HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, Straits Times)
Ngập lụt, nắng nóng và sạt lở đất do mưa lớn là những nỗi lo hàng đầu về biến đổi khí hậu ở Ðông Nam Á. Gần 50% người dân tại khu vực đã bày tỏ lo ngại về việc thiếu quyết tâm chính trị nhằm giảm thiểu các mối đe dọa này.
Một tuyến phố bị ngập lụt tại thành phố Yangon, Myanmar hồi tháng 8. Ảnh: Xinhua
Theo kết quả “Khảo sát Viễn cảnh khí hậu Ðông Nam Á 2022” do Viện ISEAS-Yusof Ishak trụ sở tại Singapore thực hiện, 22,4% số người được hỏi ở 10 quốc gia Ðông Nam Á cho rằng lũ lụt là mối đe dọa nghiêm trọng nhất tại khu vực, theo sau là nắng nóng với 18,1% và lở đất do mưa lớn với 12%.
Cận cảnh hơn, khảo sát phát hiện 32,7% ý kiến ở Campuchia và 28% ở Malaysia xác định lũ lụt là tác động hàng đầu. Các bãi bồi xung quanh Biển hồ Campuchia, nơi được coi như chiếc phao cứu sinh kinh tế của nước này ở phía Tây Bắc, hàng năm đều phải hứng chịu các trận lũ lụt lớn. Lũ lụt đã khiến khoảng 729 người chết tại vùng này giai đoạn 2005-2020.
Trong khi nắng nóng được xem là “cơn đau đầu” lớn nhất của người dân Myanmar (29,1%), lở đất do mưa vẫn còn gây lo ngại cho Malaysia (20,6%). Ðối với những người dân tại vùng nông thôn tham gia khảo sát, hạn hán là một trong 3 vấn đề khí hậu hàng đầu (21,5%). Ðiều này có thể là do họ cảm nhận rõ hơn những hậu quả của hạn hán. Trong khi đó, 17,9% người dân các thành phố quy mô vừa trên khắp Ðông Nam Á đưa bão nhiệt đới vào tốp 3 nỗi lo của họ và 15% cư dân các thành phố lớn e ngại tình trạng mực nước biển dâng.
Tính theo thang điểm 10, dân Ðông Nam Á đánh giá xác suất tác động của khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ ở mức 7,2. Trong số các nước Ðông Nam Á, Philippines có ý thức cấp bách lớn nhất trong việc đối phó với mối đe dọa khí hậu.
Theo báo cáo, 31,2% người được hỏi thừa nhận biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa đối với an ninh lương thực. Dân Ðông Nam Á còn điểm mặt những vấn đề nổi bật khác gồm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu (25,3%), xuất khẩu lương thực giảm (19,1%), đất nông nghiệp bạc màu (17,6%). Người dân vùng quê có xu hướng chọn mối đe dọa từ các hiện tượng thời tiết cực đoan (46,8%), xếp sau là đất nông nghiệp bạc màu (22,1%), để giải thích về những hiểm họa đối với nguồn cung lương thực. Năm ngoái, những tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đối với Ðông Nam Á là lũ lụt, mất đa dạng sinh học và mực nước biển dâng.
Trách nhiệm thuộc nhiều bên
Nhiều công dân Ðông Nam Á nhận thấy chính phủ các nước, doanh nghiệp và cá nhân là 3 nhân tố hàng đầu chịu trách nhiệm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Phần lớn số người được khảo sát còn nghĩ rằng các chính phủ nên ưu tiên những biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn 20% ý kiến đề nghị các chính phủ nên ưu tiên giảm thiểu tác động của khủng hoảng khí hậu. Myanmar, Thái Lan và Campuchia là 3 quốc gia có người dân bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh nhất đối với biện pháp thích ứng. Trong số 10 quốc gia Ðông Nam Á, hơn phân số người được hỏi tin rằng Singapore có khả năng trở thành đầu tàu của khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhận thức của người dân
Trên 60% số người tham gia khảo sát tin rằng các quốc gia trong khu vực phải lập tức ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy điện than mới, trong khi 72,5% ý kiến muốn cắt “cơn nghiện” than ngay tức khắc. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ loại bỏ nhà máy điện than mới rất yếu ở Myanmar (25,6%), Bruinei (54,2%) và Indonesia (58,8%), mà nguyên nhân có thể là vì kinh tế.
Ðể giúp khu vực khử carbon và hướng tới năng lượng sạch, cuộc thăm dò trên đã phát hiện năng lượng Mặt trời, thủy điện và gió được xem là các nguồn năng lượng tái tạo hàng đầu tại phần lớn các quốc gia.
Theo báo cáo “Viễn cảnh Năng lượng Ðông Nam Á 2022”, sản lượng điện trong khu vực tăng gần gấp 3 lần trong 2 thập niên qua để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, với mức tăng lớn nhất đến từ các nhà máy điện than. Trong khi đó, than được xem là dạng nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới.