22/09/2014 - 20:57

Tái cơ cấu lĩnh vực lúa gạo ở Sóc Trăng

Để phát huy những tiềm năng

Không quá vượt trội về diện tích, năng suất, sản lượng hay các điều kiện cơ sở hạ tầng khác, nhưng ngành lúa gạo Sóc Trăng có nhiều lợi thế về giống, cơ cấu mùa vụ. Sóc Trăng đang tiến hành tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng phát huy những lợi thế sẵn có để nâng cao thu nhập cho nông dân.

* Đa dạng mô hình, tiết kiệm chi phí

Đối với vùng lúa nước, thì cây lúa phải được coi là cây trồng chính để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng tới sản xuất bền vững hơn. Những loại cây trồng, vật nuôi khác nếu được đưa vào cơ cấu sản xuất vùng này cũng chỉ ở hình thức xen canh hoặc luân canh như: lúa-cá, lúa-tôm càng xanh, lúa-màu... Do đó, tái cơ cấu thành công cho vùng đất lúa phải nâng cao giá trị hạt lúa, để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa mới là điều quan trọng.

Gạo thơm Sóc Trăng lọt vào top 100 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 và là thương hiệu triển vọng của tỉnh. 

Có nhiều cách khác nhau để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa, nhưng cách tốt nhất vẫn là một giải pháp mang tính đồng bộ và căn cơ, chứ không thể rời rạc, riêng lẻ như kiểu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nông dân hiện nay. Trong bối cảnh hạt gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước, vấn đề đầu tiên là làm sao tiết giảm được chi phí sản xuất, để giảm giá thành. Vấn đề này lâu nay đã được ngành nông nghiệp quan tâm triển khai thực hiện bằng biện pháp quản lý tốt đầu vào sản xuất, thông qua các mô hình như: ứng dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; áp dụng cơ giới hóa; sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn... Tính hiệu quả của các mô hình trên đã được chứng minh qua thực tế, nhưng vấn đề nhân rộng để sản xuất mang tính đại trà vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần của yếu tố đầu vào trong sản xuất lúa, phần còn lại đòi hỏi ở công tác quản lý nhà nước về chất lượng, giá cả phân phón, thuốc bảo vệ thực vật...phải được tốt hơn, mới có thể giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất.

* Nâng cao giá trị từ lợi thế về giống

Một vấn đề quan trọng có tính quyết định đến việc nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa chính là công tác giống. Rất may ở khâu quan trọng này, Sóc Trăng đang có lợi thế khá lớn so với một số tỉnh khác trong khu vực. Chỉ riêng bộ giống ST với 3 giống chủ lực đang được sản xuất trên diện tích khá lớn hiện nay là: ST5, ST20 và ST21 cũng đủ để đảm bảo cho việc gia tăng giá trị hạt gạo và thu nhập cho người trồng lúa. Giá xuất khẩu đối với gạo ST5 thời gian qua luôn ở ngưỡng từ 600 USD/tấn trở lên, còn gạo ST20 luôn có giá xuất khẩu từ 800 USD/tấn trở lên. Như vậy, đối chiếu với mục tiêu nghiên cứu giống lúa của Bộ NN&PTNT giao cho Viện Lúa ĐBSCL đến năm 2020 thì ở ngay thời điểm hiện tại, bộ giống lúa ST của tỉnh đã đáp ứng được mục tiêu này. Lợi thế lớn này đã được lãnh đạo tỉnh tập trung phát huy bằng Đề án Phát triển vùng lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015. Thực tế cũng đã chứng minh tính hiệu quả của đề án qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, với mức chênh lệch lợi nhuận và tính ổn định về hiệu quả của bộ giống ST luôn rất cao so với những giống lúa khác.

Ngoại trừ giống ST5 vẫn còn chưa vững trên thị trường nội địa, các giống ST20, ST21 và cả giống lúa Tài nguyên Thạnh Trị đang có thị trường nội địa rất tốt. Nếu như ST20 và ST21 có được thị trường tiêu thụ mạnh tại các thành phố lớn trải dài từ Bắc chí Nam, thì gạo Tài nguyên Thạnh Trị có thế mạnh ở thị trường truyền thống ĐBSCL và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Một số người vẫn chưa biết nhiều đến gạo ST21, nhưng đối với một số doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa, đây là một giống khá “hot” trên thị trường hiện nay, nhất là các tỉnh phía Bắc. Không giống như một số giống ST khác chỉ thích hợp với vùng phèn mặn, canh tác 2 vụ lúa/năm, giống ST21 ngắn ngày hơn và thích nghi tốt với cả vùng ngọt và luôn cho chất lượng gạo ngon. Chính vì vậy, ở vụ hè thu 2014, một số khu vực thuộc huyện Thạnh Trị, Trần Đề... đưa giống lúa này vào cơ cấu sản xuất chung. Ngay cả Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, khi xây dựng cánh đồng mẫu ở huyện Thạnh Trị cũng chọn giống lúa này để thực hiện.

* Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, việc phát triển các giống lúa thơm đặc sản trong thời điểm hiện nay rất có ý nghĩa, đảm bảo cho thành công của chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo. Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ: “Lúa gạo Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng hiện đang dư thừa, nhưng là dư thừa ở phân khúc gạo phẩm cấp thấp đến trung bình, còn ở phân khúc gạo cao cấp vẫn còn thiếu. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển các giống lúa đặc sản (ST, Tài nguyên Thạnh Trị…) không chỉ giúp tăng giá trị sản xuất và hiệu quả cho nhà nông, mà còn góp phần mở rộng các phân khúc thị trường gạo để giảm áp lực trong tiêu thụ gạo, nhất là chủng loại gạo cấp thấp”. Đây cũng là cách để chúng ta điều tiết tốt quy luật cung - cầu, hạn chế được tình trạng trúng mùa, thất giá vốn vẫn thường xuyên xảy ra.

Nền kinh tế nước ta hướng phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên nếu chỉ tập trung cho sản xuất không thôi là chưa đủ, mà quan trọng là phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để hạt gạo Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng chiếm lĩnh những thị trường mà ở đó hạt gạo đạt giá trị cao nhất. Vấn đề này xem ra vượt tầm của ngành nông nghiệp, nên thế chủ động trước hết phải thuộc về doanh nghiệp và ngành công thương, bởi một sản phẩm dù có ngon, có tốt đến đâu, nhưng chưa được người tiêu dùng biết đến thì vẫn là “con số không”. Một tín hiệu đáng mừng là gần đây, ngoài các doanh nghiệp trong tỉnh như: DNTN Hồ Quang, Công ty TNHH TMDV Thành Tín, Công ty Lương thực Sóc Trăng, còn có các doanh nghiệp ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Trung An, Công ty Gentraco, Ngọc Mê-Kông... tích cực đặt hàng nông dân trong tỉnh sản xuất và quảng bá một số chủng loại gạo có giá trị cao của tỉnh.

Như vậy, vấn đề trong tái cơ cấu lĩnh vực lúa gạo hiện nay không chỉ tổ chức tốt sản xuất, xây dựng các mô hình luân canh phù hợp, mà còn phải có cơ chế trong nghiên cứu lai tạo và quản lý chất lượng các giống lúa đặc sản, để đảm bảo chất lượng ổn định, sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và khuếch trương thương hiệu cho sản phẩm gạo đặc sản Sóc Trăng. Đây là vấn đề lớn, nhưng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương, hy vọng, sau tái cơ cấu, hạt gạo Sóc Trăng sẽ có một vị trí xứng đáng trên thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết