01/03/2016 - 20:28

Chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, dù tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2015 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng nhiều dự án FDI đã xin điều chỉnh tăng vốn. Năm qua, thành phố không phát sinh trường hợp thu hồi dự án đầu tư nước ngoài. DN FDI đã nhận định tích cực hơn về xu hướng phát triển năm 2016, nhiều đoàn đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư… đây là tín hiệu lạc quan về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.

Khó mời gọi dự án FDI

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố hiện có 68 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 20.087 tỉ đồng, chiếm 24% tổng vốn đầu tư trên địa bàn, chủ yếu các dự án đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á, như: Hàn Quốc chiếm 7,8%; Singapore 7,3%, HongKong 4,6%, Thái Lan 4,3%, Đài Loan 1,9%...; các dòng vốn đến từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến (như: Hoa Kỳ, Đức, Pháp) rất thấp, chiếm dưới mức 5%. Nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ, công nghệ vẫn còn lạc hậu so với thế giới; sự kết nối giữa các DN trong nước với các DN vốn FDI trên địa bàn không nhiều, nên các hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra rất chậm và không rõ nét.

Thời gian qua, thu hút đầu tư vào thành phố gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn FDI vào thành phố chủ yếu là vốn từ khu vực châu Á nên chưa đủ sức làm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia mạng sản xuất toàn cầu của DN. Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, qua nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu đánh giá thực trạng thu hút đầu tư FDI vào TP Cần Thơ" có hai nguyên nhân chính tác động đến kết quả thu hút FDI, đó là: cơ sở hạ tầng yếu kém và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra còn một số nguyên nhân như: môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn và không thông thoáng, yếu tố đất đai cạnh tranh với các tỉnh gần kề, hệ thống dịch vụ, thương mại dịch vụ còn hạn chế, chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư không rõ ràng… Lãnh đạo một số sở, ngành thành phố cũng cho rằng, trên thực tế khi tiếp các nhà đầu tư nước ngoài đến Cần Thơ, họ đặt nhiều câu hỏi mà chúng ta không giải thích được, nhiều dự án mời gọi còn trên giấy. Đơn cử như mời gọi nhà đầu tư Nhật đầu tư dự án thương mại, họ hỏi về sức mua của thị trường, tiêu chí nào để ra con số vốn đầu tư cho dự án… thì đơn vị xúc tiến không trả lời được!

 Suất đầu tư một số Khu công nghiệp của TP Cần Thơ ở mức cao dẫn đến giá đất cho thuê cao. Ảnh: MINH HUYỀN

Hiện nay, quỹ đất sạch, đặc biệt là quỹ đất công nghiệp không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Thành phố có 8 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích 2.267ha, đã cho thuê 567,2ha (chiếm gần 40% diện tích đất công nghiệp); trong tổng số 220 dự án đầu tư vào KCN, số dự án FDI chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10% số dự án và vốn đăng ký đầu tư toàn thành phố (21 dự án, vốn đăng ký hơn 198,3 triệu USD; ngoài ra còn có 1 dự án ODA, vốn đầu tư 21,13 triệu USD- dự án hợp tác hai chính phủ Việt Nam- Hàn Quốc). Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX& CN Cần Thơ), giai đoạn 2011-2015 do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư vào các KCN giảm sút trầm trọng. Từ năm 2011 đến nay, chỉ thu hút 6 dự án FDI, vốn đăng ký 9,26 triệu USD). Các KCN hiện nay đa số nằm cặp sông Hậu, nằm gần khu đô thị nên giá đất phi nông nghiệp xen kẽ đất khu dân cư khá cao; đồng thời chi phí đầu tư hạ tầng KCN cao hơn chi phí đầu tư hạ tầng khu đô thị. Các DN kinh doanh hạ tầng KCN do không đủ năng lực tài chính, mua đất của người dân không liền thửa nên không giải phóng mặt bằng và đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, không có đất sạch sẵn cho nhà đầu tư thứ cấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.

Đổi mới chiến lược thu hút đầu tư

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, ngoài thiếu đất sạch, công tác thu hút dự án FDI những năm qua còn chạy theo lượng vốn đăng ký, chưa chú trọng đến nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn đầu tư. Công tác thẩm tra năng lực, sàng lọc dự án; sự phối hợp của các sở, ngành chức năng trong công tác quản lý nhà nước về FDI còn chưa chặt chẽ; công tác hậu kiểm dự án chưa được tiến hành thường xuyên. Thực tế một số nhà đầu tư FDI không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo trễ so với quy định; đối với trường hợp một DN FDI thực hiện nhiều dự án ở các tỉnh các khác nhau, hoạch toán phụ thuộc, các doanh thu cũng như một số sản phẩm sản xuất được chuyển về công ty mẹ, vì vậy, bộ phận quản lý dự án gặp khó khăn trong việc tách các số liệu về nộp ngân sách, số liệu xuất, nhập khẩu để báo cáo. DN FDI có thể quản lý nhiều dự án, dẫn đến việc báo cáo doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu, số lao động và nộp ngân sách có thể bị trùng lắp,… cũng gây khó khăn cho công tác hậu kiểm đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho rằng: "Đất sạch, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cơ hội thị trường là những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư FDI. Chúng ta cần làm rõ vấn đề này để xác định chiến lược đúng. Thực tế khác, khi tiếp xúc với các tập đoàn FDI lớn để mời gọi đầu tư vào ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ thì họ rất lo ngại về viễn cảnh tương lai của vùng trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Có thể thấy, biến đổi khí hậu đang là mối lo ngại cho nhà đầu tư FDI, họ rất đắn đo và tìm hiểu rất kỹ thông tin này khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư". Năm 2015, thành phố cấp mới 7 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 19,1 triệu USD (trong đó, có 2 dự án trong KCN, 5 dự án ngoài KCN. Dự kiến trong năm 2016, thành phố sẽ cấp mới 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư khoảng 70 triệu USD. Do đó, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, cho họ thấy được tiềm năng phát triển và lợi nhuận khi đầu tư vào Cần Thơ- thành phố trung tâm động lực vùng ĐBSCL là điều không dễ dàng. Rõ ràng công tác xúc tiến theo kiểu "đi theo đoàn, giới thiệu khái quát dự án, vốn đầu tư" đã không còn phù hợp, nhiều ý kiến hiến kế cho thành phố cần thay đổi phương thức xúc tiến, chú trọng xúc tiến tại chỗ và nâng tầm nhiệm vụ của các cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này; đặc biệt là phải có đội ngũ chuyên nghiệp.

Ngoài việc chuẩn bị chi tiết dự án, chứng minh hiệu quả dự án, sức lan tỏa của dự án thì quỹ đất sạch là khâu quan trọng. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ, kiến nghị: "Để thu hút đầu tư, phát triển KCN một cách hiệu quả, thành phố cần ban hành chính sách ưu đãi đầu tư và xin cơ chế đặc thù từ Trung ương. Chẳng hạn, kiến nghị Trung ương cho áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho DN trong KCN như các địa phương lân cận Cần Thơ, ưu đãi lãi suất vay cho DN thuộc nhóm ngành: chế biến nông sản, thủy sản, dệt may, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, sản phẩm công nghệ mới, cơ khí chế tạo…". Theo ông Võ Thanh Hùng, UBND thành phố cần hỗ trợ 3 đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN có vốn nhà nước (Trung tâm Xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt, Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ, Quỹ đầu tư phát triển thành phố) để giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng KCN. Hiện nay, các DN kinh doanh hạ tầng khó khăn về tài chính, không có mặt bằng sẵn mà đợi nhà đầu tư đến thống nhất giá thuê đất rồi mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, giá thuê đất cho nhà đầu tư thứ cấp khá cao (110USD/m2) thì khó mà mời gọi DN. Việc hỗ trợ này nhằm điều tiết giá cho thuê lại đất và chủ động đất sạch. Như vậy, thành phố cũng chủ động và kêu gọi, lựa chọn ngành nào cần phát triển để thu hút nhà đầu tư.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết