01/10/2010 - 21:22

Cần chiến lược kinh doanh hợp lý để bảo toàn vốn

Nguồn vốn được ví như “dòng máu” để doanh nghiệp (DN) có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, huy động vốn ở đâu, sử dụng vốn thế nào, đánh giá hiệu quả ra sao... để có biện pháp nhằm cải thiện khả năng sử dụng vốn đang là bài toán khó cho phần lớn các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Các chuyên gia cho rằng, DN nhỏ và vừa cần tái cấu trúc DN, liên kết với DN cùng ngành hàng để bảo toàn vốn, kinh doanh có hiệu quả trong suy thoái kinh tế.

NHIỀU VƯỚNG MẮC

Vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là bài toán khó của nhiều DN hiện nay. Ảnh chụp tại Công ty cổ phần Vietnam Motors Cần Thơ (Vietnam Motors Cần Thơ). 

Tại hội thảo “Nguồn vốn cho DN và kinh doanh nguồn vốn nhàn rỗi” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, mặc dù được xem là xương sống của nền kinh tế quốc gia, chiếm 97% trong khoảng 450.000 DN cả nước, nhưng các DN vừa và nhỏ đều gặp khó khăn chung là thiếu vốn. Với số lượng đông như vậy lẽ ra các DN này phải là đối tượng chính mà ngân hàng tập trung phục vụ. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, uy tín thương hiệu chưa cao, thị trường nhỏ, chưa minh bạch tài chính... nên các DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Ngoài ra, do cung ít, cầu nhiều, nên cơ hội để DN tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng càng khó khăn hơn. Trước nhu cầu tín dụng lớn, các ngân hàng thường nắm thế chủ động, đặt ra “luật chơi” mà DN buộc phải tuân thủ nếu muốn vay được tiền. Ví dụ, việc quy định lãi suất thỏa thuận (Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước), nhưng trên thực tế đã có bao nhiêu khách hàng DN được thỏa thuận lãi suất với ngân hàng khi đến vay tiền?

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khi chủ trương hỗ trợ lãi suất dù khối các ngân hàng thương mại cổ phần đã mạnh tay hơn trong việc “bơm” vốn ra thị trường, tiếp tục cung ứng vốn cho các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, nhưng không hề dễ dãi trong việc xét duyệt cho vay. Bởi ngân hàng vẫn phải hạn chế nợ xấu có thể xảy ra. Về phía DN, mặc dù lãi suất hiện đã giảm, nhưng vẫn chưa vay được vốn bởi nhiều lý do khác nhau. Vấn đề mà các DN kêu nhiều nhất là lãi suất vẫn còn cao và các thủ tục vay vốn “đánh đố”, trong khi ngân hàng cũng than khó có thể giảm mạnh lãi suất và nới lỏng điều kiện cho vay, vì họ phải đối diện với nhiều rủi ro.

Theo các DN, muốn vay được vốn ngân hàng, ít nhất DN phải có báo cáo tài chính rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những DN mới, một là chưa có báo cáo tài chính, hoặc trong 1-2 năm đầu, báo cáo tài chính thường thua lỗ, nên chỉ có thể thế chấp máy móc, bất động sản. Song, hầu hết ngân hàng hiện đều không cho thế chấp bất động sản nữa, nên vay vốn hiện rất khó. Do vậy, một số DN đã tính đến giải pháp đem hết số tiền nhàn rỗi có sẵn của mình gửi vào ngân hàng lấy lãi trong lúc chờ đợi phương án mới. Những DN gặp phải tình trạng như vậy không phải là ít. Tuy nhiên, nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư vào đâu để bảo toàn vốn, sinh lợi nhuận trong thời điểm các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản... đang biến động thất thường là bài toán khó cho không ít DN. Theo Thạc sĩ Bùi Văn, chuyên gia kinh tế độc lập, nghiên cứu mới đây nhất của giới chuyên môn đã chỉ ra rằng, tâm lý của các DN châu Á có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc DN tiếp cận với nguồn vốn ngày càng khó khăn, trong khi các DN đang thiếu các đội ngũ nhân lực tư vấn tài chính chuyên nghiệp, tính minh bạch của thị trường chưa cao, thiếu các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư...

GỠ NÚT THẮT

Hiện nay, nhiều DN bức xúc là mặc dù rất “khát” vốn, nhưng vẫn chưa dám đi vay bởi lãi suất ngân hàng hiện vẫn còn cao. Kèm theo đó, yêu cầu kiểm tra và xét duyệt hồ sơ khá chặt chẽ, nên các DN càng e ngại. Các ngân hàng gần đây có động thái hạ lãi suất, nhưng nguồn vốn chi phí rẻ hơn này không phải dành cho tất cả mà DN nào muốn vay phải có điều kiện như nằm trong danh mục ưu tiên, khách hàng thân thiết, sử dụng trọn gói các dịch vụ các ngân hàng.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, lâu nay giữa DN và ngân hàng đang loay hoay tìm lời giải tháo gỡ khó khăn để khơi thông nguồn vốn cho DN. Tuy nhiên, nếu đứng giữa làm trọng tài để phán quyết, thì phải thấy rằng lỗi xuất phát từ cả hai phía chứ không riêng bên nào. Trong khi các DN đang chịu sức ép lớn vì thiếu vốn thì các ngân hàng lại kêu rủi ro đối với các khoản vay tăng lên, vì tình hình kinh doanh đối với nhiều DN càng vào thời điểm cuối năm càng khó khăn hơn. Về phía ngân hàng, bản thân bộ phận thẩm định cho vay của nhiều ngân hàng hiện nay còn yếu. Do vậy, chưa nhìn nhận đúng tính khả thi của các dự án, nên hầu như buộc DN phải thế chấp.

Để gỡ “nút thắt” về vốn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN phải tái cấu trúc DN, trong đó bao gồm tái cấu trúc nguồn nhân lực (con người), máy móc, chiến lược kinh doanh. DN cần xây dựng danh mục đầu tư hợp lý và giảm bớt khó khăn từ thiếu vốn. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là DN phải tự mình hỗ trợ mình, tự cơ cấu lại nguồn vốn, điều chỉnh sản xuất kinh doanh và chọn trọng tâm đầu tư. Các DN vừa và nhỏ cần có giám đốc tài chính để quản lý tốt nguồn vốn, dù phải phát sinh thêm một khoản chi phí. Ngoài ra, trước khi nghĩ đến vay vốn ngân hàng, các DN cũng nên tìm hiểu các kênh huy động vốn khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN, thuê tài chính hay liên doanh liên kết với các đối tác. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, một kênh dẫn vốn đến DN vừa và nhỏ nên phát huy hiện nay là quỹ bảo trợ tín dụng cho DN vừa và nhỏ, thuộc Ngân hàng Phát triển. Nếu ngân hàng này làm tốt công tác thẩm định thì DN nhỏ sẽ dễ hơn trong việc tiếp cận vốn.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Chia sẻ bài viết