30/09/2015 - 08:47

Nâng cấp chuỗi giá trị ngành gạo:

Doanh nghiệp cần cơ chế về vốn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa phối hợp với Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) tổ chức hội thảo "Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lúa gạo, vật tư nông nghiệp và thủy sản". Tại hội thảo này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo kiến nghị các cấp, các ngành chức năng cần kịp thời xem xét, có các cơ chế chính sách vốn ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng.

* Nhiều khó khăn

Từ đầu năm 2015 đến nay, xuất khẩu gạo của nước ta rơi vào tình trạng sụt giảm cả về lượng lẫn giá trị. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,1 triệu tấn, giá trị 1,76 tỉ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm hơn 13% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo VCCI Cần Thơ, lúa gạo Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức do áp lực cạnh tranh từ Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ… Trung Quốc-thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm 32% thị phần xuất khẩu) đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Nếu như năm 2012-2013, khoảng 65% gạo nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam thì năm 2014 giảm còn 53% và 4 tháng đầu năm 2015, con số này chỉ còn 47%. Từ nay đến cuối năm 2015, xuất khẩu gạo của nước ta sang Trung Quốc sẽ còn nhiều thay đổi do gạo từ Thái Lan và Campuchia cạnh tranh gay gắt hơn. Hai thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam là Philippines (chiếm 12% thị phần xuất khẩu), Indonesia (chiếm 5% thị phần xuất khẩu) cũng đang có chiến lược để gia tăng sản xuất nhằm từng bước tự cung về lương thực. Điều này sẽ khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng thu hẹp.

 Công ty TNHH Trung An thu mua lúa trực tiếp của nông dân tại mô hình “cánh đồng lớn” ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, xuất khẩu gạo của nước ta đang giảm do nguồn cung gạo thế giới dồi dào, giá cả cạnh tranh, có nhiều nước xuất khẩu mới ra đời như: Campuchia, Myanmar... Đặc biệt, nhiều nước nhập khẩu gạo vốn là khách hàng thân thiết của Việt Nam đã nỗ lực tăng cường sản xuất lúa gạo trong nước để hạn chế nhập khẩu. Trước đây, một số thị trường (như châu Phi) cũng "ăn hàng" của ta rất mạnh, nhưng sau đó lại giảm do nhu cầu gạo thay đổi từ gạo thông dụng sang gạo thơm. Do vậy chúng ta cần quan tâm làm lại thị trường châu Phi, nhất là phát triển mặt hàng gạo thơm. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng đang có nhu cầu rất lớn về các loại gạo thơm và gạo cấp cao, vấn đề là chúng ta cần tổ chức tốt lại việc sản xuất, kinh doanh để sản phẩm gạo nước ta có thể thâm nhập vào các thị trường mới này.

Thực tế cho thấy, ĐBSCL chiếm 53% diện tích sản xuất và gần 100% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước nhưng số đông người trồng lúa nơi đây vẫn chưa thể làm giàu từ cây lúa. Sản xuất lúa gạo trong vùng còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng để gắn chặt giữa sản xuất và tiêu thụ nên đầu ra còn bấp bênh…Đây là các hạn chế cần quan tâm khắc phục nếu muốn "nâng cấp" chuỗi giá trị ngành gạo.

* Cần gỡ "nút thắt" về vốn

Hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Doanh nghiệp phải vay thêm vốn mới đảm bảo cho các động sản xuất kinh doanh. Để phát triển và nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa gạo, nhà nước cần quan tâm có các cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia của các bên có liên quan, nhất là cơ chế ưu đãi về vốn để doanh nghiệp gắn kết với nông dân trong đầu tư hiện đại hóa việc sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng tiêu thụ của sản phẩm trên thị trường.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL, doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về vốn để gắn kết với nông dân trong xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo (cánh đồng lớn) và đầu tư hiện đại hóa việc sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi nên nhiều doanh nghiệp còn gặp khó hoặc còn ngại vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: "Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp ngành lúa gạo đang có sự thay đổi. Doanh nghiệp không chỉ có nhu cầu vay vốn phục vụ xuất khẩu mà còn cần một nguồn vốn rất lớn phục vụ đầu tư cho vùng nguyên liệu, nhất là việc chi trả tiền thu mua lúa của nông dân theo các hợp đồng bao tiêu lúa trong cánh đồng lớn. Tuy nhiên, do hiện còn thiếu các nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất và thời gian vay còn ngắn nên doanh nghiệp còn ngại đầu tư mở rộng cánh đồng lớn". Theo bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, thời gian qua, các sản phẩm gạo của công ty đã thâm nhập được vào nhiều thị trường cấp cao là nhờ công ty tích cực liên kết với nông dân để xây dựng các cánh đồng lớn, sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Song, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, việc mở rộng các cánh đồng lớn của công ty cũng gặp phải "nút thắt" về vốn, nhất là khi các ngân hàng thường chỉ cho doanh nghiệp ngành gạo vay vốn khi có hợp đồng xuất khẩu hoặc có tài sản thế chấp. Trong khi đó, đến các mùa thu hoạch lúa, doanh nghiệp cần một lượng lớn tiền mặt chi trả ngay khi mua lúa cho nông dân trong mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho rằng, khó khuyến khích doanh nghiệp vay vốn để đẩy mạnh đầu tư phát triển các cánh đồng lớn nếu cứ vay vốn ở mức lãi suất thông thường như hiện nay. Nên chăng, Nhà nước cần có cơ chế vốn ưu đãi, với mức lãi suất giảm khoảng 50% so với lãi suất thông thường, xuống còn 3-4%/năm cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và trực tiếp thu mua lúa của nông dân. Mặt khác, để phát triển thị trường tiêu thụ lúa gạo, các cơ quan chức năng cần đổi mới công tác xúc tiến thương mại, có hỗ trợ thiết thực và nhiều hơn cho doanh nghiệp trong nắm bắt thông tin, nhu cầu cụ thể của khách hàng nước ngoài, tránh đi xúc tiến chung chung.

Các doanh nghiệp ngành lúa gạo kiến nghị, tới đây, Nhà nước cần kịp thời có cơ chế, chính sách ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay để khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trong chuỗi ngành lúa gạo. Các ngân hàng cần xem xét, có phương án, phương thức cho doanh nghiệp vay vốn ngay từ giai đoạn đầu của quá trình sản xuất đến xuất khẩu chứ không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn trong giai đoạn xuất khẩu.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết