10/04/2016 - 15:51

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
từ các hiệp định quốc tế

Năm 2016 được xem là năm bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quan trọng, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Vietnam –EU FTA). Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn với các nước trong khu vực và các quốc gia phát triển trên thế giới. Làm gì để phát triển tốt trong nền kinh tế hội nhập, đó là điều đang được đặt ra cho các doanh nghiệp Việt, trong đó có doanh nghiệp ĐBSCL.

Cải thiện "vùng trũng" ĐBSCL

Năm 2015, FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) của toàn vùng ĐBSCL đạt 3,53 tỉ USD. Nguồn tín dụng cho vùng ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng tín dụng chung cả nước. Lực lượng lao động của vùng chiếm khoảng 10,5 triệu người, chiếm 19,5% tổng số lực lượng lao động cả nước. Năng suất lao động và việc làm đang là vấn đề lớn đối với vùng ĐBSCL. Đây là bài toán mà vùng cần phải tính đến để thích ứng khi nền kinh tế tham gia các hiệp định thương mại. Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn của vùng hiện nay là nguồn lực tập trung vào nông nghiệp còn cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ,… Thu hút đầu tư của vùng chủ yếu tập trung tại các tỉnh gần với TP Hồ Chí Minh như: Long An, Tiền Giang.

Tham gia vào các hiệp định quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn. Trong ảnh: Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Hiệp Tài, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, các ngành nghề như dệt may, giày dép, nếu như trước đây tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng ven TP Hồ Chí Minh, nay đã dịch chuyển xuống các địa phương như tỉnh Kiên Giang và TP Cần Thơ. Năm 2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã khởi công Dự án Nhà máy May Vinatex Cần Thơ, dự án với tổng kinh phí 150 tỉ đồng, sử dụng trên 1.500 lao động, kim ngạch xuất khẩu dự tính 20-30 triệu USD/năm; năng lực sản xuất đạt 4-5 triệu sản phẩm may mặc các loại/năm. Vào đầu năm 2016, Vinatex tiếp tục khởi công xây dựng Nhà máy May Vinatex Kiên Giang, với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng. Cùng đó Tập đoàn Thái Bình - TBS Group (Bình Dương) cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy Giày TBS Kiên Giang, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng.

Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), môi trường kinh doanh của vùng ĐBSCL đã được cải thiện từ năm 2012 và giữ ổn định cho đến nay. Hằng năm, trung bình có 2 -3 tỉnh trong vùng nằm trong top 5, có từ 5-6 tỉnh nằm trong top 10 của cả nước. Trong đó tỉnh Đồng Tháp năm 2012 đứng hạng nhất PCI và 2 năm liền (2014, 2015) đứng xếp hạng thứ 2. Cơ cấu kinh tế lao động trong nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhanh, xuất hiện một số ngành mới như IT, điện gió, một số ngành đang có tốc độ mức đầu tư nhanh như may mặc. Bên cạnh đó, trong vùng có thêm nhiều cơ sở giáo dục đào tạo, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, Vườm ươm Công nghiệp Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc tại TP Cần Thơ đi vào hoạt động năm 2015 sẽ là bước đệm để cho vùng ĐBSCL phát triển mạnh về công nghiệp trong tương lai. Cùng đó, ngành nông nghiệp của vùng hướng tới năng suất, chất lượng cho thị trường trong nước và cho xuất khẩu. Những ngành công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ, cơ khí nông nghiệp, chuỗi cung ứng, dịch vụ nông nghiệp… ngày càng phát triển. Hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không của vùng được tập trung cải thiện và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi giao thương của vùng với các tỉnh thành và quốc tế.

Nhận định về triển vọng kinh tế của vùng ĐBSCL, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: "Kinh tế vùng tăng trưởng tốt nhờ vào cơ sở hạ tầng giao thông, điện được cải thiện nhanh chóng, môi trường kinh doanh năng động, an ninh và an toàn cho các nhà đầu tư; cùng đó chi phí lao động thấp, nguồn lương thực và thực phẩm dồi dào, nền tảng nông nghiệp và cho phép phát triển những ngành từ nông nghiệp, những ngành sử dụng nhiều lao động và đặc biệt không gian dành cho FDI còn rất lớn. Tuy nhiên, vùng vẫn còn những khó khăn thách thức, đó là cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, quy trình xem xét, chấp thuận dự án chưa rõ ràng, có thể kéo dài; ngành logistics còn yếu kém…".

Để vùng ĐBSCL thích ứng với hội nhập

Năm 2016 được xem là năm bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào nhiều hiệp định quốc tế quan trọng, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Vietnam –EU FTA). Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi thị trường xuất khẩu được mở rộng và phát triển theo hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Song bên cạnh đó các doanh nghiệp và hàng hóa trong nước, nhất là ngành kinh tế chủ lực, như: nông nghiệp, thủy sản sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn với các nước trong khu vực và các quốc gia phát triển trên thế giới. Theo VCCI Cần Thơ, để "vùng trũng" ĐBSCL phát triển tốt trong xu hướng hội nhập, các tỉnh, thành của vùng cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đó là giảm lao động trong nông nghiệp, mở thêm ngành sản xuất, kinh doanh mới để thu hút đầu tư trong nước và từ nước ngoài. Cùng đó, tạo môi trường khởi nghiệp, khuyến khích khởi động, ươm tạo doanh nghiệp…

TPP hiện được coi là "hiệp định của thế kỷ XXI", hướng tới một sân chơi mới nhằm tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế nên tiêu chuẩn và mục tiêu đặt ra rất cao. TPP sẽ tạo điều kiện cân bằng lại quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn sẽ tạo đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt của các tập đoàn đa quốc gia.

Hiệp định thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) cũng được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư với các dự án chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam. Bà Mariam Garcia Ferrer, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban thương mại và kinh tế Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng: "Mục đích của EVFTA là nhằm bảo đảm sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp châu Âu và doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm đảm bảo chuẩn Việt Nam sát chuẩn quốc tế để làm sao hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu thỏa mãn yêu cầu của thị trường, ngược lại hàng hóa xuất từ châu Âu sang Việt Nam không bị những rào cản của những qui định nội địa của Việt Nam. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại giữa khu vực ASEAN và EU, do vậy EVFTA sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt, bởi tại châu Âu sự bảo hộ hàng hóa cao nên khi EVFTA được ký kết thì việc bảo hộ hàng hóa sẽ giảm xuống".

AEC với việc tự do hóa dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhiều hơn ở các nước khác trong khu vực ASEAN… Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thời cơ mở rộng thị trường. Mặt khác, AEC tạo lập một khu vực thị trường và sản xuất thống nhất, dẫn đến kinh tế của nhiều nước trở nên phồn vinh hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa từ các nước khác trên thị trường ASEAN do AEC hình thành. Thuận lợi hóa thương mại trong AEC cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với các sản phẩm, ngành hay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngay tại thị trường Việt Nam.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nhận định: Những khó khăn, thách thức khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do đôi khi cũng là động lực để cho doanh nghiệp Việt phát triển. Để tạo sức mạnh cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao. Đối với ĐBSCL, lợi thế của ĐBSCL là nông nghiệp và các sản phẩm nông sản, trong khi đó năng lực cạnh tranh của vùng kém, còn thiếu những tập đoàn lớn đủ sức để tạo thành những chuỗi sản phẩm mang lại giá trị cao. Do vậy, vùng cần phải tính toán ra sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương, cho vùng. Vào sân chơi quốc tế bên cạnh vấn đề thuế quan, thách thức lớn nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi đó rào cản kỹ thuật gắn với việc phát triển công nghệ cao. Do đó, cần phải phát triển công nghệ, giám sát chặt chất lượng sản phẩm. Việc này không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà cần phải kiên trì và phải nhận sự "đồng lòng" của nhiều phía như: nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng, chính sách…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết