07/05/2010 - 22:15

Xuất khẩu gạo

Cần sự đồng lòng của doanh nghiệp

Thị trường xuất khẩu gạo đang trầm lắng, do nhiều nước nhập khẩu gạo trên thế giới tạm thời chưa có nhu cầu nhập hàng nhiều, cộng với việc lượng hàng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu làm giá gạo có xu hướng giảm. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan, Campuchia… đã giảm khá mạnh so với cách nay vài tháng. Để giá xuất khẩu gạo của nước ta không giảm thêm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo trong nước cần phải đồng lòng trong việc giữ giá và không bán gạo dưới mức giá sàn mà VFA đưa ra…

Áp lực tồn kho, giá gạo giảm

Đến cuối tháng 4-2010, các DN thành viên của VFA đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 3,9 triệu tấn gạo các loại và hiện đã xuất đi được gần 2 triệu tấn. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2010 giảm 13,85% về số lượng, nhưng giá trị FOB chỉ giảm 1,26%, trị giá CIF tăng 0,23%. Trong đó, các hợp đồng tập trung chiếm trên 60 % (tăng 2,3%) và hợp đồng thương mại trên 39% (giảm hơn 30% so với năm trước). Giá xuất khẩu bình quân đạt 466,95 USD/tấn, tăng 59,53 USD/tấn so với cùng kỳ 2009. Nhưng hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 20-25 USD/tấn so với tháng trước; gạo 5% tấm đang ở mức 350 USD/tấn. Theo VFA, giá xuất khẩu gạo giảm do nhiều nước nhập khẩu gạo trên thế giới tạm thời chưa có nhu cầu nhập hàng nhiều làm sức tiêu thụ chậm, trong khi đó nguồn cung gạo tại các nước xuất khẩu dồi dào, áp lực hàng tồn kho lớn, nên muốn bán ra để giải quyết khó khăn về vốn. Hiện giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm 30 USD/tấn so với tháng trước, xuống còn 445 USD/tấn (gạo 5% tấm).

Thu mua và chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Gạo Việt (thuộc Công ty cổ phần Gentraco) ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ.  

Tính đến cuối tháng 4-2010, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp (DN) thành viên VFA là gần 2 triệu tấn. Theo VFA, sau 1 thời gian trầm lắng, việc ký kết và giao hàng các hợp đồng thương mại có dấu hiệu khôi phục trở lại trong tháng 3 và tháng 4-2010. Hợp đồng thương mại tháng 3 tăng hơn 139% so với tháng 2 và tháng 4 tăng hơn 39,8% so với tháng 3-2010. Trong tháng 4-2010, các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 702.500 tấn, giảm 17% so với tháng 3 do không có hợp đồng tập trung, nhưng hợp đồng thương mại tăng 39,5%. Điều này cho thấy, xuất khẩu gạo của nước ta đang có những tín hiệu lạc quan. Hiện nay, thị trường cũng thể hiện một số yếu tố tích cực như: Iraq đang đấu thầu 120.000 tấn; Brazil mất mùa, thiếu gạo, có thể nhập 1,5 triệu tấn và tác động đến nhu cầu gạo từ châu Á; Trung Quốc bị hạn hán, có thể nhập một lượng lớn lương thực; Nam Mỹ hiện xuất khẩu gạo giá cao, không cạnh tranh được với các nguồn châu Á...

Theo dự kiến của VFA, số lượng hợp đồng còn lại giao trong quý II khoảng 2 triệu tấn. Tuy nhiên, thị trường gạo thế giới trong quý II-2010 vẫn còn xu hướng sụt giảm về giá và sức mua. Người mua thận trọng trong giao dịch mua bán để tránh rủi ro làm nhu cầu bị kiềm chế. Nguyên nhân là do vấn đề tài chính, nhất là đối với các thị trường chịu ảnh hưởng của đồng euro, là đồng tiền đang biến động, tác động đến nội tệ, làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng, hạn chế sức mua, tăng rủi ro đối với nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, hiện nhiều nước nhập khẩu gạo như: Senegal, Nigeria, Ivory Coast, Ghana... còn lượng hàng tồn kho nhiều nên cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu ở các nước này. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho dồi dào từ Thái Lan, Việt Nam và Pakistan, nếu nhu cầu không khôi phục, đặc biệt từ thị trường châu Phi, giá có thể sẽ tiếp tục giảm.

Cần sự đồng thuận của DN

Ngày 6-5-2010, tại TP Cần Thơ, VFA đã tổ chức sơ kết xuất khẩu gạo tháng 4 và kế hoạch xuất khẩu quý II-2010. Tại cuộc họp, nhiều DN đã đề xuất các giải pháp nhằm giữ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, cũng như giá thu mua lúa cho nông dân. Nhiều DN cho rằng, để giá gạo xuất khẩu không giảm thêm, các DN xuất khẩu gạo trong nước cần thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và VFA, nhất là việc xuất khẩu vào các thị trường tập trung. Không bán phá giá và bán gạo dưới mức giá sàn VFA đưa ra, hiện mức giá sàn VFA quy định đối với gạo 5% tấm là 350 USD/tấn.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, nhấn mạnh: “Không vì áp lực tồn kho mà chúng ta giảm giá xuất khẩu gạo xuống dưới 350 USD/tấn (gạo 5% tấm), vì giá gốc hiện đã ở mức này, nếu bán thấp hơn là chúng ta bán dưới giá thành. Các DN mà xuất khẩu gạo với giá rẻ, chắc chắn nông dân sẽ khó có cơ hội bán được lúa với giá cao. Phải kiên quyết giữ giá gạo và có các giải pháp nhằm để DN và nông dân không bị thiệt. Hiện nay, tình hình xuất khẩu gạo có nhiều khó khăn, nhưng nếu kiên quyết giữ giá, ta sẽ bán được, vì giá gạo Việt Nam đang thấp nhất thế giới, các nước nhập khẩu không mua gạo Việt Nam thì khó mua được ở đâu khác rẻ hơn”. Ông Lê Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Docimexco (ở tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, các DN trong nước cần phải đồng lòng trong việc giữ giá xuất khẩu gạo, không được bán gạo với giá thấp vào các thị trường tập trung như: Philippines, Malaysia... Nếu phát hiện DN vi phạm, cần nghiêm khắc xử lý để sự việc không tiếp diễn. Có như vậy, mới giúp giữ vững giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Còn ông Nguyễn Hùng Linh, Công ty Du lịch, Thương mại Kiên Giang, nêu rõ: “Hiện nay, việc xuất khẩu gạo được vận dụng theo cơ chế linh hoạt và giá sàn xuất khẩu gạo do VFA đưa ra. Để duy trì được giá mua lúa cho nông dân từ 4.000 đồng trở lên, nhất thiết cần phải duy trì giá xuất khẩu gạo từ 350 USD/tấn trở lên”.

Theo nhiều DN, thời gian gần đây có một số công ty đa quốc gia nước ngoài chào bán gạo (giới thiệu là có xuất xứ Việt Nam) với số lượng không nhiều, nhưng giá rẻ đã gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Không loại trừ khả năng có DN trong nước thông đồng và cung cấp hàng, thông tin cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia nước ngoài để làm chuyện này. Ông Phan Xuân Quế, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, nói: “Nếu các DN trong nước không cung cấp thông tin, cung ứng hàng cho các công ty đa quốc gia nước ngoài thì họ sẽ khó mà chào gạo xuất xứ Việt Nam với giá thấp và không giao được hàng theo hợp đồng đã ký. Vừa qua, tổng công ty chúng tôi được cử đi đấu thầu xuất khẩu gạo tại Iraq và đã chào thầu giá 390 USD/tấn. Tuy nhiên, đợt đấu thầu này chúng tôi đã không trúng thầu vì có một công ty đa quốc gia đã chào hàng nói là gạo có xuất xứ Việt Nam, với giá chỉ 370 USD/tấn nhưng với số lượng khá ít chỉ 30.000 tấn. Vì vậy, Chính phủ và VFA cần điều tra xử lý nghiêm DN nào trong nước đã và đang chuẩn bị cung cấp gạo với giá rẻ cho các công ty đa quốc gia nước ngoài”. Rõ ràng, để giữ vững giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thì rất cần sự đồng lòng của các DN trong nước.

Ngoài ra, các DN cũng nhận thấy vai trò tích cực của lực lượng hàng xáo trong tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và yêu cầu cần có giải pháp để tổ chức lại lực lượng này. Đây là cánh tay nối dài của DN. Thời gian qua, Chính phủ và VFA đã yêu cầu các DN phải ký hợp đồng và rót vốn để lực lượng hàng xáo đi mua lúa gạo trong dân, nhưng nhiều DN chưa mạnh dạn rót vốn do vướng thủ tục thanh toán, thuế... Nhiều DN cho rằng, Chính phủ và VFA cần có cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn để DN tổ chức lại lực lượng hàng xáo, mới đảm bảo cán cân cung- cầu trên thị trường và DN, nông dân đều có lợi.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết