06/01/2020 - 09:04

Bộ Nông nghiệp vẫn “lạc quan” tác động của hạn mặn 

Tuy hạn, mặn diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí đạt mức kỷ lục như đã từng xảy ra trong mùa khô 2015-2016, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tự tin cho rằng mức độ ảnh hưởng đến sản xuất lúa và sinh hoạt người dân sẽ không nghiêm trọng.

Mưa thấp, dòng chảy giảm

Tại hội nghị “Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mùa khô năm 2019-2020” được tổ chức mới đây ở tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ĐBSCL bị hạn mặn gay gắt do chịu tác động của ba tác nhân, gồm thứ nhất, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thứ hai, yếu tố tác động của thượng nguồn ngày càng cực đoan; thứ ba, hoạt động kinh tế nội vùng.

Mùa khô 2019-2020 sẽ ít ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, dù hạn mặn đạt mức kỷ lục. Trong ảnh: Nông dân tỉnh Sóc Trăng đang tưới nước cho ruộng rau màu của mình.

Khi xét về lượng mưa và dòng chảy sông Mekong- hai yếu tố tác động đến hạn, mặn- từ thượng nguồn về khu vực ĐBSCL, thì kết quả lượng mưa thấp, trong khi dòng chảy cũng giảm. Cụ thể, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng mưa mùa lũ năm 2019 (từ tháng 6 đến 10-2019) tại thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc thiếu hụt 20-25% so với trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2015; tổng lượng mưa thực đo ở khu vực từ biên giới Trung Quốc đến trung Lào thiếu hụt 35-40% so với TBNN và từ 15-20% so với năm 2015; khu vực từ trung Lào đến Campuchia tương đương TBNN và cao hơn năm 2015 từ  10-15%; ở ĐBSCL thiếu hụt từ 20-50% so với TBNN.

Trong khi đó, về tình hình nguồn nước, trong mùa lũ 2019, lưu lượng dòng chảy vùng thượng nguồn sông Mekong (thuộc Trung Quốc) về hạ lưu luôn ở mức thấp hơn TBNN; tổng lượng dòng chảy tại trạm Chiềng Sẻn (Thái Lan- trạm khống chế lưu lượng nước từ Trung Quốc về hạ lưu) thiếu hụt khoảng 61% so với TBNN và 43% so với  năm 2015; tổng lượng tại trạm Kratie (Campuchia- trạm khống chế lưu lượng nước trên dòng chính Mekong về ĐBSCL) thiếu hụt từ 30-35% so với TBNN và thiếu hụt 5% so với năm 2015.

Đến ngày 23-12, mực nước tại trạm Kratie đang thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 0,79 mét, tương đương cùng kỳ năm 2015; mực nước tại trạm Kom Pong Luong (gần biển hồ) đang thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 1,5 mét và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 là 0,06 mét; mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn 0,2-0,5 mét so với TBNN và tương đương cùng kỳ năm 2015.

Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng

Trước diễn biến của lượng mưa cũng như dòng chảy như nêu trên, ông Đức Cường cho biết, xâm nhập mặn tại các cửa sông khu vực ĐBSCL đã diễn ra sớm hơn TBNN và cùng kỳ năm 2015.

Theo đó, độ mặn 4 gam/lít đã vào sâu 50km trên sông Vàm Cỏ Tây và độ mặn 1 gam/lít đã vào sâu 70km trên sông Vàm Cỏ Đông; trên hệ thống sông Cửu Long, thì ở sông Tiền tại cửa Tiểu độ mặn 4 gam/lít đã vào sâu 50km; độ mặn 2 gam/lít đã vào đến TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang); trên 3 sông chính của tỉnh Bến Tre, gồm Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, thì độ mặn 4 gam/lít đã vào sâu xấp xỉ 60km. Trong khi đó, trên sông Hậu tại Trần Đề, Long Phú, Đại Ngãi, An Lạc Tây (tỉnh Sóc Trăng) độ mặn 4 gam/lít đã xâm nhập sâu khoảng 50km. Còn tại khu vực biển Tây, trên sông Cái Lớn- Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) độ mặn 4 gam/lít cũng đã xâm nhập xấp xỉ 50km.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xâm nhập mặn thời gian tới sẽ sâu hơn TBNN và xấp xỉ với đợt xâm nhập mặn của mùa khô 2015-2016. Trong đó, sông trên Vàm Cỏ mặn có thể xâm nhập sâu 92-94km; các hệ thống sông khác của vùng mặn xâm nhập sâu từ 50- 60km.

“Đợt hạn mặn trong mùa khô 2019-2020 sẽ đạt mức kỷ lục như năm 2015-2016, thậm chí hơn”, ông Nguyễn Xuân Cường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Ít ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt?

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tập trung cung cấp đủ nước cho hoạt động phát triển sản xuất, dịch vụ, nhất là với sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với từng địa phương tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp với tình hình sản xuất; gia cố đê bao ngăn xâm nhập mặn bảo vệ vùng cây ăn trái tập trung; tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, cống, hệ thống kênh mương; chủ động tích nước trong các hồ chứa, kênh rạch để sử dụng trong giai đoạn cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn.

Tuy nhiên, trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi dự báo tình hình ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân, thì đơn vị này tỏ ra lạc quan khi cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ ít hơn.

Ông Tỉnh của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, vùng ảnh hưởng của hạn mặn dự kiến sẽ tương đương như mùa khô năm 2015-2016, tức sẽ tác động đến 10/13 địa phương ĐBSCL với 74/137 đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo ông Tỉnh, vụ đông xuân 2019-2020, tính đến ngày 31-12-2019, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống trên 1,5 triệu héc-ta. Tuy nhiên, đối với 100.000 héc-ta (khu vực các địa phương ven biển) diện tích lúa đông xuân hàng năm có nguy cơ cao ảnh hưởng hạn mặn, thì vụ đông xuân năm 2019-2020 đã bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho khoảng 50.000 héc-ta và chuyển dịch lùi thời vụ cho 50.000 héc-ta còn lại.

“Chính vì vậy, khả năng gây thiệt hại của xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa sẽ giảm đáng kể do thông tin xâm nhập mặn được cảnh báo kịp thời, nhiều diện tích lúa được chuyển đổi phù hợp”, ông Tỉnh giải thích.

Còn về tác động đến nước sinh hoạt nông thôn, theo ông Tỉnh, báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện tại có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. “Dự báo, thời gian tới có khoảng 158.900 hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó, có 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung và còn lại ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình”, ông Tỉnh cho biết và nói rằng số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ giảm 89.200 hộ so với mùa khô 2015-2016 nhờ có các giải pháp hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho những hộ bị ảnh hưởng.

T.C

Chia sẻ bài viết