01/03/2011 - 20:42

Cần trợ lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hoạt động gia công các sản phẩm cơ khí tại DNTN Cơ khí Sông Hậu. Ảnh: MINH HUYỀN 

Lạm phát, lãi suất tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 của phần lớn các doanh nghiệp (DN). Trong đó DN vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề nhất, do năng lực tài chính hạn chế, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng rất khó khăn.

* DN “khát” vốn

Theo Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), những tháng qua lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đang áp dụng ở mức khá cao, khoảng 20%/năm. Mặc dù đang thiếu vốn, nhiều DN vừa và nhỏ cũng phải cân nhắc rất kỹ khi vay vốn, tránh tình trạng lợi nhuận không đủ bù lãi suất. Còn nếu DN không vay thì không đủ vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, CBA đứng ra làm cầu nối để các DN vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận được vốn tín dụng của những ngân hàng TMCP đang là thành viên của Hiệp hội. Thế nhưng, thực tế nhiều DN không đủ điều kiện để vay vốn.

Thêm vào đó, tác động của điều chỉnh tỉ giá USD/ VND tăng đã làm cho giá cả nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Vy Thông, chuyên sản xuất kinh doanh chỉ sợi, máy may bao công nghiệp ở đường Tầm Vu, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: “Từ trước Tết Nguyên đán năm 2011 cho đến nay, giá nguyên liệu đã nhiều lần tăng. Chúng tôi định tranh thủ nhập nguyên liệu trước khi giá tăng cao, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đầu năm 2011, do sau Tết Nguyên đán việc mua nguyên liệu rất khó. Tuy nhiên, Công ty có một số hợp đồng phải giao hàng cận Tết nên chưa kịp thanh toán, cùng với các khoản chi phí khác tăng cao, làm cho nhu cầu vốn của công ty tăng lên gấp 3 lần so với trước đó. Trong khi chúng tôi chỉ có thể vay ngân hàng được 20% nhu cầu vốn, vì không xoay xở kịp, đành phải bỏ mất cơ hội”...

Ngoài ra, do ảnh hưởng của lạm phát, giá điện và giá xăng dầu tăng làm cho các chi phí đầu vào của DN tăng lên đáng kể. Trong khi đó, giá thành nhiều sản phẩm chưa kịp điều chỉnh tăng tương ứng, lợi nhuận của DN giảm. “Cũng như nhiều DN khác, để đảm bảo đời sống cho công nhân, DN đã phải tăng mức lương cho công nhân lên từ 25-50%/tháng so với năm 2010, từ mức lương tối thiểu 2 triệu
đồng/tháng đã được tăng lên 2,5 -3 triệu đồng/tháng. Đa số máy móc, công nghệ sản xuất của các DN vừa và nhỏ đã lạc hậu, không thể tăng năng suất để bù vào chi phí. Trong thời điểm này, DN càng khó có thể đầu tư cải tiến công nghệ. Đó là chưa kể nguồn lao động hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số DN vừa và nhỏ, DN còn phải mất thời gian và chi phí để đào tạo lại lao động mới có thể sử dụng được” - ông Lê Kháng, Giám đốc DNTN Lê Kháng nói.

Trên thực tế, DN vừa và nhỏ đã phải tìm nhiều cách xoay xở để duy trì sản xuất, bằng cách vay từ những người thân, bạn bè và thị trường ở bên ngoài. Một thành viên của CBA cho biết, từ trước đến nay nhiều DN cũng thường xuyên vay vốn ở thị trường bên ngoài. Nhưng do tác động của lạm phát, tỉ giá tăng, nên đa số chỉ cho vay bằng vàng, hay USD, nếu vay được VND thì lãi suất rất cao. DN không thể vay vàng, hay USD, bởi rủi ro rất cao. Điều này, khiến cho tình trạng khát vốn của các DN vừa và nhỏ càng trở nên trầm trọng hơn.

* Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Theo nhận định của nhiều DN, Với lãi suất 20%/năm mà các ngân hàng đang áp dụng thì khó có ngành hàng nào sản xuất, kinh doanh có lãi. Cho nên, để tồn tại được trong điều kiện hiện nay đòi hỏi các DN nhỏ và vừa phải tự nỗ lực rất nhiều. Ông Lê Kháng, Giám đốc DNTN Lê Kháng, cho biết thêm: “Kế hoạch năm 2011 này, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì sản xuất tương đương với năm 2010. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, bằng cách: Bán 10 chiếc máy đã cũ, lạc hậu để đổi lấy 1 máy mới, nhưng tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng ít lao động hơn. Hoặc thương lượng mua chịu thông qua người thân hay bạn bè ở nước ngoài, nhờ họ vay vốn ở nước sở tại để mua máy nhập về trong nước sử dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước nên xem xét giãn thu thuế TNDN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, công bố các khoản phí mà DN sẽ phải nộp, bỏ bớt các khoản phí không có trong danh mục công bố, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các DN”.

Tượng tự, Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Vy Thông, cho biết: Với mặt bằng lãi suất hiện nay chúng tôi chỉ dám vay khoảng 20% nhu cầu về vốn cho sản xuất. Ngoài vốn tự có, DN sẽ cố gắng xoay vòng vốn lưu động thật nhanh, tranh thủ sự tín nhiệm của các nhà cung cấp nguyên liệu để được mua nguyên liệu “gối đầu”. Tuy nhiên, không phải DN vừa và nhỏ nào cũng làm được. Cho nên, những DN có qui mô sản xuất càng nhỏ sẽ khó khăn hơn khi phải gánh cùng lúc lãi suất và tỉ giá.

Chia sẻ với những khó khăn của các DN nhỏ và vừa, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký CBA, cho biết: “CBA đã tiếp cận Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu GCF, giai đoạn 2011-2013 của Chính phủ Đan Mạch, tài trợ (không hoàn lại) có vốn đối ứng cho việc thực hiện các ý tưởng kinh doanh sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức ngoài quốc doanh thuộc các lĩnh vực mục tiêu của dự án như nông thủy sản, thủ công mỹ nghệ và du lịch. Theo kế hoạch, GCF được thực hiện tại 8 tỉnh thành, trong đó có TP Cần Thơ, với tổng nguồn vốn là 216 tỉ đồng. Hiệp hội cũng đã giới thiệu chương trình đến các doanh nghiệp thành viên đang kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc mục tiêu của dự án, trong đó 4 dự án khả thi của 4 công ty đang chờ xét duyệt. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các DN, ngoài các lớp đào tạo ban ngày chúng tôi sẽ tăng cường thêm những lớp ban đêm. Theo bà Thuận, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và hoàn tất công cuộc cải cách thủ tục hành chinh, tạo môi trường hoạt động được thuận lợi cho DN, để giảm bớt gánh nặng lo âu của DN.

Kim Ngọc

Hoạt động gia công các sản phẩm cơ khí tại DNTN Cơ khí Sông Hậu. Ảnh: MINH HUYỀN 

Chia sẻ bài viết