27/10/2024 - 18:20

Cuộc đua tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút 

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu vị tổng thống tiếp theo. Ðây là thời điểm 2 ứng viên tăng tốc vận động tranh cử tại các bang chiến trường, nơi mà họ có thể thắng thua với tỷ lệ rất sít sao.

Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống Barack Obama tại buổi vận động tranh cử hôm 24-10. Ảnh: Getty Images

Ngày bầu cử Mỹ được quy định vào thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, tức là ngày 5-11 tới. Theo dữ liệu từ Ðại học Florida, có gần 25 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm qua bưu điện hoặc trực tiếp. Trong đó, các bang chiến trường như Bắc Carolina và Georgia liên tục lập kỷ lục về số cử tri đi bầu sớm ngay trong tuần đầu tiên.

Dồn nỗ lực vào 7 bang chiến trường

Trong giai đoạn nước rút hiện nay, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ phe Dân chủ Kamala Harris đều dồn nỗ lực vào 7 bang chiến trường. Bầu cử Mỹ sử dụng hệ thống đại cử tri. Có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri và ứng viên cần giành được 270 phiếu để chiến thắng. Hầu hết 50 tiểu bang đều trung thành với đảng mà họ lựa chọn, chỉ có một số ít bang dao động với cơ hội chiến thắng phân đều cho các ứng viên. Vì vậy có thể nói, chỉ 1% phiếu bầu ở các bang chiến trường cũng có thể quyết định ai sẽ là nhà lãnh đạo Mỹ tiếp theo.

Theo các kết quả thăm dò, cạnh tranh đang diễn ra sít sao tại 7 bang được coi là chiến trường trong cuộc bầu cử năm nay và không ai trong số 2 ứng cử viên có lợi thế quyết định ở bất kỳ bang nào. Chẳng hạn như tại Arizona, Georgia và Bắc Carolina, vị trí dẫn đầu luân phiên thay đổi kể từ tháng 8, nhưng ông Trump vài tuần trở lại đây dường như có lợi thế hơn so với bà Harris. Tại bang Nevada, hai ứng cử viên có điểm số ngang ngửa trong khi Phó Tổng thống Harris dẫn trước 2-3 điểm tại bang Michigan và Wisconsin. Riêng ở Pennsylvania, ông Trump đang dẫn trước với khoảng cách rất hẹp. Ðây là khu vực quan trọng vì có số phiếu đại cử tri cao nhất trong 7 bang chiến địa. Trong 10 cuộc bầu cử Mỹ gần đây, bang này cũng đã chọn đúng ứng viên đắc cử 8 lần.

Còn trên toàn quốc, kết quả thăm dò được thực hiện trong 2 tuần đầu tiên của tháng 10 cho thấy bà Harris giành được 49% ủng hộ so với 48% của ông Trump. Tuy nhiên, kết quả khảo sát toàn quốc của Forbes phối hợp cùng HarrisX công bố tuần này cho thấy ông Trump giành 51% ủng hộ so với 49% của bà Harris. Hiện tại, phụ nữ và người Mỹ da màu ủng hộ bà Harris mạnh mẽ nhất trong khi cựu Tổng thống Trump thu hút cử tri da trắng và nam giới hơn.

Cử tri Mỹ quan tâm điều gì?

Kinh tế luôn đứng đầu danh sách các vấn đề quan trọng với cử tri Mỹ và kỳ bầu cử năm nay cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, thăm dò của tờ Washington Post phát hiện cử tri ở các tiểu bang chiến trường còn ưu tiên vấn đề chăm sóc sức khỏe và những mối đe dọa với nền dân chủ. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ít nhận sự quan tâm và chủ đề này gần như không nằm trong chương trình nghị sự của các ứng viên.

Nếu tình hình trong nước ảnh hưởng lớn đến lá phiếu của cử tri Mỹ, giới phân tích cho biết chính sách đối ngoại cũng có vai trò quyết định không kém trong cuộc bầu cử năm nay. Theo khảo sát hồi tháng 9 của Trung tâm nghiên cứu Pew, 62% cử tri liệt kê chính sách đối ngoại là vấn đề rất quan trọng giữa thời điểm Mỹ đang đổ ngân sách vào cuộc chiến kéo dài ở Ukraine và lún sâu vào xung đột lan rộng ở Trung Ðông. Hiện tại, 70% người bỏ phiếu cho ông Trump quan tâm chính sách đối ngoại so với 54% ở cử tri ủng hộ bà Harris.

Ngoài xung đột vũ trang, chính sách đối ngoại được quan tâm nhất hiện nay vẫn là vấn đề nhập cư. Tại cuộc vận động tranh cử ở Arizona ngày 24-10, cựu Tổng thống Trump mô tả nước Mỹ hiện “giống thùng rác của thế giới”, qua đó thuyết phục cử tri rằng đóng cửa biên giới và trục xuất những người vượt biên trái phép là ưu tiên cấp bách với quốc gia. Về phần mình, bà Harris bác bỏ ý kiến đánh giá bản thân đã mềm mỏng trong vấn đề nhập cư, đồng thời kêu gọi nỗ lực lưỡng đảng để củng cố biên giới.

MAI QUYÊN (Theo Independent, CNN)

Chia sẻ bài viết