05/01/2012 - 21:27

SẢN XUẤT LÚA HÀNG HÓA Ở TP CẦN THƠ

Đẩy mạnh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm

Nông dân huyện Cờ Đỏ chăm sóc lúa đông xuân
2011-2012. Ảnh: VĂN CÔNG

Đến cuối tháng 12-2011, nông dân thành phố đã cơ bản xuống giống dứt điểm vụ lúa đông xuân với diện tích khoảng 88.000 ha. Điều đáng chú ý là mô hình liên kết sản xuất lúa đã được nhiều nông dân áp dụng. Diện tích lúa đông xuân năm nay doanh nghiệp cũng đã bao tiêu sản phẩm nhiều hơn so với năm trước.

Đến nay, diện tích lúa đông xuân xuống giống sớm tại TP Cần Thơ đã gần 2 tháng tuổi (trong đó có khoảng 60.000 ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh tích cực và khoảng 2.000 ha lúa đang làm đòng...), diện tích còn lại mới sạ, lúa đang trong giai đoạn mạ. Nhìn chung, trà lúa đông xuân trên địa bàn thành phố đang phát triển tốt, sâu bệnh chỉ xuất hiện rải rác với khoảng trên 1.000 ha, chủ yếu là rầy nâu và bệnh đạo ôn mật độ thấp...

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: Đã triển khai cho ngành nông nghiệp các quận, huyện phân công trực, theo dõi tình hình sâu bệnh, đồng thời khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2012. Năm nay lũ đem phù sa màu mỡ nên lúa phát triển rất tốt, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng hạn chế các loại phân đạm và chỉ bón ở mức hợp lý...

Vụ đông xuân 2011-2012, toàn thành phố xây dựng được 6 cánh đồng mẫu lớn (mỗi cánh đồng có diện tích trên 100 ha trở lên), trong đó có 4 cánh đồng (được doanh nghiệp tham gia đầu tư giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm) và 2 cánh đồng bước đầu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn khoảng 2.100 ha... Vụ đông xuân năm nay, ngành nông nghiệp thành phố và các quận, huyện đã đẩy mạnh xây dựng các cánh đồng mẫu lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia nên diện tích lúa đông xuân được doanh nghiệp bao tiêu đã tăng cao so với vụ đông xuân năm trước. Ngoài 2 nông trường bao tiêu khoảng 10.000 ha và diện tích lúa đông xuân được các doanh nghiệp bao tiêu trên 1.000 ha như mọi năm, vụ đông xuân năm nay doanh nghiệp còn bao tiêu hết diện tích các cánh đồng mẫu lớn...

Chỉ riêng huyện Cờ Đỏ diện tích lúa đông xuân 2011-2012 được bao tiêu hơn 1.162 ha, trong đó doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu 2 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 555 ha. 2 cánh đồng mẫu lớn tại xã Thới Xuân (428,47ha) và xã Thạnh Phú (127 ha). Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu lúa đông xuân tại huyện Cờ Đỏ gồm: Công ty TNHH Trung An, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Lương thực Sông Hậu, Viện Lúa ĐBSCL... Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, đến năm nay nông dân huyện Vĩnh Thạnh xuống giống hơn 25.330 ha, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân được hơn 1.487,5 ha, tăng hơn 717 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Công ty Cổ phần Gentraco 630 ha, Công ty Me Kong 707,5 ha, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang 150 ha...

Năm nay, các doanh nghiệp đã có nhiều hình thức đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Bên cạnh hình thức bao tiêu sản phẩm cho nông dân gắn với việc cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (theo hình thức cung ứng trước không tính lãi suất đến khi nông dân thu hoạch lúa doanh nghiệp thu mua và khấu trừ lại), có doanh nghiệp còn bao tiêu và hỗ trợ bằng tiền mặt cho nông dân tự mua vật tư. Doanh nghiệp không chỉ đến tận nơi để thu mua lúa khi nông dân đã phơi sấy khô mà sẵn sàng thu mua lúa tươi cho nông dân. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Doanh nghiệp không chỉ liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với việc hỗ trợ vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra mà còn mạnh dạn bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ sản xuất cá thể. Để hỗ trợ nông dân sản xuất, ngoài việc cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi đến cuối vụ mới trả không tính lãi suất, năm nay có doanh nghiệp còn hỗ trợ cho nông dân theo hình thức ứng vốn cho mượn với số tiền khoảng 2-2,5 triệu đồng/ha lúa không tính lãi suất. Doanh nghiệp còn hứa thưởng cho nông dân từ 20-50 đồng/kg lúa nếu lúa đạt chất lượng tốt. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi để nông dân Vĩnh Thạnh mạnh dạn phát triển các mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Không chỉ doanh nghiệp tại thành phố tham gia bao tiêu sản phẩm cho nông dân, lần đầu tiên đã có doanh nghiệp đến từ địa phương khác là Công ty xuất nhập khẩu An Giang...”.

Anh Nguyễn Phú Hộ, ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, nhiều nông dân ngại ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp vì sợ không thực hiện tốt được các yêu cầu của đối tác, nhất là chất lượng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện hợp đồng bao tiêu với các đơn vị, doanh nghiệp tôi thấy không quá khó để thực hiện các cải thiện trong sản xuất lúa nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu của đối tác. Nếu được bao tiêu sản phẩm sẽ giúp mình an tâm sản xuất, không lo đầu ra bấp bênh...”. Gia đình anh Hộ có 5 ha sản xuất lúa, nhằm đảm bảo đầu ra, đã mạnh dạn ký kết hợp đồng thực hiện sản xuất lúa giống với Viện Lúa ĐBSCL và được bao tiêu sản phẩm với giá thu mua lúa tươi bằng với giá lúa khô trên thị trường ngay thời điểm thu mua. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng đúng các quy trình sạ hàng và bón phân, thuốc... theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật của Viện Lúa ĐBSCL, thời gian qua lúa do gia đình anh Hộ sản xuất luôn đáp ứng tốt theo yêu cầu hợp đồng đã ký. Vụ đông xuân này, 5 ha lúa của gia đình anh Hộ tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hướng tới ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích nông dân tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh việc liên kết hợp tác sản xuất, hình thành các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, cánh đồng mẫu lớn...

VĂN CÔNG-ANH KHOA

Nông dân huyện Cờ Đỏ chăm sóc lúa đông xuân 2011-2012. Ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết