12/01/2019 - 11:16

Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn năm 2019

Chủ động triển khai các phương án ứng phó  

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT): tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp với những thảm họa động đất và siêu bão diễn ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh và phát triển bền vững của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, hằng năm, thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP, làm hàng trăm người chết và mất tích. Riêng năm 2018, cả nước xuất hiện nhiều trận mưa lịch sử gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ĐBSCL… Trong năm, thiên tai đã làm 218 người chết và mất tích, gây thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng…

Điểm sạt lở tại phường Thới An, quận Ô Môn sẽ được xây dựng bờ kè vững chắc trong năm 2019 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương.

THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Năm 2018, các đợt mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng trên cả nước. Trong đó, khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhưng cũng là vùng đất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và BĐKH, nước biển dâng, đặc biệt chịu tác động có liên quan đến việc khai thác tài nguyên nước của sông Mekong...”.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, qua các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu, chỉ đạo các địa phương ứng phó nhanh, hiệu quả công tác PCTT. Đặc biệt, đơn vị đã kịp thời tổng hợp tình hình thiên tai và trình Chính phủ hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.135 tỉ đồng cho các địa phương bị thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở, bão; hỗ trợ 6.800 tỉ đồng cho các địa phương khắc phục hư hại các công trình đê điều, hồ chứa, sạt lở tại khu vực ĐBSCL (với 2.500 tỉ đồng và 36 triệu USD). Đồng thời, Chính phủ cũng triển khai 12 dự án phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trên cả nước, với tổng kinh phí thực hiện hàng ngàn tỉ đồng. GS.TS Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cho biết: “Trong năm, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho các địa phương thuộc ĐBSCL thực hiện 29 dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngoài ra trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hỗ trợ 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL xử lý các điểm sạt lở cấp bách, sớm ổn định cuộc sống người dân…”.

Ngoài ra,  Bộ NN&PTNT xây dựng, nâng cấp hoàn thành 1.581m đê sông, 422km bờ kè, đặt 625 cống tiêu thoát nước, với kinh phí 26.219 tỉ đồng; nâng cấp 1.331km đê biển, 368,9km kè biển, 1.124 cống qua đê và trồng 934ha cây chắn sóng, với kinh phí 21.386 tỉ đồng… Qua đó góp phần giảm thiểu tác hại do sạt lở gây ra.

Ở TP Cần Thơ, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 24 đợt lốc xoáy, làm chết 1 người, sập 46 căn nhà, tốc mái 205 căn, xiêu vẹo 3 căn; xuất hiện 17 điểm sạt lở bờ sông, làm sụp đổ hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn nhà bị sạt một phần, với tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở gần 600m. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 36,9 tỉ đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã vận dụng phương châm 4 tại chỗ để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân, hỗ trợ thiệt hại trên 3,7 tỉ đồng từ Quỹ PCTT của thành phố.

TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ

Theo dự báo, năm 2019, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường. Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc thực hiện phương án phòng tránh từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, các địa phương thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, phải rà soát, củng cố phương tiện cứu hộ, cứu nạn, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương ngay từ đầu năm; đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình cấp quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt như chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, nâng cấp hồ chứa, dự án quan trắc dự báo sạt lở đất, công trình ngăn mặn, công trình hạn chế sạt lở, bảo vệ đê bao và sản xuất, mở rộng hệ thống cảnh báo sóng thần, siêu bão tại các tỉnh ven biển... Các địa phương xây dựng phương án PCTT phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng miền, trong đó lấy phòng, tránh là chính.

Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các địa phương khu vực ĐBSCL tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, hoàn thành Đề án cơ cấu lại nông nghiệp của vùng thích ứng với BĐKH; rà soát quy hoạch hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển, hệ thống rừng ngập mặn và có giải pháp bảo vệ, thích ứng… Dự kiến, năm 2019, Bộ sẽ triển khai xây dựng, củng cố 250km đê sông và 200km đê biển ở các địa phương xuất hiện sạt lở nghiêm trọng…

Để chủ động PCTT trong năm 2019, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP Cần Thơ cũng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn… để triển khai các biện pháp PCTT, ứng cứu kịp thời và có phương án đối phó với mọi tình huống bất trắc do bão lũ, khô hạn gây ra; thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch nhằm giảm thiểu thiệt hại. UBND các quận, huyện triển khai thực hiện cấp bách các công việc như: tổ chức kiểm tra thực địa, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp khắc phục, đề phòng; kiên quyết chỉ đạo, vận động và tổ chức di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng mặt bằng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch; có kế hoạch gia cố các đoạn bờ sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để không ngừng nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Ban Chỉ huy các cấp xây dựng phương án, nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2019 sát với tình hình thực tế địa phương, của đơn vị, trong đó có tính đến yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp để điều hành, xử lý kịp thời các tình huống xấu; đảm bảo công tác trực chỉ huy, báo cáo và kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó khi thiên tai xảy ra...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết