22/03/2010 - 22:00

Du lịch năm 2010

Đa dạng tour, thu hút khách hàng

Năm 2009 được đánh giá là năm đầy khó khăn của ngành du lịch do tác động của khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh bùng phát, khí hậu biến đổi… nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, nhiều công ty du lịch có mức doanh thu tăng từ 10-30%... Không chỉ duy trì và phát triển tour, tuyến truyền thống, các doanh nghiệp (DN) lữ hành còn xây dựng thêm nhiều điểm đến mới, đa dạng các gói dịch vụ từ cao cấp đến tiết kiệm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

* Xu hướng du lịch mới

Khách hàng đặt tour tại Saigontourist Chi nhánh Cần Thơ. 

Trong năm qua, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh. Tuy nhiên, trong khó khăn, dịch vụ du lịch cao cấp lại bất ngờ thu hút được quan tâm của du khách và trở thành xu hướng du lịch mới. Theo một số công ty lữ hành lớn như Vietravel, Saigontouris: trong mùa du lịch Tết Nguyên đán và năm mới 2010 vừa qua được xem là một mùa “bội thu” khi lượng khách bình quân của các doanh nghiệp lớn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước (khoảng trên dưới 1.000 lượt khách). Trong đó, trên 50% lượng khách sử dụng tour cao cấp. Ngoài các tour cao cấp đi nước ngoài (Mỹ, Âu), tour trong nước nghỉ tại khách sạn 4, 5 sao (luôn khó bán) thì trong dịp Tết đã trở nên “hiếm” và hầu hết khóa sổ trước Tết khoảng 1 tháng. Với những khởi đầu thuận lợi đầu năm, nhiều DN lữ hành hy vọng giữ được đà tăng trưởng này đến hết năm.

Bên cạnh các tour cao cấp, vài năm trở lại đây, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho các nhân viên, đối tác) cũng đem lại lợi nhuận lớn cho DN lữ hành. Không chỉ là các đoàn khách MICE quốc tế đến Việt Nam, mà còn thu hút nhiều đoàn MICE trong nước tham gia những tour cao cấp trong nước và nước ngoài. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, các DN lữ hành không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường tìm những điểm đến mới, đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Hiện nay, ở tour đi quốc tế, nhiều DN lữ hành đã mở rộng đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ như: châu Âu, Mỹ, Úc, Phi, châu Á.

Được xem là DN lữ hành khá thành công trong việc khai thác hình thức du lịch MICE, vào tháng 11-2009, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, phục vụ từ 3 đến 4 đoàn khách MICE trong nước với 200-800 khách/đoàn và 4 đến 5 đoàn khách quốc tế với 50-200 khách/đoàn. Ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist (Saigontourist), cho biết: “Năm 2009 vừa qua, du lịch MICE đã góp phần không nhỏ vào thành công của Saigontourist. Năm 2010, loại hình du lịch này tiếp tục là xu hướng chính của ngành du lịch. Chỉ tính riêng tháng 2-2010, Saigontourist đã phục vụ hơn 3.000 khách MICE, trong đó có những đoàn lớn lên đến 1.100 khách. Bên cạnh điểm mạnh về đối tác là các khách sạn, resort rộng khắp cả nước, từ năm 1999, Saigontourist đã trở thành thành viên chính thức của câu lạc bộ MICE Việt Nam, vì vậy công ty sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước tham gia du lịch MICE”. Không chỉ Saigontourist mà nhiều DN lữ hành khác cũng chọn xu hướng du lịch mới này để phát triển và đưa ra chiến lược tiếp thị hình ảnh của DN đến khách hàng.

* Đa dạng tour, tuyến để thu hút khách

Năm 2010, kinh tế thế giới và Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, tạo điều kiện cho ngành du lịch tăng trưởng trở lại. Việt Nam được đánh giá là quốc gia phục hồi sớm sau khủng hoảng tài chính thế giới. Quá trình hội nhập của đất nước tiếp tục mang lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng nhiều thách thức, áp lực cạnh tranh cho tất cả các DN trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Nhiều DN lữ hành, các dịch vụ vận chuyển đã không ngừng xây dựng cho mình những chiến lược phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.

Tại TP Cần Thơ, sân bay Cần Thơ hoạt động được hơn 1 năm qua, khai thác đường bay Hà Nội- Cần Thơ và ngược lại, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cũng vừa thu hút phát triển du lịch. Tới đây, nhiều đường bay mới từ Cần Thơ đến các vùng miền trong cả nước được đưa vào khai thác, tạo động lực mới cho ngành du lịch toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Cụ thể, ngày 28-3-2010 tới đây, Vietnam Airlines chính thức đưa vào khai trương tuyến bay TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Phú Quốc; cuối năm 2010, các chuyến bay quốc tế đi và đến các nước châu Á sẽ chính thức đi vào khai thác... Cuối tháng 4-2010, khánh thành cầu Cần Thơ, cùng với Cảng hàng không Cần Thơ sẽ tạo cơ hội lớn cho du lịch TP Cần Thơ phát triển.

Nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng, hiện nay nhiều hãng hàng không quốc tế có mặt tại Việt Nam, cũng như hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đang tăng tần suất, mở thêm nhiều đường bay mới. Đồng thời, các hãng hàng không còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như giảm giá vé, giúp khách hàng có thể tiết kiệm chi phí đến 85%. Theo chương trình này, các chuyến bay đến Thái Lan, Trung Quốc, Nhật, Úc, Pháp, Hàn Quốc hiện chỉ còn 49 - 599 USD. Năm 2010 này, nhiều nhiều sự kiện lễ hội lớn diễn ra trong nước. Do vậy, các DN lữ hành đã xem đây là cơ hội để khai thác du lịch mùa lễ hội. Hiện nhiều DN lữ hành đã chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ các sự kiện này. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các loại hình du lịch từ du lịch truyền thống, tiết kiệm đến cao cấp trên cả 3 mảng (du lịch quốc tế, du lịch trong nước và du lịch nước ngoài) trên tất cả các tuyến du lịch theo đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

Ông Lâm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm điều hành Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ, bộc bạch: “Trước những điều kiện thuận lợi trong vận chuyển đi và đến, ngành du lịch TP Cần Thơ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Hiện nay, hợp tác liên kết giữa các vùng miền, các quốc gia sẽ tạo một xu hướng phát triển cho ngành du lịch. Vì vậy, đường hàng không cần mở rộng thị trường tại nhiều điểm đến hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện nay, ở tuyến hành trình di sản miền Trung đang có nhu cầu rất cao và nhiều tuyến khác trải dài khắp nước cũng rất tiềm năng”. Xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống hiện là những yếu tố để phát huy thế mạnh của du lịch Việt Nam. Theo ông Sơn, bất cứ điểm đến du lịch nào, đối với phần lớn du khách, thì cái riêng của địa phương mới là điểm thu hút mạnh nhất. Các làng nghề truyền thống của Việt Nam rất đa dạng, nhưng hiện chưa phát huy được thế mạnh trong khai thác và tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù ở mỗi làng nghề.

Theo Tổng cục Du lịch, năm nay sẽ tiếp tục phát động chương trình giảm giá kích cầu du lịch nội địa. Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ tiếp tục triển khai gói kích cầu du lịch trong nước bằng cách giảm 30-60% giá vé một số tuyến bay, áp dụng theo từng mùa cụ thể... Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về điểm đến thân thiện và tình hình an ninh chính trị trong nước ổn định cũng là yếu tố thu hút du khách quốc tế. Đồng thời, chất lượng và các loại hình dịch vụ, cơ sở hạ tầng trong những năm 2010 được cải thiện... Những điều kiện này sẽ hứa hẹn những tín hiệu vui cho ngành du lịch Việt trong năm 2010.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết