06/10/2012 - 20:52

Chia sẻ và trách nhiệm để giải quyết bài toán vốn tín dụng

Nợ xấu trong ngân hàng (NH) vẫn là "cục máu đông", tồn kho của doanh nghiệp (DN) chưa có lối thoát hiệu quả. Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn về vốn và hàng tồn kho cho DN? Giải quyết bài toán này, các ngành chức năng, NH và DN cần có tiếng nói chung, chia sẻ và trách nhiệm để cùng tháo gỡ, góp phần phát triển kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng vẫn dè dặt

  Khách hàng đến giao dịch tại Eximbank, chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và các giải pháp tiền tệ (khống chế trần lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn…) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phần nào gỡ khó về khâu vốn cho DN, người dân. Tuy nhiên, các DN cho rằng, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, nhưng nếu muốn tiếp cận được vốn lãi suất thấp này không phải DN nào cũng có thể; vốn ưu đãi chủ yếu có DN vừa và lớn là tiếp cận được.

Ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) nói: "DN nhỏ và siêu nhỏ gần như không tiếp cận được vốn lãi suất thấp. Từ đầu năm 2012 đến nay, doanh thu của DN giảm, lợi nhuận giảm, tồn kho tăng… nhiều DN đang cần vốn để xoay vòng, nhưng khi đi đến ngân hàng thì không làm được thủ tục do vướng các tiêu chí, cơ chế cho vay. NH đòi hỏi DN phải lành mạnh tài chính, có tài sản thế chấp, hoặc phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm thì mới cho vay, nhưng hạn mức cũng không như trước". Theo ông Hùng, hiện nhiều DN vừa và nhỏ đang phải trả lãi suất NH ở mức cao (mức 15%/năm chưa được hưởng nhiều) và từ giữa năm 2011 đến nay, NH chỉ giải ngân cho DN vay khoảng 50-60% trên tổng giá trị tài sản mà DN đem thế chấp (trước đây là 70% và cộng thêm tín chấp- uy tín của DN). Thêm vào đó, hiện nhu cầu vay vốn ngắn hạn của DN không nhiều, chủ yếu là vốn trung, dài hạn, nhưng đi "gõ cửa" NH thì được trả lời là hết chỉ tiêu...

Theo ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), rất nhiều DN ra đời còn non trẻ, nên hoạt động chủ yếu dựa vào vốn NH. Tuy nhiên, vốn của DN cũng bị hao hụt do lạm phát (đồng tiền mất giá), giá thành sản xuất tăng và chi phí khác… Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm, nhưng thực tế DN vẫn vay với mức cao hơn, vì NH trả lời là quy định, nhưng tùy vào "sức khỏe" của NH. Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều chuyên gia, nhà quản lý khuyên DN bình tĩnh và không nên bán tháo hàng tồn kho. Nhưng tại sao các DN phải bán tháo hàng tồn kho, do không còn điều kiện để trả NH, chấp nhận bán hàng dưới giá thành để trả nợ, bởi DN không có khả năng trữ lại để cho NH xem xét gia hạn, cơ cấu lại nợ, vì sản xuất không thể đình trệ mà phải quay theo vòng quay thị trường, rồi còn trả lương công nhân, các khoản chi phí bất biến khác. Thời gian gần đây, nhiều NH công bố các gói vay lãi suất thấp, ưu đãi hỗ trợ cho DN, nhưng khi DN lo đủ hồ sơ thì ngân hàng trả lời đã hết.

Thống kê của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, trong 9 tháng đầu năm dư nợ cho vay của nền kinh tế ước đạt 40.500 tỉ đồng, giảm 0,53% so đầu năm 2012 và tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2011. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: "Dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm giảm 2% so đầu năm, tháng 8-2012 tiếp tục giảm thêm 2% nữa, nhưng đến tháng 9 đã tăng trở lại và tính chung chỉ giảm 0,53% so với đầu năm; cho vay các lĩnh vực ưu tiên tăng". Theo ông Ngọc, lãi suất cho vay đã được tháo gỡ tích cực, đến cuối tháng 8-2012, dư nợ lãi suất cho vay từ 15%/năm trở lên toàn địa bàn còn 35,4%; riêng khối ngân hàng thương mại nhà nước thì dư nợ cho vay lãi suất trên 15%/năm hiện ở mức chưa tới 6,2% trong tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, sang năm 2012 nợ xấu tăng so với 2011, nợ xấu đang ngấp nghé ở mức 4% trong tổng dư nợ cho vay đã thể hiện sự khó khăn của các NH. Năm 2011, nợ xấu của NH chỉ 1,9% trong tổng dư nợ cho vay. Lẽ đó, các NH rất cẩn trọng trong việc xét duyệt các hồ sơ vay vốn.

Tháo gỡ "nút thắt" về vốn

Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có nhiều cuộc đối thoại giữa DN và NH, cùng chính quyền địa phương, nhưng vấn đề vốn vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, vấn đề hiện nay là "nút thắt" giữa NH và DN vẫn chưa được gỡ. DN bất động sản chủ yếu hoạt động dựa vào vốn NH, trong tình hình hiện nay, hàng tồn kho của bất động sản lớn, rủi ro cao, nên NH cũng ngại cho DN vay. Giám đốc một DN nhỏ sản xuất trong ngành sắt, thép tại TP Cần Thơ bức xúc: "Các gói hỗ trợ NH công bố rất nhiều, nhưng tài sản của DN đã thế chấp hết rồi thì lấy đâu tài sản thế chấp nữa để vay vốn mới với lãi suất thấp. Muốn bán được hàng, nhiều DN phải chấp nhận bán chịu cho khách hàng, hoặc trả gối đầu và đôi khi khách hàng trễ hạn trả cũng phải chịu. Còn DN đi vay NH quá hạn 30 ngày là bị phạt lãi suất 150%, điều này NH có thể "vu vi" cho DN như DN đã vu vi cho khách hàng của mình không?".

Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN cơ khí Sông Hậu đặt vấn đề: Các NH cũng cần đầu ra, nhưng nếu siết quá chặt thì DN không tiếp cận được vốn. Ngân hàng có thể kéo giảm lãi suất thêm nữa không để chia sẻ với DN giảm bớt gánh nặng. Bởi DN muốn vay vốn cũng đã cân nhắc đầu ra hài hòa và đảm bảo cơ sở vững chắc để trả nợ, sản xuất cái bán được chứ không thể sản xuất cái bỏ kho. Thời điểm khó khăn này, "thắt lưng buộc bụng" DN cũng phải sản xuất để tạo việc làm cho công nhân, giải quyết an sinh. Chia sẻ vấn đề này, bà Trần Thị Thu, Giám đốc Saigonbank Chi nhánh TP Cần Thơ cho rằng, đề nghị của DN về việc không áp dụng phạt lãi suất 150% đối với nợ quá hạn mà DN chưa trả được trong thời gian 30 ngày, các NHTM trong thời điểm nhất định cũng có thể áp dụng cho DN. Các DN phải chứng minh thiện chí và cần đảm bảo uy tín đối với NH khi vay vốn.

Tại buổi tọa đàm "Giải pháp vốn cho DN trong các tháng cuối năm 2012" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức mới đây, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký VNBA, cho biết: "Tính đến 15-8, lãi suất cho vay từ 15%/năm trở lên của hệ thống NH cả nước chiếm khoảng 24% tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, TP Cần Thơ trên 35% trong tổng dư nợ thì cũng cần xem lại để chia sẻ thêm với các DN. Các NH cần đánh giá lại các khoản nợ của DN để tạo điều kiện cho DN hấp thụ vốn, hoặc mua lại nợ cho DN. Để giải quyết vốn cho DN cần xem xét trên cung- cầu vốn: làm sao để ngân hàng và DN gặp nhau (giải quyết cơ chế chính sách, đất đai, những vấn đề liên quan đến sự chủ động của DN và ngân hàng để hiểu nhau cùng nhau chia sẻ khó khăn). DN phải xác định được "ngưỡng" vay vốn của mình, xác định thị trường tiềm năng, ưu tiên giải quyết hàng tồn kho; liên kết lại với nhau. DN cũng cần chứng minh minh bạch tài chính của mình để NH yên tâm khi giải ngân. NH cần phải có đức, tâm, tầm, tài để không phát sinh những tiêu cực trong hệ thống NH và cùng chia sẻ với DN trong giai đoạn khó này.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết