04/08/2010 - 09:03

Đẩy nhanh tiến độ mua muối tạm trữ, đảm bảo cho diêm dân có lãi

 

Chính phủ có quyết định mua tạm trữ 200.000 tấn muối để giải quyết khó khăn cho diêm dân nhưng hiện nay tiến độ thu mua tạm trữ diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hồ Xuân Hùng về vấn đề này.

* Trước tình trạng tồn đọng muối trong diêm dân rất lớn, Bộ NN&PTNT đã thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về việc mua tạm trữ 200.000 tấn muối như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: Đúng là có tình trạng sản lượng muối tăng đột biến do thời tiết thuận lợi, nắng nhiều hơn so với năm 2009, bên cạnh đó, năm 2009 - 2010 chúng ta bắt đầu đưa một số thử nghiệm sản xuất muối theo công nghệ trải bạt đem lại năng suất cao, nên tổng sản lượng muối trong cả nước đã tăng lên rất nhiều, có thể đạt 1,3 triệu – 1,4 triệu tấn.

Diêm dân phấn khởi vì được mùa muối, đặc biệt có tỉnh như Bạc Liêu, sản lượng muối tăng đột biến gấp 6 lần so với năm 2009 nên việc mua kinh doanh bình thường như mọi năm không đáp ứng được nhu cầu của diêm dân.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép diêm dân vay vốn từ nay tới cuối năm với lãi suất bằng không để bà con tiếp tục đầu tư cho vụ sản xuất mới sắp tới và giải quyết bức xúc vì không bán được muối thì không có tiền. Vấn đề được mùa muối mà không bán nhanh thì giá rất thấp. Hiện nay, giá muối mua thấp hơn giá thành rất nhiều, một ha muối, diêm dân đang bị lỗ có khi tới 5-6 triệu đồng.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã quyết định giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc mua tạm trữ 200.000 tấn muối (do Tổng Công ty muối được sáp nhập vào Tổng Công ty Lương thực miền Bắc). Để thực hiện, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đưa ra kế hoạch mua tạm trữ tập trung vào vùng muối trọng điểm như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Cần Giờ, TPHCM với sản lượng miền Nam khoảng hơn 180.000 tấn, còn các tỉnh miền Bắc khoảng 20.000 tấn. Phải thực hiện ngay việc thu mua tạm trữ để nâng giá muối lên. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã phân bổ kế hoạch rất cụ thể về việc mua muối tạm trữ cho từng địa phương nên nhiều nơi giá muối đang nhích dần lên.

* Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn gì? Vì sao hơn 1 tháng thực hiện nhưng tiến độ mua tạm trữ muối rất chậm, thưa ông?

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: Do Tổng công ty Muối mới sáp nhập vào Tổng Công ty lương thực miền Bắc nên trong quá trình tổ chức thực hiện còn chệch choạc, việc điều hành còn thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống kho mua muối tạm trữ gần như không có nên hiện nay phải mua tạm trữ theo kiểu dân tạm trữ thế nào thì mua thế ấy, còn hệ thống kho dự trữ quốc gia trong những năm vừa rồi chưa làm kịp theo yêu cầu Chính phủ cho phép, chỉ mới chứa được 60.000 tấn, trong khi cho phép tới 120.000 – 130.000 tấn. Cùng với đó là mạng lưới thu mua vẫn đang nằm phần lớn tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ, còn các doanh nghiệp lớn đủ sức thu mua, chưa triển khai được xuyên suốt nên việc mua tạm trữ diễn ra chậm so với kế hoạch.

Bộ NN&PTNT cũng đã đi thực tế một số tỉnh như Cần Giờ, Bạc Liêu và TP Hồ Chí Minh. Để giá muối nhích lên, Bộ đã đưa ra cơ chế giá mua bằng giá thành sản xuất, cộng ba trăm đồng lợi nhuận để người dân phấn khởi. Còn nếu mua theo giá thị trường thì giá muối không nhích lên được, do thị trường bị ép giá. Để đẩy nhanh tiến độ mua tạm trữ, Bộ NN&PTNN đã tính tới phương án doanh nghiệp tư nhân nào đủ điều kiện sẽ ký hợp đồng ủy thác qua Tổng Công ty Lương thực miền Bắc để trực tiếp thu mua muối của diêm dân. Đồng thời, nếu kết quả kinh doanh cuối cùng của Tổng Công ty Lương thực miền bắc mà thua lỗ thì Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ; còn nếu Tổng Công ty Lương thực miền Bắc biết tổ chức thu mua thì chưa chắc đã lỗ để phải hỗ trợ mà còn có lãi.

* Về lâu dài, Bộ NN&PTNT có kiến nghị gì để ổn định sản xuất cho diêm dân và đảm bảo ổn định nhu cầu muối cho tiêu dùng trong nước?

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: Về lâu dài phải rà soát lại quy hoạch diện tích đất sản xuất muối. Hiện chúng ta có khoảng 15.000 ha đất sản xuất muối, nếu chúng ta sử dụng công nghệ kỹ thuật cho ngành muối thì không cần diện tích lớn như vậy, nhưng hiện nay, thực trạng đáng buồn là những tiến bộ khoa học công nghệ đưa vào ngành muối chưa đáng kể, nhất là các tỉnh phía Bắc vẫn là sản xuất thủ công truyền thống. Cho nên từ năm 2010, Bộ NN&PTNT bàn bạc với các địa phương trình Chính phủ hỗ trợ diêm dân, đưa ngay công nghệ mới vào sản xuất muối, nhất là áp dụng thành công phương pháp sản xuất muối trải bạt, năng suất tăng gấp 2 - 3 lần sản xuất thủ công bình thường mà đầu tư chỉ thêm 40-45 triệu đồng/ha. Số tiền đầu tư thêm không nhiều nhưng có thể rút bớt được 1/3 diện tích sản xuất muối. Như vậy, chỉ cần sản xuất trên diện tích 10.000 ha mà năng suất lại gấp đôi. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ trải bạt vào làm muối còn có lợi thế là giảm hẳn muối đen, thu hoạch phần lớn là muối trắng, giá giữa muối đen và muối trắng chênh lệch từ 200-300 đồng/kg.

Bên cạnh đó, phải thực hiện quy hoạch kho để nâng sản lượng muối quốc gia, đảm bảo sức chứa cho sản xuất. Ngoài dự trữ, Nhà nước phải đảm bảo tổ chức lại ngành muối với hướng đa thành phần, để đưa được chế biến muối tinh vào sản xuất, tiêu dùng, vì đáng buồn là hiện nay hơn 60% người dân vẫn ăn muối thô. Trong sản xuất thì 3 muối thô mới được 1 muối tinh. Nếu chúng ta đưa được công nghệ tiên tiến vào thì không lo vấn đề tiêu thụ muối thô cho dân và nếu chúng ta có cách quản lý về xuất nhập khẩu thì còn có thể xuất khẩu được muối, giúp nâng được giá trị muối tinh lên 4.000 - 5.000 đồng/kg. Có như vậy thì việc thu mua muối của diêm dân với mong muốn đạt lãi suất khoảng 30% là thực hiện được.

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết