02/04/2019 - 07:31

Cần kịp thời bảo vệ ngành chăn nuôi heo 

Giá heo hơi tại nhiều địa phương liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện và lây lan nhanh tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung. Tâm lý ngán ngại tiêu dùng thịt heo của người tiêu dùng đã đẩy ngành chăn nuôi vào tình cảnh khó khăn...

Mua bán thịt heo tại chợ Nhà lồng 3, Trung tâm thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.

Tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL dù chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi, nhưng nhiều người dân có tâm lý hạn chế mua và sử dụng thịt heo. Điều này đã khiến  người kinh doanh thịt heo và các loại món ăn có liên quan đến thịt heo đối mặt với cảnh buôn bán khá ế ẩm, nhất là tại các chợ quê và vùng nông thôn. Nhiều người chăn nuôi heo như đang “ngồi trên đống lửa” bởi mang nặng tâm lý lo sợ dịch tả heo châu Phi có thể ào tới bất cứ lúc nào và “cướp mất hết đàn heo”. Để tránh rủi ro về dịch bệnh, nhiều hộ dân chọn giải pháp bán tháo đàn heo và hạn chế thả nuôi heo mới. Họ xuất bán đàn heo khá sớm, ngay khi heo đạt trọng lượng 80-90kg/con chứ không đợi heo đạt từ 100kg/con. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá heo hơi trên thị trường liên tục giảm mạnh, sức tiêu thụ thịt heo tại nhiều địa phương cũng giảm.

Theo ông Nguyễn Phước Lợi, chăn nuôi heo ở phường Thuận An, quận Thốt Thốt, TP Cần Thơ, giá heo hơi bán ra chỉ còn ở mức 40.000 đồng/kg mà thương lái còn muốn “ép giá” thêm, trong khi trước đó chỉ hơn 2 tuần, giá heo hơi ở mức hơn 50.000 đồng/kg. Giá heo hơi giảm mạnh nhưng với mức giá hiện tại vẫn có lời nên ông Lợi bán 7 con heo có trọng lượng khoảng 80-90kg/con. Hiện tại, gia đình ông Lợi vẫn còn hơn 20 con heo trọng lượng khoảng 50-60 kg/con. Ông Lợi cho biết: “Gia đình tôi rất lo lắng khi nghe thông tin nhiều thông tin đồn thổi về dịch tả heo châu Phi gây tỷ lệ chết 100% trên đàn heo bị nhiễm bệnh và sự lây lan của nó. Hiện tôi rải vôi xung quanh chuồng trại và phun xịt thuốc sát trùng thường xuyên... để phòng bệnh cho đàn heo”.

Hiện nhiều người chăn nuôi vẫn chưa nắm bắt đầy đủ và cập nhật được kịp thời các thông tin về tình hình diễn biến của dịch bệnh tả heo châu Phi, nguyên nhân và cách thức lây truyền bệnh để chủ động phòng tránh. Do vậy, các cơ quan chức năng cần kịp thời thông tin, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong nhân dân. Đặc biệt, ngành chức năng cần kịp thời đính chính, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn sai trái và thất thiệt về dịch bệnh tả heo châu Phi nhằm tránh người dân bị hoang mang, lo lắng về những vấn đề được đồn thổi chưa đúng, chưa chính xác. Vận động, hướng dẫn người chăn nuôi heo cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để ổn định phát triển dàn heo nuôi, không nên bán tháo đàn heo...

Bệnh dịch tả heo châu Phi không lây sang người,  ngành chức năng cũng cần thông tin, tuyên truyền cho người dân nắm để sử dụng thịt heo bình thường, tránh xảy ra tình trạng người dân “tẩy chay” thịt heo. Đồng thời, siết chặt quản lý vận chuyển, giết mổ và kinh doanh các sản phẩm thịt heo nhằm lành mạnh hóa thị trường, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng heo bệnh (các loại bệnh nói chung, không riêng bệnh dịch tả heo châu Phi) được giết mổ đem tiêu thụ trên thị trường... Đây là những vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức lưu tâm để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời,  bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết