17/02/2013 - 22:45

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Củng cố nội lực để vượt khó

Theo VFA, 100% sản lượng gạo xuất khẩu đều tập trung tại ĐBSCL (Thu hoạch lúa đông xuân 2012 - 2013 tại Hậu Giang).

Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất nước, nhưng xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu… khiến tăng trưởng kinh tế vùng chưa bền vững. Thêm vào đó, liên kết vùng giữa các địa phương chưa chặt chẽ, trong khi đây là mấu chốt chính thúc đẩy sự phát triển toàn vùng. ĐBSCL đang cần cơ chế liên kết từ Trung ương để giải quyết những yếu kém, bất cập và củng cố nội lực vượt qua thách thức.

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB), năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL đạt 9,98%, tổng giá trị sản xuất đạt 196.782 tỉ đồng. So với kế hoạch đầu năm, phần lớn các địa phương đều không đạt chỉ tiêu đề ra (trừ tỉnh Hậu Giang), nhưng các địa phương đều có GDP khá cao như: Hậu Giang 14,13%, Bạc Liêu 12,6%, Kiên Giang 11,81%, TP Cần Thơ 11,55%, Long An 10,5%, Trà Vinh 10,43%. Mặc dù vậy, cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch chậm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước phục hồi chậm, nên khu vực I vẫn chiếm tỷ trọng cao, đến cuối năm 2012, khu vực I chiếm 38,26%, khu vực II 25,85%, khu vực III 35,89% trong cơ cấu kinh tế.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ TNB, cho biết: “Năm 2012, tình hình kinh tế- xã hội của vùng phát triển trong điều kiện không thuận lợi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao của các địa phương, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên kinh tế vùng tiếp tục có bước phát triển, môi trường đầu tư được cải thiện. Công tác giảm nghèo được các địa phương quan tâm đẩy mạnh”. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 157.665 tỉ đồng, tăng 15,13% so với năm 2011, các mặt hàng có sản lượng tăng khá và góp phần giữ mức tăng trưởng chung của ngành là thủy sản đông lạnh, giày dép, phân bón, xi măng. Toàn vùng có khoảng 78.931 cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công thương, tăng 204 cơ sở so với năm 2011. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại tiếp tục mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dịch vụ đạt 428.877 tỉ đồng, tăng 17,2% so năm 2011, các địa phương có mức tăng cao gồm: TP Cần Thơ 55.534 tỉ đồng (tăng 18%), Bạc Liêu 22.705 tỉ đồng (tăng hơn 25,7%), Tiền Giang 33.200 tỉ đồng (tăng 20,55%)… Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 10,07 tỉ USD, tăng hơn 10% so năm 2011, một số địa phương có kim ngạch vượt mốc 1 tỉ USD gồm: Long An hơn 2,34 tỉ USD, TP Cần Thơ 1,29 tỉ USD…

Năm 2012, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng đạt 194.229 tỉ đồng, tăng 7% so năm 2011 và đạt 92% kế hoạch năm. Các địa phương có vốn đầu tư toàn xã hội cao như: TP Cần Thơ 34.498 tỉ đồng, An Giang 31.422 tỉ đồng, Kiên Giang 24.407 tỉ đồng, Long An 17.500 tỉ đồng. Theo đánh giá của các địa phương, tuy huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra, nhưng đầu tư phát triển toàn vùng có bước phát triển mạnh, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Các đô thị được nâng cấp, cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ. Nhiều công trình giao thông quan trọng được khánh thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo các đô thị vùng như: sân bay quốc tế Phú Quốc, cầu Đầm Cùng, hợp phần A dự án WB5 đoạn quan TP Trà Vinh và đoạn Long Vĩnh- Đại An; khởi công xây dựng cầu Năm Căn, dự kiến hoàn thành trong năm 2014; đề xuất Thủ tướng Chính phủ triển khai dự án nâng cấp 6 đô thị Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá, Cao Lãnh, Mỹ Tho, Trà Vinh với tổng mức đầu tư 399 triệu USD (vốn ODA 298 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng)…

Tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 do BCĐ TNB tổ chức vừa qua, đại diện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều khẳng định năm qua là năm khó khăn nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến nay. Toàn vùng chỉ duy nhất tỉnh Hậu Giang hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế- xã hội. Năm 2012, ĐBSCL có đến 3.328 doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất kinh doanh và tạm dừng hoạt động, tăng 10% so năm trước; một số địa phương có DN tạm ngừng hoạt động cao là Kiên Giang 493 DN, Bến Tre 394 DN, Long An 343 DN, Tiền Giang 326 DN, TP Cần Thơ 476 DN, Đồng Tháp 314 DN… Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân, nói: “Năm qua là năm đầy khó khăn đối với ngành gạo và cá tra. Giá thấp, đầu ra bấp bênh, nông dân thiệt đủ đường, các chính sách cho phát triển vẫn chưa sát thực tế. Tình trạng tranh mua- tranh bán của các DN đối với sản phẩm cá tra đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Do vậy, cần được giải quyết thỏa đáng bài toán sản xuất và tiêu thụ để lập lại trật tự các ngành hàng”. Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nếu không giải quyết những yếu kém tồn tại lâu nay của ĐBSCL sẽ rất khó cho vùng trong việc đảm đương vai trò an ninh lương thực quốc gia.

Giải quyết bất cập

ĐBSCL đang cần cơ chế, chính sách thiết thực từ Trung ương để giải quyết 4 vấn đề lớn, gồm: sản xuất và tiêu thụ; hạ tầng giao thông vận tải; nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết vùng. Đây là những trở ngại chính đối với sự phát triển của vùng, do hạ tầng cơ sở yếu kém, tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua dù luôn ở mức cao hơn mức bình quân cả nước, nhưng những bất cập trên vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu cho biết: “Chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua khiến nhiều DN gặp khó. An Giang là địa phương có diện tích và sản lượng cá tra lớn nhất vùng; nhưng năm qua giá cá nguyên liệu có lúc dưới giá thành sản xuất, nhiều DN phải bán sản phẩm để cắt lỗ và xuất hiện bất cập trong cạnh tranh, một số DN hạ giá bán. Do vậy, cần có chính sách rõ ràng, hiện nay Chính phủ đã quy định gạo là sản phẩm kinh doanh có điều kiện thì cũng cần áp dụng cho con cá tra để lập lại trật tự ngành hàng này, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều DN đang mạnh”. Ông Sáu cũng đề nghị Trung ương xem xét các kiến nghị của ĐBSCL để giải quyết rốt ráo cho vùng. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho rằng, chính sách tín dụng đối với con tôm còn nhiều bất cập. Hiện người nuôi tôm trong tỉnh đa phần thế chấp bất động sản để vay vốn nuôi, nhưng rất rủi ro, năm nào mất mùa thì ngân hàng không cho vay tiếp, buộc họ phải vay bên ngoài. Do vậy, Chính phủ, ngân hàng cần xem xét khoanh nợ cho nông dân, điều kiện là chọn hộ có khả năng trả nợ, kỹ thuật sản xuất vững vàng; xem xét cho DN vay vốn ưu đãi để mua tôm trữ…

Năm 2012, sản lượng lúa hàng hóa toàn vùng trên 24,1 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 2011, sản lượng gạo xuất khẩu 8,09 triệu tấn với kim ngạch 3,73 tỉ USD; diện tích nuôi cá tra 5.600ha, sản lượng 1,19 triệu tấn; tôm 435.000ha, sản lượng đạt 375.000 tấn (chiếm 75% sản lượng cả nước). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn vùng 4,5/6,12 tỉ USD cả nước (chiếm 73,52% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đang thay da đổi thịt từng ngày. ĐBSCL hiện là vùng cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, cơ chế chính sách hiện hành cho sự phát triển ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa khơi dậy được động lực sản xuất. Một số bất cập thể hiện rõ nhất là chính sách liên kết theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng về sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng do quan hệ 4 nhà: nhà nông- doanh nghiệp- nhà khoa học, nhà nước chưa tốt nên hiệu quả thực hiện chưa cao, còn tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại”. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, để nông nghiệp phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đang đề xuất Chính phủ ban hành nhiều chính sách cho nông nghiệp, và nhiều chính sách sẽ được thực thi trong năm 2013. Cụ thể như: chính sách đối với sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo (sẽ bỏ quy định máy móc nội địa tỷ lệ 60% theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); bắt buộc DN xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm 2013; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi, cá tra, tôm. Bộ sẽ sơ kết thực hiện chính sách bảo hiểm trong nghiệp giai đoạn 2011-2013 để trên cơ sở đó đề xuất cơ chế mở rộng thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp với cơ chế phù hợp hơn…

Với những kiến nghị của các địa phương vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng BCĐ TNB, đề nghị các bộ, ngành xem xét trả lời từng kiến nghị. Nhất là ý kiến về đề án liên kết vùng, Phó Thủ tướng khẳng định, liên kết vùng là yếu tố quyết định sự phát triển. Có liên kết sẽ hạn chế đầu tư dàn trải. Các bộ, ngành cần hỗ trợ vùng trong đổi mới, nâng chất lượng giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhanh chóng đề xuất, sửa đổi một số cơ chế chính sách đã ban hành rồi, nhưng hiệu quả chưa cao và chưa sát thực tế.  Quy hoạch thủy lợi cho con tôm, con cá; gắn phát triển kinh tế- xã hội với xây dựng nông thôn mới. Vấn đề còn lại là huy động nguồn lực thực hiện, các bộ ngành Trung ương đóng vai trò chủ chốt trong huy động nguồn lực để giúp các địa phương vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết