07/11/2013 - 21:41

MDEC - VĨNH LONG 2013

Đã sẵn sàng khai mạc

 

Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hằng năm theo Quyết định 388/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010, của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2013, MDEC sẽ được tổ chức từ ngày 25-11 đến 28-11-2013 tại tỉnh Vĩnh Long, với chủ đề: "Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh". Chia sẻ thông tin về công tác tổ chức MDEC năm nay cũng như quá trình hình thành và những thành tựu, đóng góp mà MDEC đã mang lại cho vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long năm 2013, cho biết:

- Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL là hoạt động liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa ĐBSCL với các bộ, ngành Trung ương, với TP Hồ Chí Minh, các vùng, miền khác trong cả nước và các tổ chức quốc tế, nhằm phát huy tiềm năng của vùng, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đối ngoại. Đây là kênh đối thoại chính thức được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức luân phiên hằng năm để tập hợp sáng kiến, cơ chế chính sách đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cùng thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL bền vững.

Đến nay, MDEC đã có 6 lần tổ chức, tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang với các chủ đề thiết thực và bức xúc trong phát triển vùng, như: ĐBSCL chủ động hội nhập WTO; Vì sự phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời kỳ hội nhập; Phát huy lợi thế sông, biển - phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL; ĐBSCL - liên kết bền vững; ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững. Qua các lần tổ chức, MDEC đã có nhiều đóng góp quan trọng, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của vùng, nhất là trên các lĩnh vực về giao thông, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nông nghiệp, nông thôn; liên kết vùng… Kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, MDEC lần thứ 7 sẽ diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long từ ngày 25 đến 28-11-2013, gồm chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo, triển lãm hội chợ với chủ đề "Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh". Diễn đàn lần này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên... đây cũng là những vấn đề quan trọng, mục tiêu mà ĐBSCL đang hướng đến.

* Với chủ đề này, MDEC năm nay tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long có những sự kiện, hoạt động gì đặc biệt, thưa ông?

- MDEC năm nay gồm 6 sự kiện chính. Trong đó, điểm nhấn của Diễn đàn là Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL và chương trình an sinh xã hội năm 2013, nhằm quảng bá tiềm năng của vùng, trao giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng tín dụng, vận động kinh phí để chăm lo cho người nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng khác như: Họp trao đổi song phương giữa ngoại giao đoàn với lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng; Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; Hội thảo liên kết phát triển các đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh; Hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh; Hội nghị trao đổi giữa UBND thành phố Hồ Chí Minh với UBND các tỉnh, thành Tây Nam bộ; Hội nghị Ban Chỉ đạo Diễn đàn.

Ngoài ra, Ban Tổ chức Diễn đàn còn phối hợp tổ chức Triển lãm hội chợ "Tuần lễ môi trường xanh - công nghệ xanh - phát triển bền vững kinh tế xanh" vùng ĐBSCL với quy mô trên 500 gian hàng. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức các hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tổ chức Hội thảo kết nối cung - cầu công nghệ ĐBSCL, Hội nghị Giám đốc các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ toàn quốc...

* Thưa ông, chỉ còn khoảng nửa tháng nữa sẽ khai mạc Diễn đàn, hiện công tác tổ chức đã được chuẩn bị như thế nào?

- Hiện nay, Ban Chỉ đạo Diễn đàn đã ban hành Chương trình Tổng thể, Ban Tổ chức Diễn đàn đã ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức các sự kiện. Về Hội nghị xúc tiến đầu tư, đến nay các tỉnh, thành trong vùng có báo cáo hoạt động kêu gọi xúc tiến đầu tư gửi về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; trong đó, có 138 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư vào vùng ĐBSCL với số tiền 411 ngàn tỉ đồng và 1,8 tỉ USD; trao 28 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số tiền 4.661 tỉ đồng và 87,17 triệu USD, 2 dự án trao chủ trương đầu tư với tổng số tiền 720 tỉ đồng, ký kết hợp đồng tín dụng với số tiền 121,671 tỉ đồng; Ban Thư ký MDEC hiện đang biên tập để in kỷ yếu Hội nghị xúc tiến đầu tư và hoàn chỉnh các nội dung hội nghị. Về chương trình an sinh xã hội, đến nay đã vận động được gần 613 tỉ 585 triệu đồng; trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần ủng hộ khoảng 518 tỉ đồng, thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi đơn vị hỗ trợ an sinh xã hội cho vùng 5 tỉ đồng, Bộ Xây dựng vận động các đơn vị hỗ trợ giá trị 13 tỉ đồng bằng xi măng, còn lại là sự hỗ trợ của 19 doanh nghiệp trong cả nước. Đối với các hội nghị, hội thảo khác, đơn vị chủ trì tổ chức các sự kiện đã ban hành kế hoạch chi tiết, đặt hàng viết bài tham luận, lập danh sách khách mời, xây dựng kịch bản, chương trình chi tiết. Về công tác truyền thông, Ban Thư ký MDEC đã ký hợp đồng bảo trợ thông tin với một số cơ quan báo chí để thực hiện các phóng sự, chuyên trang định kỳ, cũng như tiến hành thi công các pano tuyên truyền về MDEC - Vĩnh Long 2013 ở các địa phương…

Nói chung, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức, cả về nội dung, về an ninh, lễ tân, truyền thông… đều đã cơ bản hoàn chỉnh. MDEC Vĩnh Long 2013 đã sẵn sàng khai mạc.

* Điều gì ông kỳ vọng nhất ở Diễn đàn lần này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng?

- ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhất là thế mạnh về lương thực, thủy sản... Diễn đàn lần này sẽ giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của vùng; đồng thời, chỉ ra những thách thức, nhu cầu đầu tư của vùng; tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh, các khu vực khác trong cả nước; đối thoại về cơ chế chính sách, những sáng kiến nhằm phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế vùng; kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào vùng; thể hiện trách nhiệm xã hội với người dân thông qua các hoạt động tài trợ an sinh xã hội...

* Xin cảm ơn ông!

BÍCH LIÊN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết