17/02/2021 - 08:26

Cảm hứng OCOP 

Thị trường xuất hiện nhiều giỏ quà Tết với những rung cảm từ sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm - One Commune One Product (OCOP). Không chỉ ở Cần Thơ mà An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… đều hăng hái đóng giỏ quà Tết sản phẩm OCOP để thúc đẩy thương mại.

Cuộc trao đổi - phân tích về năng lực phát triển sản phẩm OCOP của An Giang.

Nuôi dưỡng cảm hứng

Trên mạng xã hội, dòng chảy nhiều cảm hứng của OCOP đang hâm nóng không khi tháng Chạp trong tiết trời se lạnh.

“Khi tiết trời ở Tri Tôn 20-240C, sương giăng trên những ngọn cây thì hoa thốt nốt sẽ mất nước, mật thu về sẽ chậm lên men. Nấu đường mùa lạnh không như những ngày nắng đẹp. Giống như một trắc nghiệm kỹ thuật, việc nấu đường phải thật kỹ, tinh tế để giữ được màu sáng và không bị cứng”, Dịu Châu, Start Up đang xây dựng thương hiệu Palmania từ mật thốt nốt (một loại tài nguyên thiên nhiên Hortus Indicus Malabaricus) được ghi nhận từ năm 1678), cho biết.

Ở huyện Trần Ðề, Lý Thanh Bình đang mở rộng tầm che phủ mắm cua gạch đi các tỉnh. Toàn bộ quy trình làm mắm kéo dài trong 50 ngày. Ðó là thời gian để Bình tiên lượng mọi việc từ trang trại tới bàn ăn. Cua đúng chuẩn còn phải rọng cho bài tiết sạch ruột, tiếp tục làm sạch bằng nước mắm rồi lại ủ với nước mắm ngon, chờ cho dậy hương. 3 lần thanh trùng nhiệt, càng ngoe, mai có gạch dẻo quẹo. Cua gạch để càng lâu càng thơm mùi mắm. Ngược lại, không làm sạch ruột, chỉ cần cua ăn cá thúi, thẩm thấu thì một con sẽ hư cả hũ.

Bình chia sẻ thành công khi cho ra vị đồng nhất, màu đẹp, giữ thịt, không tanh - màu sắc, độ thịt, hương vị… rất khác khi không xài muối. So với 6-7 năm về trước, mắm nhà làm ăn chơi của bà Ngọc Ánh và mắm cua gạch thương mại của con trai, khác xưa rất nhiều. Khác với cách làm mắm truyền thống của mẹ, Bình tuyệt đối không dùng muối mà chỉ xài nước mắm. Chỉ nước mắm, chọn đúng độ đạm cần thiết, mới tạo ra độ sánh, độ mặn và màu, hương vị như ý. Khi sang hũ, đóng chai mới cho cái hũ mắm nồng ớt, tỏi. Cách ăn cũng phải thử nhiều kiểu, cuối cùng chính vị chua, hương thơm của trái hạnh (tắc) và nếu là trái chúc thì mắm cua gạch Thiên Hương chỉ có thể diễn tả bằng hai từ “quá đã”.

Cả Dịu Châu và Lý Thanh Bình đều nằm lòng những nguyên lý OVOP. Cha đẻ chương trình mỗi làng một sản phẩm (One Village - One Product - OVOP), GS Morihiko Hiramatsu, đã thay đổi cuộc sống của người dân Oita khi ông là tỉnh trưởng một tỉnh nghèo của Nhật từ cách định hướng: OVOP là cách truyền cảm hứng giúp cho cộng đồng nhận ra tài nguyên và sự giới hạn phát triển. Từ đó gợi mở ý tưởng sử dụng tài nguyên địa phương theo cách liên tục cải thiện để có giá trị cao hơn, tạo ra sản phẩm độc đáo thông qua học tập và cam kết. Ðiều này sẽ khiến cho việc chuyển đổi từ cộng đồng linh hoạt hơn mà vẫn kiểm soát cuộc sống, sản xuất và văn hóa bản địa.

OCOP theo cách gọi của Việt Nam sau khi lĩnh hội tinh thần OVOP, thực sự đang kích hoạt những ý tưởng sáng tạo hơn trong cách vận hành chương trình quốc gia từ các địa phương.

Trà Vinh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ kết nối với An Giang, tô đậm sắc thái văn hóa Khmer trong những chủ thể làm hàng OCOP. Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang chia sẻ cách kết nối nguồn lực giữa Start Up - OCOP.

Trung tâm xúc tiến thương mại An Giang đã đưa sản phẩm OCOP ra phố đi bộ, nhưng không phải là một cuộc “dạo chơi” mà là cách giới thiệu một đội hình. Trong đó có hàng chục sản phẩm OCOP được đóng gói với nhiều loại giá khác nhau với mong muốn đoán trúng sở thích người mua.

Ý tưởng kết nối sản phẩm OCOP của 4 tỉnh An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Ðồng Tháp được chủ cửa hàng OCOP ở đường Trần Việt Châu, TP Cần Thơ, thể hiện. “Giỏ quà Tết liên tỉnh, tự nó nói lên sức trỗi dậy của những ý tưởng, sức sáng tạo và khả năng cạnh tranh của những địa phương. Vấn đề còn lại là sử dụng và đo lường sự hài lòng”, anh Nguyễn Bỉnh Khiêm - chủ cửa hàng ở đường Trần Việt Châu nói. Ở Hậu Giang, điểm bán sản phẩm OCOP ở nhà hàng Tân Hậu Giang - kéo sản phẩm OCOP tới bếp núc.

Tại Cần Thơ, anh Nguyễn Triều Phong, chủ một cửa hàng OCOP vừa khai trương ở đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, nói rằng nguồn hàng từ Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long đang chảy về Cần Thơ để đa dạng hóa nguồn hàng, liên kết là cách khắc phục tình trạng sản phẩm địa phương còn quá mỏng.

Giá trị cốt lõi của OCOP

Tới tháng 10-2020, cả nước có 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020.

So với đồng bằng sông Hồng - có tới 712 sản phẩm (chiếm 32,8%), miền núi phía Bắc có 497 sản phẩm (chiếm 22,9%), ÐBSCL có 375 sản phẩm (chiếm 17,3%), điểm khác biệt của vùng này là chuỗi liên kết. Do đặc điểm và cách làm khá giống nhau, liên kết chuỗi là cách nhận diện điểm giống để hợp tác, nối kết và từ đó tìm cách tạo khác biệt để đừng giẫm đạp lên nhau.

“Hãy suy nghĩ từ nguồn tài nguyên bản địa, tri thức và văn hóa địa phương tìm ra ý tưởng độc đáo để làm giàu giá trị cho sản phẩm từ làng quê, tăng thu nhập, tăng GNP (Tổng sản phẩm quốc dân - Gross National Product) và tăng GNS (Tổng mức độ hài lòng quốc gia - Gross National Satisfaction)…”. GS Morihiko Hiramatsu từng đưa ra 3 nguyên lý phát triển OVOP: Hành động địa phương - Tư duy toàn cầu, tự chủ - sáng tạo, coi trọng nguồn tài nguyên nhân lực đổi mới, sáng tạo.

Những nguyên lý này được Liên Hiệp Quốc xem là bài học quý báu chia sẻ với những quốc gia phát triển thấp. Ngay cả Thái Lan, khi còn là quốc gia có thu nhập trung bình cũng đã tìm đến GS Morihiko Hiramatsu để học hỏi.

TS Kaoru Natsuda, nguyên cố vấn hỗ trợ phát triển của Nhật Bản dành cho các nước châu Phi, nói: “Ngày nay, khi các vấn đề thực tiễn đặt ra nhiều thách thức thì với những giải pháp khả dụng toàn cầu cho phép thúc đẩy suy nghĩ sáng tạo từ các địa phương”, OVOP trở thành tâm điểm chú ý của toàn nước Nhật và cho đến nay, chương trình này được áp dụng tại Thái Lan, Campuchia, Bangladesh, Haiti và Malawi, kể cả Los Angeles, Hoa Kỳ.

Theo ông, chính GS Hiramatsu đã nhìn ra khía cạnh quan trọng nhất của chương trình OVOP là phát triển nguồn nhân lực. Ông chú ý xây dựng năng lực cho người dân Oita bằng cách thúc đẩy học tập kinh nghiệm tích cực, các giải pháp được áp dụng bởi chiến lược, giá trị địa phương, thể chế và nguồn lực cộng đồng hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu.

 “Trong 18 năm sống và làm việc tại Nhật, tôi ngạc nhiên và thán phục trước những sản phẩm đặc thù địa phương và rất tinh tế của Nhật”, Ths Cao Minh Việt, sáng lập viên Mạng lưới đổi mới, sáng tạo Việt - Nhật (VJOIN-Vietnam Japan Open Innovation Network) tại Nhật Bản nói.

VJOIN là mạng lưới những người Việt trẻ, đang hoặc đã làm việc trong các viện nghiên cứu/trường đại học, các công ty, tập đoàn tại Nhật có khát vọng muốn cống hiến cho sự phát triển của các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu/trường đại học tại Việt Nam trong việc ứng dụng, triển khai và nghiên cứu công nghệ  cho Việt Nam từ Nhật Bản.

Hiện nay, tinh thần OCOP đang truyền cảm hứng trong cộng đồng, là dịp để suy nghĩ nhiều hơn về cơ chế “hỗ trợ sự sống” cho các Start Up, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cực nhỏ để những ý tưởng độc đáo, khác biệt không chỉ khoe sắc, tỏa hương trong dịp Tết mà sẽ là cái trớn, là nhiệt huyết hun đúc tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.

Theo Ths Cao Minh Việt, công nghệ và việc thu hút các nguồn nhân lực đóng góp vào các sản phẩm địa phương theo hướng đổi mới, sáng tạo cần được tối ưu hóa.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết