17/01/2011 - 22:02

Thị trường điện thoại, thông tin di động

Cuộc cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng

Trước nhu cầu thông tin liên lạc ngày càng lớn, các nhà sản xuất liên tục cho ra thị trường nhiều sản phẩm điện thoại di động (ĐTDĐ) giá rẻ, tiện ích, phù hợp với người tiêu dùng. Song song đó, cuộc chạy đua sử dụng công nghệ 3G, sự cạnh tranh gay gắt của các nhà mạng... hứa hẹn cung cấp nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

* Ưu thế sản phẩm giá rẻ, công nghệ 3G

Trên thị trường, ĐTDĐ giá dưới 3 triệu đồng/sản phẩm đã và đang tạo ra sức hút khá mạnh đối với người tiêu dùng và chiếm khoảng 50-60% doanh số của các cửa hàng kinh doanh. Phần lớn các dòng sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... với hàng loạt nhãn hàng như Mobell, Q-Mobile, I-Mobile, eTouch, Wellcom, Cayon, K-Touch, Bavapen, Suntek... Ưu thế về giá rẻ, nhắm vào xu hướng tiêu dùng của nhóm khách hàng trẻ, các nhà sản xuất đã tung ra thị trường nhiều mẫu ĐTDĐ có thể chạy cùng lúc “2 sim, 2 sóng” và nhiều tiện ích gia tăng khác như: quay phim, chụp hình với độ phân giải cao, chức năng ghi âm, webcam, kết nối không dây, xem phim, nghe nhạc dưới nhiều định dạng khác nhau. Ngoài ra, sự xuất hiện hàng loạt sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, kèm theo nhiều tính năng giải trí không thua kém những mẫu máy đắt tiền dòng ĐTDĐ giá rẻ đang tạo ra nhiều cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Anh Thái Quốc ở khu dân cư 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, nhận xét: Điểm nổi bật của các dòng ĐTDĐ giá rẻ này là khả năng nhận và thực hiện cuộc gọi, nhắn tin cùng lúc từ cả 2 sim trong máy. Đặc biệt, với tính năng nghe nhạc, xem phim, chụp hình, kết nối không dây..., các dòng sản phẩm này hầu như thỏa mãn được mọi nhu cầu giải trí của người dùng”. Theo nhận định của giới kinh doanh, trong năm 2011 các sản phẩm giá rẻ, điện thoại “2 sim, 2 sóng” tiếp tục là tâm điểm, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

 Khách hàng mua điện thoại và hòa mạng tại Siêu thị điện thoại di động 97 Viettel.

Thời gian qua, sự ra đời của các mạng 3G trở thành lực hút, tác động lên xu hướng sử dụng ĐTDĐ của người tiêu dùng. Mặc dù, các dịch vụ về 3G chưa làm khách hàng hài lòng nhưng thị phần của nhóm thiết bị mang công nghệ này đang tăng lên. Trên thị trường hiện có khá nhiều mẫu điện thoại 3G của các hãng như Samsung, HTC, Nokia, Sony Ericsson, LG... tạo nên sự canh tranh khá gay gắt về giá cả cũng như chất lượng dịch vụ. Nếu như thời điểm mới xuất hiện trên thị trường, điện thoại di động có tích hợp chip 3G được bán với giá trên dưới 5 triệu đồng thì hiện nay người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra chưa đầy 2 triệu đồng là có thể mua được loại máy có chức năng này. Theo một nhân viên tiếp thị và bán hàng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viễn thông miền Tây, Chi nhánh Cần Thơ, một trong những mạng di động nỗ lực phổ biến mẫu điện thoại di động 3G là VinaPhone với bộ trọn gói Alo 1280 có giá bán khoảng 1,69 triệu đồng. Điều này đã góp phần phổ biến dịch vụ 3G đến người tiêu dùng có thu nhập thấp.

* Cạnh tranh gay gắt hơn?

Trước sự sôi động của thị trường ĐTDĐ, nhiều nhà mạng đã gia tăng các chương trình khuyến mãi để phát triển thuê bao hòa mạng mới. Sự tham gia của 7 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động (Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, S-Fone, EVN-Telecom và Beeline) cùng khai thác thị trường ngày càng tạo ra nhiều quyền lựa chọn cho người tiêu dùng. Giá cước viễn thông hiện đã được các nhà mạng liên tục điều chỉnh giảm mạnh, giúp nhóm khách hàng có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được với dịch vụ di động giá rẻ. Tuy nhiên, theo nhận định của giới kinh doanh, thị trường thông tin di động mặc dù vẫn còn tiềm năng, nhưng áp lực cạnh tranh giữa các mạng di động cũng sẽ gay gắt hơn khi “miếng bánh” thị phần đang bị chia nhỏ lại.

Anh Lê Văn Bé, chủ cửa hàng điện thoại sim số trên đường Nguyễn Văn Cừ, nhận xét: “Áp lực cạnh tranh không riêng các nhà mạng mà ngay các đại lý bán lẻ sim số, thẻ cào hiện cũng khá gay gắt bởi các cửa hàng sim số, thẻ cào xuất hiện khá nhiều. Phần lớn các cửa hàng đều nhìn nhau mà bán! Nếu có đối thủ hạ giá xuống, ngay lập tức các cửa hàng khác phải giảm theo. Trước đây, mỗi cái sim khuyến mãi bán ra đại lý có thể lời 7.000-10.000 đồng/cái, nhưng lợi nhuận bây giờ giảm chỉ còn một nửa, thậm chí một phần ba. Việc siết chặt khuyến mãi đối với sim di động và quản lý thông tin người dùng dịch vụ thuê bao trả trước đã làm cho lượng sim “rác” và thuê bao ảo của các nhà mạng sụt giảm mạnh. Bên cạnh nhiều chiêu thức khuyến mãi lớn nhằm kéo khách hàng mới về phía mình, việc giữ được chân khách hàng gắn bó lâu dài buộc các nhà mạng phải nâng cao chất lượng, đa dạng dịch vụ. Cuộc đua của các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường thông tin di động sẽ còn diễn ra quyết liệt trong thời gian tới bằng việc đa dạng hóa nhiều gói cước để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Bài, ảnh: KIM NGỌC

Chia sẻ bài viết