17/02/2013 - 23:17

Doanh nghiệp kỳ vọng trong năm mới!

Năm 2013, dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp (DN)! Nhưng không vì vậy mà DN thiếu đi cơ hội đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh... Phóng viên Báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến một số DN ở TP Cần Thơ về những trăn trở, kỳ vọng trước một năm mới còn nhiều thử thách.

 

* Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC):
Phát huy nội lực để tìm cơ hội phát triển

Tại TP Cần Thơ, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2012 đạt 53.836 tỉ đồng tăng 17,9% so với năm 2011. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế phát triển khá tốt so với tình hình chung cả nước. Đây là niềm tin để CTC tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng phát triển.

Mục tiêu của CTC trong năm 2013 là hoạt động theo hướng “An toàn và phát triển”. Trên cơ sở tái cơ cấu lại hoạt động, CTC mạnh dạn cắt bỏ các danh mục đầu tư kém hoặc không có hiệu quả; không đầu tư mạo hiểm, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền mặt để đảm bảo thanh khoản. Bên cạnh việc “phòng thủ” để đảm bảo an toàn, CTC tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực, nâng cao công tác quản lý đầu tư vào các đơn vị kinh doanh đáp ứng được nhu cầu của thị trường để không mất cơ hội khi nền kinh tế phục hồi. Song song đó, Công ty tiếp tục nâng cao chương trình “làm và quản lý theo khoa học”, loại bỏ cách quản lý theo “thuận tiện” điều chỉnh các “lỗi” trong hệ thống quản lý để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, CTC chú trọng chăm lo tinh thần vật chất cho người lao động, tiếp tục đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho người lao động, kể cả việc xây dựng văn hóa DN; thu hút thêm nguồn lực trẻ, có năng lực với 2 tiêu chí là “hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” và “có đạo đức nghề nghiệp”.

Thời gian tới, Công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng, quản lý chặt chẽ chi phí để có giá cả cạnh tranh, thấp hơn thị trường bán lẻ từ 5 -10%. Bên cạnh đó, CTC đầu tư ngành hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến thiết yếu cho đời sống hàng ngày gắn với nhiệm vụ tham gia bình ổn thị trường. Nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống công ty đang quản lý, như: chợ cổ Cần Thơ, chợ Tân An và Hưng Lợi theo tiêu chí “Chợ văn minh” loại I; tiếp tục liên doanh, liên kết với các DN bạn theo tiêu chí “hai bên cùng có lợi” nhằm bổ sung thế mạnh, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Quan trọng hơn hết, tất cả các hoạt động của công ty tích cực hướng theo cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

*Ông Nguyễn Đình Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành:
Nâng cao chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Hơn 10 năm hoạt động trong ngành may mặc, sản phẩm chủ yếu là thời trang nữ gia công xuất khẩu chủ yếu sang thị trường châu Âu. Hiện tại, Công ty May Việt Thành hoạt động với 550 công nhân và 9 dây chuyền sản xuất. Trong năm 2013, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt khoảng 2 triệu USD, tăng khoảng 10% so với năm 2012.

Thị trường xuất khẩu hàng may mặc ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các DN trong nước và các nước trên thế giới. Việc này đòi hỏi DN phải tự nỗ lực tìm hướng đi phù hợp để ổn định và duy trì sản xuất, giữ vững nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo lợi nhuận và thu nhập cho cán bộ và công nhân viên. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Công ty tăng cường công tác quản lý, đào tạo và hỗ trợ công nhân nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động. Nâng cao chất lượng sản phẩm là phương châm hoạt động của công ty để cạnh tranh trên thị trường may mặc trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và quy luật đào thải diễn biến gay gắt. Thông qua đó, để đảm bảo giữ vững mối quan hệ với khách hàng, tạo niềm tin giữ chân khách hàng. Để hạ giá thành đầu ra, công ty tăng cường thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, nguyên vật liệu… trong hoạt động sản xuất hàng ngày. Chẳng hạn, trong khâu cắt vải, công nhân tiến hành để 2 chi tiết gần nhau thay vì cách xa như trước đây. Với cách làm trên tiết kiệm khoảng 90% lượng vải dư thừa so với trước đây. Công ty hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở công nhân tắt máy, tắt đèn khi ngưng hoạt động, tập trung làm việc đạt hiệu quả cao nhất… Hơn hết, để vượt khó, toàn thể công ty từ lãnh đạo đến công nhân có sự phối hợp nhịp nhàng trong các khâu, đảm bảo thực hiện các công việc một cách trôi chảy, hoàn thành đơn hàng theo đúng hợp đồng và có chất lượng; đồng thời, công ty không ngừng nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới. Ngoài ra, May Việt Thành không quên chăm lo, đảm bảo  đời sống cho anh em công nhân để họ có thể yên tâm hoàn thành tốt công việc…

Trong năm 2013, các doanh nghiệp tìm hướng đi riêng cho hoạt động
sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đạt hiệu quả cao.
(Ảnh chụp tại Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành). Ảnh: TUYẾT TRINH

 

* Ông Ngô Thanh Lâm, Giám đốc Quan hệ công chúng và Đầu tư, Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô:
Kiên trì mục tiêu chất lượng để phát triển thương hiệu xi măng Tây Đô

Năm 2012, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn do biến động về kinh tế, hàng tồn kho luôn ở mức cao. Các chi phí đầu vào đều tăng, mặt bằng lãi suất cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát vẫn còn thực thi hiệu lực; lĩnh vực bất động sản tiếp tục đóng băng, nhiều dự án xây dựng cũng ngưng xây dựng chờ cơ hội hoặc do thiếu vốn. Tuy nhiên, nhờ tận dụng ưu thế sẵn có về thương hiệu, tích hợp và áp dụng vào sản xuất kinh doanh cùng lúc 5 hệ thống quản lý ISO theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các đặc trưng cơ bản về sản phẩm-dịch vụ. Đồng thời, kịp thời đưa ra các chính sách hợp lý nên sức tiêu thụ xi măng Tây Đô vẫn được duy trì ở mức bình quân khoảng 47.000 tấn/tháng. Nhờ thực hiện công cụ thanh toán nhanh làm thế mạnh, chủ động trong công tác cung ứng, duy trì và đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu nên công tác sản xuất được liên tục, đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm cho khách hàng.

 Năm 2013, Công ty phấn đấu khai thác tối đa công suất các máy nghiền và tiền nghiền hiện hữu, nhằm nâng cao năng lực dự trữ, linh hoạt trong sản xuất để tiết kiệm điện năng, bảo trì và sửa chữa thiết bị, đáp ứng kịp thời nhu cầu xi măng cho TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục tìm kiếm đối tác và nghiên cứu các chính sách hợp lý khuyến khích khách hàng tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm xi măng của công ty; duy trì và đảm bảo các đặc trưng cơ bản về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, bao gồm: màu sắc truyền thống, bố trí giao hàng 24/24 giờ, hỗ trợ các dịch vụ trước và sau bán hàng, chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm… Xi măng Tây Đô kiên trì theo đuổi chính sách chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố cốt lõi mà xi măng Tây Đô luôn chú trọng quan tâm và liên tục cải tiến trong những năm qua. Tiếp tục chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu xi măng Tây Đô theo mô hình tổ hợp công nghiệp bê tông ngày càng vững mạnh theo các tiêu chí đã đặt ra. Đó là: Sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường và hướng đến cộng đồng.   Đồng thời, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm toàn diện để tiết giảm giá thành. Đây là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo đạt được mục tiêu lợi nhuận đã đề ra theo xu thế phát triển bền vững.

 

* Ông Tăng Hồng, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân (DNTN) Cơ khí Sông Hậu kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí-Đúc-Luyện kim TP Cần Thơ:
Nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận và tái đầu tư

 DNTN Cơ khí sông Hậu là một đơn vị chuyên nghiệp trong sản xuất “Sơmi – Ly tâm” với phương pháp đúc ly tâm nhằm cung ứng cho khách hàng có nhu cầu sử dụng phụ tùng của các loại máy sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải thủy, bộ, đánh bắt thủy, hải sản... DNTN Cơ khí sông Hậu đã phát triển thành một đơn vị bền vững với khoảng 100 công nhân viên có trình độ kỹ thuật vững vàng và đã cho ra nhiều chủng loại sản phẩm đạt chất lượng cao, có mặt trên nhiều thị trường, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều năm qua, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, giá điện, nước đều tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Để tồn tại và duy trì hoạt động, DNTN Cơ khí Sông Hậu không ngừng sự nỗ lực phấn đấu trong hoạt động sản xuất, chủ động áp dụng và duy trì sản xuất sạch hơn. Đồng thời, thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như: xây dựng các bức tường có tác dụng làm giảm thiểu tiếng ồn, xưởng đúc ly tâm có hệ thống béc phun sương mù làm giảm nhiệt độ trong những ngày luyện kim, xưởng tiện được lắp đặt hệ thống ống hút bụi để đưa chất thải về bể lắng lọc xử lý. Các công đoạn vận hành máy móc cũng được thực hiện hợp lý, tránh được những hao phí không cần thiết khi sử dụng nguyên, nhiên liệu. Đặc biệt, trong hoạt động sản xuất DNTN Cơ khí Sông Hậu luôn xác định yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm lên hàng đầu để góp phần tiết giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành đến mức thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để thực hiện công tác này, DNTN Cơ khí sông Hậu luôn sinh hoạt ý thức tiết kiệm năng lượng cho công nhân bằng cách thực hiện tắt các bị thiết bị khi không cần thiết sử dụng, sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm năng lượng…

Năm 2013, theo kế hoạch DNTN Cơ khí sông Hậu sẽ dời một phân xưởng Đúc - Luyện kim về khu công nghiệp Trà Nóc 1 để mở rộng phân xưởng, tăng số lượng máy hoạt động từ 100 máy lên 150 máy. Đặc biệt, DNTN Cơ khí Sông Hậu sẽ tận dụng giờ thấp điểm sản xuất để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào… để tiết giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận và tái đầu tư. Ngoài ra, DNTN Cơ khí sông Hậu tiếp tục nỗ lực và không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng nhằm đưa hàng hóa của mình có mặt trên thị trường cả nước và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á…

T.Trinh - M.Hoa (ghi)

Chia sẻ bài viết