02/10/2014 - 21:11

Chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2014 tăng xấp xỉ 7% so với cuối năm 2013. Trả lời đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn mới đây tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, mức tăng trưởng này dù chậm nhưng phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực; trong đó tín dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên tăng khá cao. Cụ thể, đến cuối tháng 8-2014, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 6,1%, xuất khẩu tăng 4,37%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 12,73%, công nghiệp hỗ trợ tăng 6,12%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 2,57% so với cuối năm 2013; tín dụng bất động sản có xu hướng phục hồi với mức tăng 9,85%. NHNN đã kịp thời đưa ra các chương trình tín dụng chính sách để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ sản xuất, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đến cuối tháng 8-2014, dư nợ tín dụng lĩnh vực lúa gạo tăng 18,9%, lĩnh vực thủy sản tăng 3,46%, cho vay chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp tăng 7,2% so với cuối năm 2013; dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách ước đạt 125.881 tỉ đồng, tăng 3,4% so với với năm 2013. Đây là nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng (TCTD) và NHNN.

Chương trình kết nối tín dụng ngân hàng- doanh nghiệp góp phần tích cực trong
thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ảnh: THU HÀ

Báo cáo trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc NHNN cũng cho rằng, trong giai đoạn kinh tế phát triển, cầu tín dụng tăng cao thì tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) cũng ở mức cao và nguồn vốn của NHTM được cân đối chủ yếu vào hoạt động cấp tín dụng, một phần được cân đối để dự trữ thanh khoản. Thực tế trong thời gian qua, khả năng mở rộng tín dụng bị hạn chế do tổng cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, trong khi NHTM phải duy trì hoạt động huy động vốn từ các tổ chức, dân cư và phải trả lãi cho các khoản tiền gửi này. Vì vậy, để cơ cấu tài sản có phù hợp với điều kiện tín dụng chưa tăng cao, NHTM sử dụng một phần để mua trái phiếu Chính phủ, đây là biện pháp dự trữ đệm để các NHTM có thể vay vốn từ NHNN khi thiếu thanh khoản. Đến cuối tháng 8-2014, đầu tư, kinh doanh trái phiếu Chính phủ của các TCTD tăng 21,56% so với cuối năm 2013. Còn đối với thị trường vàng, NHNN đã chống "vàng hóa" trong nền kinh tế một cách quyết liệt. Mặc dù từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới biến động liên tục, nhưng thị trường trong nước tương đối ổn định, NHNN không tổ chức đấu thầu vàng miếng. Thị trường vàng ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước (đến nay, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 35 tỉ USD) và ổn định kinh tế vĩ mô.

Có thể nói, từ đầu năm 2014 đến nay, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng và diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ, từ đầu năm đến nay, NHNN đã triển khai đồng loạt và đồng bộ nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định nỗ lực của NHNN và hệ thống ngân hàng được quốc tế ghi nhận, tháng 7 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức B2 lên B1. Bên cạnh đó, Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện đúng lộ trình, NHNN đang hoàn thiện kế hoạch để trình Chính phủ thông qua giai đoạn 2 của đề án. Trong số 9 NHTM yếu kém được đưa vào diện tái cơ cấu, đến nay NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại của 8 ngân hàng, các ngân hàng này khi thực hiện cơ cấu lại đều có tổng tài sản tăng, huy động vốn và dư nợ cho vay cũng tăng. Hệ thống các TCTD được đảm bảo an toàn và trong tầm kiểm soát của NHNN, nguy cơ đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi.

Trong phiên chất vấn vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Thống đốc khá lạc quan khi báo cáo về tăng trưởng tín dụng, kiềm chế lạm phát, xử lý nợ xấu. Bởi thực tế, doanh nghiệp và người dân vẫn khó tiếp cận tín dụng, cầu tín dụng vẫn thấp, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, dù cầu tín dụng đang thấp nhưng nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã khỏe lên khi được TCTD cơ cấu nợ; nợ xấu dù xử lý chậm nhưng các TCTD tín dụng vẫn đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro trong sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Đến nay, trong xử lý nợ xấu, NHNN không sử dụng đồng ngân sách nào để làm việc này. Thời gian tới, NHNN vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; trình Chính phủ xem xét đưa ra luật cho VAMC hoạt động hiệu quả hơn. Nền kinh tế đang khỏe lên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả thì mục tiêu tăng tín dụng 12-14% trong năm 2014 hoàn toàn có cơ sở đạt được.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết