20/07/2010 - 21:26

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn

BÀI 3: BÀI HỌC ĐẮT GIÁ TỪ CON CÁ TRA VÀ TÔM SÚ

Hằng năm, lượng chất thải từ nuôi trồng, chế biến thủy sản của các nhà máy trong các khu công nghiệp... là một áp lực lớn đối với bảo vệ môi trường nguồn nước ở ĐBSCL. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở TP Cần Thơ.
Ảnh: T. LONG

Từ năm 2006, khủng hoảng thừa của con cá tra ở ĐBSCL đã để lại những “dư chấn” nặng nề: hàng ngàn người nuôi cá bị lỗ lã lên đến hàng trăm tỉ đồng. Rồi chuyện thiếu tôm sú nguyên liệu cho chế biến gần đây đẩy nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu ở nhiều địa phương trong vùng chỉ hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm từ việc nuôi trồng thủy sản (NTTS), từ các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản (TS)… đã và đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đến đời sống của người dân...

CUNG – CẦU: ĐIỆP KHÚC MẤT CÂN ĐỐI !

Đầu tiên phải kể đến đó là con cá tra nguyên liệu. Sự phát triển mạnh mẽ và những đồng USD xuất khẩu của loài TS nuôi này đem về cho đất nước được xem là một kỳ tích. Năm 2008, chỉ với 6.160 ha nuôi cá tra đã đạt sản lượng xuất khẩu gần 640.830 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,453 tỉ USD, chiếm 32,2% tổng giá trị xuất khẩu TS của cả nước và đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước. Thị trường tiêu thụ cá tra đã được mở rộng trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu TS Việt Nam (VASEP), cho biết: Do tốc độ phát triển chóng mặt nhưng thiếu quy hoạch, khiến công tác dự báo sản lượng và giải pháp kiểm soát sự gia tăng diện tích và sản lượng nuôi cá tra còn nhiều yếu kém. Sự sản xuất tùy tiện và chủ yếu theo tín hiệu giá của thị trường; khi giá tăng thì đầu tư sản xuất, khi giá giảm thì bỏ trống ao, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu và tính ổn định trong sản xuất. Cuộc khủng hoảng thừa của con cá tra năm 2006 kéo dài đến năm 2009 là một ví dụ. Hàng ngàn tấn cá tra thừa mứa, quá lứa không có doanh nghiệp chế biến TS xuất khẩu mua, hàng trăm người nuôi cá tra ở ĐBSCL lỗ lã hàng ngàn tỉ đồng khiến không thể đầu tư tái sản xuất.

Từ cuối năm 2009 đến nay, giá tôm sú nguyên liệu tăng cao. Cụ thể, những tháng cuối năm 2009, tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg có giá 150.000 đồng/kg, loại 30 con/kg là 110.000-120.000 đồng/kg, loại 40 con có giá 90.000 đồng/kg. Đến cuối tháng 6-2010, giá tôm sú nguyên liệu ở ĐBSCL như sau: tôm loại 20 con/kg giá 183.000- 190.000 đồng/kg; loại 30 con/kg từ 143.000 – 150.000 đồng/kg, tôm 40 con/kg giá dao động trên dưới 120.000 đồng/kg. Theo VASEP, song song với giá nguyên liệu tăng, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là thị trường Mỹ, giá xuất khẩu tôm đông lạnh tăng khoảng 30% so với năm 2009. Cụ thể, đối với tôm sú loại 16-20 con/kg hiện đã lên mức 12,9-13,2 USD/kg, loại 13-15 con/kg tăng lên 16,6-17 USD/kg, đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu ở ĐBSCL đã và đang “khóc ròng”, chỉ hoạt động từ 45-50% công suất vì thiếu hoặc phải nhập nguồn nguyên liệu với giá cao.

RỐI LOẠN THỊ TRƯỜNG

Trước đây, tại các cuộc họp bàn giải pháp để cứu nguy cho con cá tra nguyên liệu vượt qua thời khủng hoảng, ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty cổ phần TS Mekong, TP Cần Thơ, bày tỏ: “Chúng ta phát triển nhưng quên mất bài học lạnh lùng từ sự tự điều tiết của thị trường. Khi cung nhiều thì giá giảm, khi cầu nhiều thì giá tăng thôi!”. Đối với con cá tra, thực tế xảy ra nhiều năm nay là một minh chứng: Khi giá cá lên, ai cũng ùn ùn nuôi cá dù có trình độ, kỹ thuật nuôi hay không, nhiều lúc còn “neo” cá để chờ mức lợi nhuận cao hơn. Khi giá cá giảm thì “bán tháo, bán đổ” làm đảo lộn cả thị trường. Thậm chí, cầu cứu sự can thiệp của Nhà nước. Còn các nhà máy chế biến thì đua nhau mọc lên, đua nhau chào giá bán sản phẩm ra nước ngoài khiến rối ren cả thị trường trong và ngoài nước... Ngoài ra, gần như có một tiền lệ xảy ra, sau mỗi lần hội chợ TS quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu TS Việt Nam không có được tiếng nói chung, mạnh ai nấy chào giá. Điều đáng nói ở đây, việc xảy ra thành tiền lệ như vậy nhưng chưa có một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm và chưa có một đơn vị nào bị xử lý về hành vi phá giá. Điều này, vừa làm sụt giảm uy tín chất, lượng sản phẩm TS của Việt Nam trên thị trường quốc tế, vừa thiệt hại lớn đến lợi ích kinh tế.

Điển hình như chuyện hạ giá bán cá tra phi lê xuất khẩu của Việt Nam ở các thị trường nhập khẩu. Theo thống kê của VASEP, đầu năm 2008 so với năm 2007, cá tra phi lê của Việt Nam bị hạ giá ở tất cả các thị trường. Trong đó, giảm nhiều nhất là ở thị trường Trung Đông với mức độ 20,58%, kế tiếp thị trường châu Á 10,95%, Đông Âu 10,8%, Nam Mỹ 8,62%, châu Âu 7,01%, châu Đại Dương 4,94%, châu Phi 2,8%, giảm ít nhất ở thị trường nước Mỹ 1,34%. Riêng từ quý I/2010, giá cá tra phi lê đã rớt đến 23% so với cùng kỳ năm 2009; đáng chú ý nhất là thị trường Ukraina giảm trên 55%. Trong khi đó, theo dẫn chứng của VASEP: Từ thống kê nhập khẩu của Hải quan Mỹ, tỉ trọng sản lượng cá tra Việt Nam so với các nước không ngừng tăng, từ chỉ chiếm 63% quí I/2008 tăng lên 75% vào quí I/2010.

NGƯỜI NUÔI ĐUỐI SỨC

Nghề nuôi cá tra đã phát triển gần 15 năm nay. Tuy nhiên, theo VASEP, sự thịnh vượng của đối tượng này bắt đầu từ năm 2003 đến đầu quý I/2008. Nhưng nếu nhìn nhận một cách có hệ thống, tỉ suất lợi nhuận nuôi cá tra của người dân đang trên đà giảm dần. Năm 2003, giá bán trung bình của con cá tra nguyên liệu là 7.000 đồng/kg, giá thành sản xuất khoảng 4.500 đồng/kg. Hai mức giá này tương ứng ở năm 2005 là 10.000 đồng/kg và 8.000 đồng/kg; năm 2007 là 13.500 – 14.000 đồng/kg và 12.000 – 13.000 đồng/kg... Đến tháng 6-2010, giá con cá tra nguyên liệu trung bình trên thị trường là 15.500 -16.200 đồng/kg nhưng giá thành sản xuất đã ở mức trên dưới 16.000 đồng/kg. Chính vì thế, hiện nay, diện tích nuôi cá tra đang giảm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Ví dụ như diện tích nuôi cá tra đến đầu tháng 6 – 2010, TP Cần Thơ giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2009; tỉnh Đồng Tháp chỉ bằng 50% kế hoạch...

Với con tôm, khi giá xuất khẩu đang đứng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, người nuôi có được hưởng lợi? Ông Võ Hồng Ngoãn, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Dịch bệnh, tỷ lệ tôm chết ngày càng nhiều, giá thức ăn tăng cao, lãi suất tăng cao, ngân hàng không còn “mặn” chuyện cho vay nuôi tôm... khiến tôm nuôi giảm sản lượng, người nuôi tôm ở ĐBSCL lỗ lã, nhiều diện tích nuôi tôm được chuyển sang đối tượng TS khác. Như vậy, người nuôi tôm vẫn chưa được hưởng lợi thật sự.

Ngoài những vấn đề nêu trên, bà Lê Thị Đào, người nuôi cá tra ở xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: Gà, vịt mắc bệnh cúm gia cầm, trâu, bò mắc bệnh lở mồm long móng... đều có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, đối với con cá tra hay các đối tượng TS bị thiên tai, dịch bệnh... chưa được hỗ trợ từ phía các cơ quan hữu quan. Đã vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường nước từ hoạt động NTTS hay các hoạt động khác đẩy người nuôi TS đứng trước những thách thức không nhỏ.

Theo Bộ NN&PTNT, hằng năm các nguồn chất thải do NTTS ở ĐBSCL thải ra khoảng 500 triệu m3 bùn thải và chất thải. Nguồn chất thải độc hại này hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để và thải vào sông rạch trong khu vực. Các chất thải NTTS là nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư sử dụng như hóa chất và thuốc kháng sinh, vôi và các loại khoáng chất. Chất thải ao nuôi công nghiệp có thể chứa đến trên 45% Nitrogen và 22% là các chất hữu cơ khác, là nguồn có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh TS phát sinh trong môi trường nước. Mất cân bằng sinh thái trong NTTS thể hiện rõ nét ở tình trạng phát sinh dịch bệnh trên diện rộng do ô nhiễm môi trường ở các mô hình nuôi tôm sú, thâm canh cá tra,... làm tổn thất kinh tế rất lớn. Môi trường nước trên sông Tiền, sông Hậu và các kênh rạch vùng ngọt hóa đã có dấu hiệu nhiễm bẩn hữu cơ. Ngoài hoạt động NTTS, theo Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ, các ngành kinh tế khác cũng đang làm cho môi trường ĐBSCL bị đe dọa nghiêm trọng. Hằng năm các nhà máy, doanh nghiệp ở ĐBSCL thải ra môi trường khoảng 47,2 triệu m3 nước thải công nghiệp, 220.000 tấn rác thải công nghiệp. Ngoài ra các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người cũng “đóng góp” khoảng 780.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật và hơn 2 triệu tấn phân bón.

Những con số “biết nói” này đã minh chứng cho môi trường NTTS cũng như môi trường nước nói chung đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng cho sự phát triển bền vững của ngành TS ĐBSCL.

LIÊN KẾT, GIẢM GIÁ THÀNH: GỠ KHÓ?

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Đây được xem là một hướng giải quyết cho tình trạng giá cả bấp bênh của hàng hóa nông sản. Qua hơn 8 năm thực hiện quyết định này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, đúc kết: Đối với mô hình liên kết chỉ cần “2 nhà” là nhà nông và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải chủ động hợp tác cùng nông dân; nhà khoa học và nhà quản lý hỗ trợ để mối liên kết này ngày càng bền chặt. Thực tế này được chứng minh tại HTX nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An, cho biết: Năm 2008, HTX thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ cá tra nguyên liệu với Công ty TNHH Hùng Vương (Đồng Tháp) với hình thức khoán 2.600 đồng/kg cá thương phẩm cho các chi phí: con giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động và vận chuyển. Ngoài ra, công ty còn đầu tư 1,7kg thức ăn trong 1kg cá tra thương phẩm. Nhờ hình thức liên kết này, trong năm 2008, 2009 vừa qua, khi người nuôi cá tra ở ĐBSCL lâm vào cảnh nợ nần, treo ao thì nuôi cá tra của HTX đạt lợi nhuận tương ứng là 160 tỉ đồng và 300 tỉ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ: “Với mô hình liên kết này, sản phẩm được đảm bảo đầu ra, giảm chi phí đáng kể do thức ăn, cá tra thương phẩm được “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Nhờ đó, Ban Chủ nhiệm cũng như xã viên HTX dành nhiều thời gian cho việc quan hệ với nhà khoa học, Nhà nước, nhà băng (ngân hàng)... tìm các điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm”.

So với các đối tượng khác, con tôm sú đã và đang chịu nhiều áp lực về vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bài toán hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh. Trong bối cảnh này, mô hình nuôi tôm sinh thái, kết hợp thả thưa (7-9 con/m2) của ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đang tỏ ra khá thành công. Ông Sáu Ngoãn chia sẻ: Thả tôm nuôi mật độ thưa kết hợp dùng thức ăn tự nhiên, vừa vốn ít, vừa hạn chế được dịch bệnh, hạn chế việc dùng thuốc kháng sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường; đặc biệt, giảm thiểu chi phí sản xuất. Với cách thức này, tôm nuôi thương phẩm của ông Ngoãn được nhiều công ty ở các nước EU, Nhật Bản thu mua giá cao hơn thị trường từ 15-30% và mô hình nuôi tôm của ông được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học- Công nghệ cấp chứng nhận “Tôm sú sạch Sáu Ngoãn Việt Nam” đầu tiên ở ĐBSCL.

MINH LÊ

Từ năm 2006, Cục Thú y và Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã kiểm tra trực tiếp đối với sản phẩm TS và các doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu vào thị trường này dựa trên công suất thực tế của nhà máy, tức là không được phép đưa sản phẩm làm gia công ở các cơ sở chế biến bên ngoài vào để xuất khẩu. Chỉ có các công ty và tàu cá được VPSS công nhận mới được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga.

Với thị trường EU, tất cả các lô hàng hải sản muốn vào được đều phải chứng minh nguồn gốc, sản phẩm phải có giấy chứng nhận về tính hợp pháp.

Cục Thanh tra và Kiểm dịch Australia (AQIS) có quyết định tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng malachite green trong TS nuôi nhập khẩu. Theo đó, tất cả TS nuôi sẽ được lấy mẫu, kiểm tra malachite green và leucomalachite green với tỷ lệ kiểm tra là 5%. Danh sách các nhà phân tích được chỉ định sẽ được cập nhật thường xuyên và các doanh nghiệp có thể tìm trên trang web của AQIS...


Bài 4: Dự báo cho tương lai

 
Chia sẻ bài viết