09/05/2019 - 15:22

Bước đột phá của kinh tế tập thể 

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” (Nghị quyết số 13), khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP Cần Thơ có bước phát triển đột phá cả về số lượng lẫn chất lượng. Hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới, bắt nhịp được xu hướng thị trường thời hội nhập, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế tập thể, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. 

 Năng động phát triển đa dạng dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi được HTX nông nghiệp Đại Lợi, huyện Thới Lai tích cực triển khai.

Đột phá

Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của HTX trên đã đóng góp vào tổng sản phẩm của địa phương (GRDP) đạt khoảng 2.500 tỉ đồng; toàn thành phố có 278 HTX, trong đó có trên 50% HTX khá, giỏi; bình quân 1 HTX có 41 thành viên; vốn góp điều lệ bình quân của mỗi HTX tăng hơn 8 lần so với năm 2003 (từ 60 triệu đồng lên 500 triệu đồng). Hiện, toàn thành phố có 36 xã xây dựng nông thôn mới đều có HTX nông nghiệp và đa phần các HTX tổ chức tốt các dịch vụ đầu vào từ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cày đất, tưới tiêu, thu hoạch, đến thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên; có trên 70% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, từng bước hình hành các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho xã viên...

Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cùng với các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX theo tinh thần Nghị quyết số 13, quá trình chuyển đổi theo Luật HTX 2012 đã tạo bước chuyển đột phá, nâng chất và mở rộng quy mô hoạt động của các HTX. Ở các lĩnh vực có thế mạnh, như: lúa gạo, thủy sản, trái cây,… đều có những HTX kiểu mới điển hình, với trên 100 thành viên, vốn điều lệ từ 1 đến trên 5 tỉ đồng, diện tích sản xuất từ 200-600ha và có triển vọng mở rộng diện tích, gia tăng thêm thành viên. Và đa phần các HTX kiểu mới đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn để gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng theo nhu cầu thị trường, giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra cho thành viên. Không chỉ vậy, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới còn năng động, phát triển thêm các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp, từng bước kinh doanh có lãi, góp phần gia tăng thu nhập cho thành viên và nâng cao uy tín của HTX trên thị trường, đóng góp thiết thực vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố.

Theo ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Lợi, huyện Thới Lai, để hỗ trợ cho 22 thành viên của HTX cũng như nông dân canh tác lúa ở “cánh đồng lúa sạch” ở xã Trường Xuân và vùng lân cận, chủ động được các khâu trong hoạt động sản xuất và có thêm thu nhập ngoài trồng lúa. Theo đó, ngoài canh tác hơn 1.000ha lúa chất lượng cao để cung ứng cho doanh nghiệp, HTX còn vận động thành viên góp vốn xây dựng các trạm bơm, phục vụ cho việc tát nước ở các “cánh đồng lớn”; làm thêm dịch vụ cày xới, sạ lúa, sấy lúa,... Với các dịch vụ được triển khai từ HTX nông nghiệp Đại Lợi đã giúp nông dân và thành viên HTX tiết giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất và chất lượng đầu ra, nâng cao thu nhập.

 Ông Phạm Hữu Bích, Giám đốc HTX nông nghiệp An Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho rằng, tham gia liên kết theo mô hình chuỗi giá trị, nhà nông và thành viên HTX đã giảm bớt “gánh nặng” vốn đầu tư và chi phí sản xuất, gia tăng chất lượng và giá trị hạt lúa, nâng cao thu nhập, với đầu ra luôn ổn định, mặc cho thị trường có biến động. Bởi theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp sẽ cung cấp lúa giống xác nhận, vật tư đầu vào và thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn giá thị trường,... Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: HTX không chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho xã viên mà còn hợp tác tiêu thụ lúa cho nông dân tham gia sản xuất trong cánh đồng lớn. Cùng với đó, HTX còn được ngành nông nghiệp thành phố và địa phương quan tâm, hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, để giảm chi phí và tăng lợi nhuận; được hỗ trợ tham gia vào Dự án VnSAT để phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng kho chứa lúa với công suất 1.000 tấn, lò sấy lúa có công suất 100 tấn, xây dựng được 4 trạm bơm điện phục vụ cho hơn 300 nông dân canh tác trên 1.200ha ở các “cánh đồng lớn” trong và ngoài HTX.

Khẳng định vai trò HTX

Qua 15 năm thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, hành động củng cố, nâng chất hoạt động cho các HTX,… Song hoạt động kinh tế hợp tác, HTX vẫn tồn tại nhiều bất cập, đó là vấn đề tiếp cận vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng của các HTX còn hạn chế; nhiều chính sách ưu đãi cho HTX được triển khai, nhưng phần lớn HTX vẫn chưa được thụ hưởng; nhiều HTX chỉ mới thực hiện được một vài dịch vụ đầu vào, hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp còn mang tính thời vụ và thiếu bền vững. Thêm vào đó, trình độ cán bộ quản lý ở nhiều HTX còn hạn chế; nhiều HTX vẫn còn yếu kém về cơ sở hạ tầng,… Để tháo gỡ những khó khăn này, các HTX cần tập trung củng cố và nâng chất hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ mới để nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho xã viên; ưu tiên thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương, để thu hút cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn về làm việc ở các HTX. Song song đó, các ngành, các cấp cần xử lý dứt điểm đối với các HTX đã ngừng hoạt động, các HTX không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012…

HTX nông nghiệp An Xuân, huyện Cờ Đỏ ngoài đầu tư sản xuất lúa, còn cung cấp các dịch vụ cày, xới, thu hoạch, sấy lúa... phục vụ thành viên và nông dân. 

Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, việc  HTX đảm bảo minh bạch về sổ sách kế toán, thực hiện các quy chế làm việc, chia lợi nhuận cho thành viên theo vốn góp, trích lập quỹ dự phòng… theo đúng quy định của theo Luật HTX năm 2012. Qua đó, không chỉ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các thành viên HTX, mà còn giúp nông dân nhận thấy được vị trí tương xứng của họ trong chuỗi giá trị sản phẩm do mình làm ra và ngày càng tin tưởng, tự nguyện tham gia vào HTX. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu,việc xây dựng mối liên kết bền vững giữa HTX với nông dân và giữa HTX với doanh nghiệp, sẽ từng bước hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa có chất lượng và quy mô lớn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, chế biến trong nước và hướng tới xuất khẩu. Từ đó, từng bước hướng tới xây dựng HTX đủ mạnh, để trở thành một đối tác bình đẳng thực sự với doanh nghiệp trên thị trường, khẳng định kinh tế tập thể, HTX là thành phần kinh tế quan trọng.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của kinh tế tập thể, HTX qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 đó là sự hình hành các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thông qua liên kết giữa doanh nghiệp với HTX ở các “cánh đồng lớn”, “cánh đồng lúa sạch”. Hiện, TP Cần Thơ có 110 HTX, tổ hợp tác đã ký kết liên kết với hơn 23 doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu lúa đầu ra cho các thành viên, với giá cao hơn giá thị trường từ 50-150 đồng/kg lúa; lợi nhuận của thành viên HTX cao hơn nông dân trồng lúa bên ngoài mô hình từ 3-5,5 triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết