04/01/2013 - 22:21

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư

Trong khi nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần quan trọng bổ sung nguồn vốn đầu tư trong nước. Cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ những rào cản không phù hợp, nhằm tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế phát triển đang là định hướng quan trọng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.

Vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau hơn 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay Việt Nam đã có 14.263 dự án, vốn đăng ký trên 208,6 tỉ USD. Hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều đã xuất hiện những dự án FDI, đặc biệt là đầu tư từ các nước ASEAN.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam được tổ chức vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quang Vinh, Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các nhà đầu tư ASEAN là một trong những nhà đầu tư đến Việt Nam sớm nhất khi Việt Nam bắt đầu tiến trình mở cửa hội nhập. Đến nay, các nước ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam trên hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực với tổng số 2.046 dự án, chiếm 13,4% về số dự án FDI tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký 46,5 tỉ USD, chiếm 22,3% tổng vốn FDI của Việt Nam, tập trung ở các ngành nghề: kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, xây dựng, xử lý nước thải, dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Bên cạnh luồng đầu tư từ ASEAN, đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm trên 46% tổng số vốn đầu tư trong năm 2012), chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Đây là một trong những định hướng thu hút đầu tư thành công của Việt Nam thời gian qua.

Theo ông Omi Kenji, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), số doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đang có xu hướng tham gia vào công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng nhiều, chủ yếu cung ứng linh kiện, phụ tùng cho những công ty lớn như Canon, Toyota… và hầu hết đều thuê nhà xưởng để hoạt động. Ông Omi Kenji cho rằng, nhà xưởng ở Việt Nam đa phần nhỏ (500 - 2.500m2) và hợp đồng cho thuê mướn ngắn (dưới 5 năm) nhưng là tính hấp dẫn và trở thành xu hướng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, phù hợp với tình hình hiện nay. Những hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như: tư vấn quản lý, chứng khoán, bán lẻ, nhà hàng… cũng đang có xu hướng đầu tư vào Việt Nam.

Theo bà Damayanti P Siahaan, Tổng thư ký Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Indonesia - Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư thu hút các nhà đầu tư Indonesia, nhờ lượng lao động trẻ dồi dào, sự tương đồng về văn hóa, môi trường. Bên cạnh các nhà đầu tư lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ Indonesia đang có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ mở rộng đầu tư ra nước ngoài ở những lĩnh vực như: giáo dục đào tạo, dịch vụ, xây dựng, trang trí nội thất…, trong đó Việt Nam là điểm đầu tư rất phù hợp.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (Viện Chính sách và Chiến lược công nghiệp, Bộ Công Thương), trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay, bên cạnh lĩnh vực cung ứng cho xe máy khá thành công với tỷ lệ nội địa hóa 90-95% thì lĩnh vực cung ứng, xuất khẩu linh kiện ô tô được xem là tiềm năng mới của Việt Nam (với kim ngạch xuất khẩu năm 2011-2012 khoảng 200 triệu USD). Các nước đi trước Việt Nam về công nghiệp ô tô như Thái Lan, Malaysia , Indonesia sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam nếu công nghiệp ô tô Việt Nam bùng nổ.

Cải thiện môi trường đầu tư

Các nhà đầu tư đều thừa nhận Việt Nam có dân số trẻ, chất lượng lao động tốt, khéo léo, chi phí lương hợp lý, số lượng ngày nghỉ hàng năm ít, ít bị thiên tai, xã hội ổn định… là những điểm hấp dẫn của Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những khó khăn như chính sách ưu đãi chưa rõ ràng, công nghiệp phụ trợ đang phát triển nhưng chưa đủ, phụ tùng còn nhập khẩu từ các nước khác, tỷ lệ nghỉ việc còn cao, thiếu lớp lao động cấp trung, lương lao động cũng đang tăng… Ngoài ra, việc Chính phủ bắt buộc sử dụng tiền đồng trong giao dịch trong nước cũng gây trở ngại lớn trong quá trình đầu tư.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, chi phí tiền lương đã bắt đầu tăng do ảnh hưởng của lạm phát, nhưng vẫn còn ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, Chính phủ Việt Nam sẽ gắn với quá trình đào tạo lại lao động và lao động lành nghề.

Ông Theng Bee Han, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Malaysia tại Việt Nam chia sẻ: Các quy định, hướng dẫn thi hành luật ở Việt Nam quá phức tạp, chưa thực sự rõ ràng, nhiều khi còn chồng chéo gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cập nhật và thực hiện. Vì vậy, trước hết Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định liên quan đến đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất đang được các nhà đầu tư Malaysia quan tâm tại Việt Nam hiện nay.

Theo ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), hiện nay chúng ta đang tập trung nhiều nhóm giải pháp để có một môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, có sức cạnh tranh, không chỉ đòi hỏi phải giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, an toàn xã hội mà còn phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục những yếu kém về cơ sở hạ tầng, xóa bỏ các rào cản về đầu tư phù hợp với yêu cầu giai đoạn phát triển mới. Những chính sách và vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Luật đầu tư, những nghị định hướng dẫn thực hiện luật đầu tư nước ngoài, luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài... đang được rà soát và tập trung sửa đổi vào năm 2013; tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực: công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, những ngành công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo.

VIỆT ÂU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết