồng lớn" là của DN và chính quyền địa phương phải đầu tư cho nông dân. Về hoạt động xúc tiến thương mại, bà Tạ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, kiến nghị thành phố tổ chức chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trên cả nước với hình thức hỗ trợ 100% hoặc giảm 50% chi phí tham gia chương trình để DN Cần Thơ có cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm…

Theo UBND TP Cần Thơ, năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 63/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015 và 2016 gắn với việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác của Tổ hỗ trợ DN, kịp thời tham mưu cho thành phố đề ra giải pháp thiết thực để giải quyết khó khăn cho DN. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Năm 2016, thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN thông qua việc tổ chức các buổi đến thăm, làm việc với các DN để tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh và lắng nghe những khó khăn, kiến nghị từ phía DN từ đó đưa ra hướng giải quyết kịp thời. Đồng thời, đề ra các giải pháp đồng bộ để giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm đầu ra cho sản phẩm, như: làm việc với các ngân hàng để DN tiếp cận vốn dễ dàng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư... Về phía DN, ngoài các giải pháp đối phó với những khó khăn trước mắt, DN cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh... Bởi đây là điểm mấu chốt để DN phát triển bền vững, phát triển theo chiều sâu và vững tin hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết