17/04/2014 - 20:05

Vụ lúa hè thu 2014

Chủ động phòng chống dịch hại, giảm chi phí sản xuất

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông xuân 2013-2014 và đã bắt tay làm vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ vụ hè thu 2014. Để vụ sản xuất lúa hè thu đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp thành phố tích cực khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng tránh các loại dịch hại lúa, giảm các chi phí nhằm giảm giá thành sản xuất…

Lúa hè thu sinh trưởng tốt

 Nông dân ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đang chăm sóc lúa hè thu 2014.

Vụ lúa hè thu 2014 TP Cần Thơ có kế hoạch xuống giống khoảng 80.000 ha lúa. Dự kiến lịch thời vụ xuống giống gồm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 28-3 đến ngày 5-4-2014 và đợt 2 từ ngày 27-4 đến ngày 2-5-2014. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế, từng địa phương xây dựng lịch thời vụ và tổ chức xuống giống tập trung đồng loạt, né rầy. Ngoài ra, trên những chân ruộng chủ động được nước, nông dân có thể xuống giống tập trung, đồng loạt, theo từng khu vực đê bao theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tránh xuống giống lẻ tẻ, manh mún, thời vụ kéo dài. Theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy thành trùng di trú, thực hiện tốt biện pháp dùng nước che chắn cây lúa giai đoạn dưới 20 ngày tuổi, hạn chế khả năng đẻ trứng và truyền bệnh của rầy nâu. Ngành nông nghiệp thành phố cũng yêu cầu các địa phương chú ý đến phản ứng của các giống lúa đối với các đối tượng rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá để có khuyến cáo chỉ đạo phù hợp. Mỗi vùng nên bố trí 4-5 giống chủ lực. Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa đặc sản, chất lượng cao cho vụ hè thu 2014 như: OM 2517, OM 4900, OM 4218, OM 5451 và Jasmine 85, đồng thời hạn chế gieo trồng giống IR50404. Mặt khác, các giống lúa đặc sản, chất lượng cao đã được quy hoạch thành vùng sản xuất, cần được chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chăm sóc riêng để quản lý dịch hại, bảo vệ năng suất, sản lượng và an toàn cho sản xuất các vụ sau.

Theo Sở NN& PTNT TP Cần Thơ, đến ngày 8-4, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống được hơn 61.000 ha. Nhìn chung, các trà lúa hè thu sớm đang sinh trưởng khá tốt, giúp nông dân phần nào nhẹ bớt công chăm sóc. Một số loại dịch hại có xuất hiện nhưng với mật số thấp, trong tầm kiểm soát. Ông Quang Thành Đô ở khu vực Thới Long, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ hè thu, 2 công lúa 20 ngày tuổi của tôi đang phát triển khá tốt, dù mới bón phân 1 đợt. Sâu rầy có xuất hiện nhưng không đáng kể”.

Những năm qua, cùng với tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của ngành chức năng, nông dân trồng lúa tại TP Cần Thơ rất quan tâm thực hiện tốt việc cách ly thời vụ, làm vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt các mầm sâu bệnh và thuận tiện quản lý nước, chăm sóc lúa. Bên cạnh đó, nông dân cũng quan tâm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như áp dụng các quy trình kỹ tthuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… nhằm giảm các chi phí sản xuất đầu vào. Ông Phạm Văn Diêm ở ấp Phụng Phụng, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Vụ lúa hè thu này, gia đình ông chọn giống lúa 0M 4218. Cũng như ông, đa số nông dân đều chọn gieo sạ các giống lúa chất lượng cao do tình hình tiêu thụ lúa thời gian qua có những bất ổn. Nhất là vụ hè thu trước lúa IR50504 bị doanh nghiệp chê phẩm chất gạo kém, nông dân khó tiêu thụ. Bà Nguyễn Châu Linh ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhờ chọn mua lúa giống đạt chất lượng và làm vệ sinh đồng ruộng tốt nên ruộng lúa của tôi lên rất đều. Tôi ít tốn công giặm lúa trong vụ hè thu này…”.

Chủ động phòng tránh dịch hại

Do nhiều loại sâu bệnh, dịch hại trên lúa và thời tiết diễn biến khá phức tạp nên nông dân trồng lúa khá lo lắng nhiều rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt, rầy nâu và một số loại sâu bệnh (như: sâu cuốn lá, muỗi hành, bệnh đạo ôn…) rất dễ có nguy cơ bùng phát trong vụ hè thu này. Ông Nguyễn Văn Hưng ở ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Bên cạnh các loại sâu bệnh cũ, sự xuất hiện ngày càng phổ biến của muỗi hành, gây hại làm cho cây lúa bị lụn và se đọt, không trổ được. Những cây lúa con tẻ ra từ cây mẹ bị nhiễm muỗi hành cũng trổ bông không đẹp và bị suy giảm năng suất nghiêm trọng. Để phòng tránh đối tượng dịch hại này, nông dân đang rất cần sự hỗ trợ về thông tin và các biện pháp kỹ thuật từ các ngành chức năng…”.

Thống kê của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, hiện có khoảng 2.000 ha lúa hè thu 2014 trên địa bàn có xuất hiện rầy nâu, nhưng mật độ nhẹ đến trung bình. Sâu cuốn lá với mật số thấp cũng xuất hiện trên hơn 10 ha và chuột cắn phá nhẹ hơn 11 ha… Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Trong giai đoạn đầu, lúa có khả năng phục hồi rất tốt. Vì vậy, với mật số xuất hiện và gây hại thấp của rầy nâu, sâu cuốn lá…nông dân cần tiếp tục theo dõi, không nên vội phun thuốc, nhằm bảo vệ thiên địch, hạn chế bộc phát sâu rầy trong giai đoạn sau. Trong trường hợp cần thiết, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải đúng cách và trong danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học (như nấm xanh) để phòng trừ gây nâu, sử dụng các loại thuốc sinh học và biện pháp đánh bắt chuột an toàn, không nên sử dụng thuốc hóa học và dùng điện”. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, để hạn chế khả năng bộc phát muỗi hành gây hại lúa, cần nâng cao sức đề kháng của cây lúa thông qua việc đảm bảo nước tưới, bón phân cân đối và bảo vệ tốt các loài thiên địch trong giai đoạn phát triển đầu của cây lúa. Bởi nếu không chủ động phòng tránh từ trước để lúa bị bệnh mới tăng cường bón phân xịt thuốc dễ gây tốn kém, lúa lại khó phục hồi. Các địa phương cần khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc để xử lý giống và phun xịt thuốc cho lúa trong giai đoạn đầu. Chú ý tăng cường bón kali cho lúa trong đợt 1 (ở giai đoạn lúa 7-10 ngày tuổi) để tăng cường sức chống chịu của cây lúa.

Để giúp nông dân giảm chi phí sử dụng phân thuốc trong vụ hè thu 2014, ngành nông nghiệp thành phố lưu ý nông dân cần tiết kiệm, không bón phân xịt thuốc theo kiểu trừ hao để phòng ngừa sâu bệnh. Bón phân cho lúa vụ hè thu cần lưu ý cho nước vào ruộng lúa ở mức vừa phải để lúa hấp thu tốt và hạn chế phân bón bốc hơi. Cần dựa vào bảng so màu lá lúa để bón phân một cách hợp lý, tránh bón thừa phân đạm, vừa lãng phí, vừa dễ gây phát sinh nhiều loại sâu bệnh cho lúa.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết