24/02/2014 - 22:00

Điều chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Mới đây, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã làm việc với Sở GTVT các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các địa phương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông cho phù hợp với điều kiện mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm thời gian tới…

 Đường Cần Thơ - Vị Thanh hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2012 đang góp phần kết nối giao thông giữa TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg ngày 10-2-2012), về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Cà Mau, Kiên Giang) có các tuyến quốc lộ 1 (chiều dài đi qua vùng 80,9 km), quốc lộ 61 (44,3 km), quốc lộ 63 (114,8 km), quốc lộ 80 (183 km), quốc lộ 91 (142,1 km), quốc lộ 91B (15,8 km), quốc lộ 91C (35,5 km), đường N1 (106,3 km), đường Hồ Chí Minh (301 km), đường hành lang ven biển (220 km), Quản Lộ-Phụng Hiệp (11,5 km), Nam Sông Hậu (9,5 km) và Cần Thơ-Vị Thanh (44,7 km). Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gồm các tuyến: Cửa Tiểu-biên giới Campuchia (chiều dài 218 km), Định An - biên giới Campuchia (221 km), Sài Gòn-Cà Mau qua kênh Xà No (336 km), Sài Gòn-Cà Mau tuyến duyên hải (367 km), Sài Gòn-Kiên Lương qua kênh Lấp Vò (320 km), Sài Gòn-Kiên Lương qua kênh Tháp Mười số 1 (288 km), Mộc Hóa-Hà Tiên (214 km), Rạch Giá-Cà Mau (109 km), Cần Thơ-Cà Mau qua Quản Lộ - Phụng Hiệp (102 km). Kết cấu hạ tầng đường biển gồm: Cảng Cần Thơ (cỡ tàu tiếp nhận lớn nhất 20.000 DWT), An Giang (5.000 DWT), Cà Mau (10.000 DWT), Kiên Giang (10.000 DWT), Phú Quốc (3.000 DWT) và các luồng hàng hải Định An – Cần Thơ dài 112 km, Năm Căn - Bồ Đề dài 45,5 km. Kết cấu hạ tầng đường hàng không gồm: Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ (công suất 3-5 triệu hành khách), Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc (2,26 triệu hành khách), Cảng Hàng không Rạch Giá (0,2 triệu hành khách), Cảng Hàng không Cà Mau và Sân bay Năm Căn phục vụ mục đích quân sự.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, đến nay, một số dự án trong Quy hoạch GTVT vùng cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ, bám sát quy hoạch. Về đường bộ, các dự án đều đảm bảo theo quy hoạch như: nâng cấp cải tạo quốc lộ 1, quốc lộ 91, xây dựng và hoàn thành một số đoạn tuyến của đường hành lang ven biển phía Nam và đường Hồ Chí Minh… Đồng thời, khởi công xây dựng một số cầu lớn như: Vàm Cống, Năm Căn, Long Bình. Việc hình thành 5 hành lang vận tải chủ yếu của vùng đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Các tuyến đường cao tốc đang triển khai nghiên cứu như: Mỹ Thuận-Cần Thơ… Về đường thủy nội địa, cơ bản đang triển khai thực hiện và tuân thủ đúng theo quy hoạch. Đường biển hoàn thành nâng cấp khu bến Cái Cui năm 2013 – cảng Cần Thơ và khởi công xây dựng luồng hàng hải Quan Chánh Bố năm 2012. Đường hàng không hoàn thành và đưa vào sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ và Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc…

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT vừa qua, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm đề nghị Bộ GTVT xem xét nâng cấp thêm cho vùng một số cảng biển, các tuyến đường liên vùng, quan tâm đầu tư xây dựng đường sắt, các tuyến đường cao tốc… phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng thời gian tới. Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, kiến nghị: Hiện các địa phương trong vùng đã có điều chỉnh các quy hoạch như: quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Riêng TP Cần Thơ 3 quy hoạch trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế địa phương cũng như định hướng quy hoạch ngành GTVT, các địa phương đã và đang lập điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT từng tỉnh, thành. Vì vậy, đề nghị đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cập nhật đầy đủ các quy hoạch trên để có định hướng quy hoạch kết nối phù hợp, đảm bảo tính chiến lược. TP Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư tuyến đường Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 do quốc lộ 91 đang trong tiến trình đô thị hóa (hiện hầu như toàn đoạn tuyến quốc lộ 91 đi qua địa bàn thành phố đều cắm biển hạn chế tốc độ khu đông dân cư); nâng cấp hoàn chỉnh quốc lộ 91B ở giai đoạn nhằm đáp ứng tải trọng, lưu lượng khai thác hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng: Quy hoạch phát triển GTVT vô cùng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế vùng ĐBSCL mạnh mẽ. ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, nếu phát triển GTVT không đáp ứng sẽ làm chậm sự phát triển của vùng và cả nước. Chuẩn bị cho điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL cần nghiên cứu lại 3 hệ thống giao thông là thủy, bộ và hàng không để khai thác hiệu quả, nhất là quan tâm đến sự phát triển và kết nối vùng với quốc tế…

Theo quy hoạch phát triển của Trung ương, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đóng vai trò đầu tàu phát triển vùng ĐBSCL. Do đó, việc quy hoạch, đầu tư phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 4 địa phương trong vùng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội chung của vùng ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng: Quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã đáp ứng yêu cầu, các dự án triển khai trong thời gian qua đều bám sát vào quy hoạch. Tuy nhiên, mỗi địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm cần có 2 văn bản đóng góp về điều chỉnh quy hoạch GTVT trên địa bàn và công tác triển khai thực hiện quy hoạch GTVT, tiến độ bố trí vốn, các giải pháp khai thác hiệu quả các dự án. Điều chỉnh quy hoạch cũng cần lưu ý đến hệ thống đường thủy nội địa hợp lý. Cà Mau và Kiên Giang đều có cảng biển, việc rà soát lại hệ thống cảng biển cần tận dụng lợi thế biển, bố trí các cảng nằm dọc theo bờ biển. Tỉnh An Giang và TP Cần Thơ cảng biển gắn liền với sông Hậu, hiện đã khởi động lại nạo vét kênh Quan Chánh Bố, vài năm nữa tàu trên 10.000 tấn sẽ vào được các cảng trên địa bàn Cần Thơ, An Giang. Đồng thời, tập trung các giải pháp khai thác hiệu quả các cảng hàng không. GTVT là mạch máu của nền kinh tế, để có hệ thống giao thông tốt phải có quy hoạch tốt.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết