14/08/2012 - 21:50

Đánh thức tiềm năng khoa học công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hàng năm, vùng ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa và trên 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Cùng với ngành nông nghiệp sản xuất, chế biến lúa gạo, ngành khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản cũng là một trong những thế mạnh của ĐBSCL. Với đặc điểm ưu việt này, vùng có nhiều tiềm năng để phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ để nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Hoạt động phát triển KH&CN của ĐBSCL đang đứng trước những thách thức, đòi hỏi gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của vùng. Đây là ý kiến được các nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý quan tâm thảo luận tại Hội thảo “KH&CN với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL” vừa diễn ra tại Hậu Giang.

Trong khuôn khổ của Hội thảo KH&CN với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, các nhà khoa học, lãnh đạo viện, trường, địa phương các tỉnh, thành đã có Hội nghị giao ban lần thứ XXII.

Máy gieo hạt thẳng hàng của doanh nghiệp Hoàng Thắng - công cụ góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm (Trong ảnh: Đoàn cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ và TP Cần Thơ tham quan mô hình sản xuất máy gieo hạt thẳng hàng tại doanh nghiệp Hoàng Thắng). 

Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao những kết quả về hoạt động KH&CN của vùng ĐBSCL. Trong giai đoạn (2010-tháng 6-2012), bộ máy quản lý cùng đội ngũ làm công tác KH&CN ở các địa phương vùng ĐBSCL ngày dần được hoàn thiện, với mỗi tỉnh, thành đều có Chi cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN. Công tác nghiên cứu KH&CN được các địa phương quan tâm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và bám sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung vào công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi... Những thành tựu của nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Cụ thể trong giai đoạn này, các đơn vị làm công tác KH&CN đã thực hiện khoảng 570 đề tài, dự án trên các lĩnh vực, trong đó, đề tài, dự án về nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 37,66% tổng số đề tài, dự án thực hiện. Hoạt động nghiên cứu khoa học được mở rộng ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt nghiên cứu về Khoa học xã hội và nhân văn được một số địa phương được quan tâm, phát triển với những nghiên cứu cơ bản về con người, nhân lực KH&CN và vị trí địa lý của tỉnh nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Về tiềm lực KH&CN, trong vùng có Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL và 74 đơn vị đào tạo gồm trường đại học, phân hiệu đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý địa phương cho rằng, hoạt động KH&CN của ĐBSCL hiện nay chưa khai thác hết tiềm năng của vùng. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng phòng Quản lý KH&CN tỉnh Cà Mau, hoạt động KH&CN của tỉnh chủ yếu tập trung cho nuôi trồng thủy sản. Thực tế hiện nay, cán bộ làm công tác khoa học trên lĩnh vực này còn thiếu, do kinh phí cho hoạt động KH&CN còn nhiều khó khăn. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản của địa phương. Còn theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam: “Hiện nay, Viện gặp khó khăn về kinh phí để thực hiện các đề tài sản xuất trái theo phương pháp hữu cơ, an toàn để nâng cao tính cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm. Một số đề tài nghiên cứu cần làm dài hạn ít nhất 10 năm cũng không có kinh phí thực hiện, do cứ 5 năm là hết thời gian cho 1 đề tài theo quy định, thủ tục thanh toán kinh phí lại khó khăn, bất cập”.

Là một trong địa phương có nền tảng phát triển KH&CN, hiện nay, TP Cần Thơ có đội ngũ làm công tác KH&CN khoảng 126 người, đứng đầu so với các tỉnh trong vùng và TP Cần Thơ cũng là một trong số ít địa phương thành lập được Quỹ phát triển KH&CN. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN của thành phố chưa thật sự đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của địa phương, của vùng với vai trò trung tâm. Theo ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hoạt động KH&CN hiện nay chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học ứng dụng mà thiếu hẳn nghiên cứu khoa học cơ bản. Vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu khoa học cơ bản để có những ứng phó kịp thời, hiệu quả kinh tế-xã hội của vùng”.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Sở KH&CN trong vùng ĐBSCL đưa ra những kiến nghị, đề xuất phát triển KH&CN với sự phát triển bền vững của vùng. Theo đó, Bộ KH&CN cần xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác KH&CN cho ĐBSCL. Cụ thể là nâng cao năng lực cho các viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học. Mỗi tỉnh, thành cần có quy chế phối hợp trong hoạt động KH&CN và phải có được thị trường KH&CN của vùng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động KH&CN, tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế về KH&CN.

Đánh thức tiềm năng và khai thác tiềm năng về KH&CN của vùng ĐBSCL cần phải có chiến lược phát triển tổng thể. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh: “Hiện nay, Bộ đang xây dựng đề án phát triển KH&CN, đặc biệt quan tâm đến cơ sở xây dựng chiến lược đẩy mạnh và phát triển KH&CN của vùng. Thời gian tới, để ĐBSCL phát triển bền vững, đòi hỏi người làm công tác khoa học của từng địa phương cần đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận trong phát triển KH&CN, tạo sự liên kết vùng hơn nữa”.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết