27/10/2024 - 18:50

Dấu hiệu “tan băng” quan hệ Trung - Ấn 

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 16 ở thành phố Kazan (Nga) hôm 23-10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đã nhất trí tăng cường giao tiếp và hợp tác, đồng thời xử lý hiệu quả những bất đồng bằng con đường hòa bình và giúp cải thiện quan hệ bị đóng băng từ sau vụ chạm trán quân sự chết người năm 2020.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp hôm 23-10. Ảnh: Reuters

Ðây là cuộc gặp chính thức đầu tiên của lãnh đạo hai nước sau 5 năm, qua đó báo hiệu mối quan hệ giữa 2 “gã khổng lồ” châu Á đã bắt đầu phục hồi sau rạn nứt ngoại giao do cuộc đụng độ dọc biên giới ở dãy Himalaya. Giới phân tích cho rằng cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Modi lần này sẽ thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Ðộ. Cuộc gặp diễn ra chỉ 2 ngày sau khi New Delhi tuyên bố đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh để giải quyết tình trạng căng thẳng quân sự kéo dài 4 năm tại khu vực Ladakh thuộc dãy Himalaya.

Ðài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời Chủ tịch Tập cho biết, 2 nước đang ở giai đoạn phát triển quan trọng. Do đó cả hai nên “cẩn thận xử lý những khác biệt và bất đồng, đồng thời tạo điều kiện cho nhau theo đuổi nguyện vọng phát triển”. “Ðiều quan trọng là cả hai bên phải gánh vác trách nhiệm quốc tế, nêu gương thúc đẩy sức mạnh và sự thống nhất của các nước đang phát triển, đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy đa phương hóa và dân chủ trong quan hệ quốc tế” - ông Tập nhấn mạnh.

Ðáp lại, Thủ tướng Modi nói rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau là nền tảng của mối quan hệ. “Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận về các vấn đề đã nảy sinh trong 4 năm qua. Chúng ta nên ưu tiên duy trì hòa bình và sự ổn định ở biên giới. Sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau nên là nền tảng cho mối quan hệ của chúng ta” - ông Modi bày tỏ.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Ấn Ðộ Vikram Misri cho biết, 2 nhà lãnh đạo khẳng định rằng “mối quan hệ song phương ổn định, có thể dự đoán được và thân thiện giữa Ấn Ðộ với Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực và toàn cầu”. Ông Misri qua đó hy vọng quan hệ Ấn - Trung sẽ trở nên tốt đẹp hơn. “Như chúng tôi đã khẳng định trong 4 năm qua, việc khôi phục hòa bình và ổn định ở các khu vực biên giới sẽ tạo không gian cho việc bình thường hóa quan hệ song phương của chúng ta” - ông Misri nhấn mạnh.

Quan hệ giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới và đều sở hữu vũ khí hạt nhân trở nên căng thẳng kể từ cuộc đụng độ ở khu vực biên giới dãy Himalaya hồi năm 2020, khiến 20 binh sĩ Ấn Ðộ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng. Kể từ đó, cả hai bên đều tăng cường sự hiện diện quân sự dọc theo tuyến biên giới chung. Trong khi đó, ông Tập và ông Modi thời gian qua không có bất kỳ cuộc đàm phán song phương chính thức nào mặc dù cả hai đều tham gia các sự kiện đa phương.

Cuộc hội đàm song phương gần đây nhất giữa 2 nhà lãnh đạo này được tổ chức vào tháng 10-2019 tại thị trấn Mamallapuram (bang Tamil Nadu, Ấn Ðộ). Sau đó, cả hai chỉ có cuộc trò chuyện ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11-2022 cũng như bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Johannesburg (Nam Phi) hồi tháng 8-2023. Ðáng chú ý, ông Tập đã không dự Hội nghị thượng đỉnh G20 do New Delhi tổ chức vào tháng 9-2023. Quyết định này được coi là một bước lùi nữa trong quan hệ giữa 2 nước.

Về phần mình, New Delhi tăng cường giám sát các khoản đầu tư từ Trung Quốc, chặn các chuyến bay trực tiếp giữa 2 nước và cấm việc cấp bất kỳ thị thực nào cho công dân Trung Quốc kể từ khi nổ ra cuộc đụng độ ở khu vực Ladakh. Tuy nhiên, quan hệ Bắc Kinh - New Delhi trong những tháng gần đây dần được cải thiện sau khi các bộ trưởng ngoại giao của 2 nước hồi tháng 7 nhất trí đẩy mạnh các cuộc đàm phán để xoa dịu căng thẳng biên giới.

Hôm 21-10, Ấn Độ cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc tuần tra dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC). Bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận diễn biến này ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nga để tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS. LAC là đường biên giới dài 3.488 km ở dãy Himalaya được hai “gã khổng lồ” châu Á chia sẻ. Trong thông báo ngày 22-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này đã đạt “giải pháp” với Ấn Độ về các vấn đề liên quan đến biên giới tranh chấp. 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết