08/05/2011 - 21:10

Bảo hiểm cho người trồng lúa:
CÁCH NÀO ?

Bến tập kết của các thương lái mua lúa.

Quá trình sản xuất và “đường đi” của hạt lúa từ ruộng đồng cho đến tay người tiêu dùng trải qua nhiều công đoạn; góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm và liên kết nhau tạo thành chuỗi giá trị của quá trình lưu thông phân phối. Qua đó, đặt ra nhiều vấn đề trong việc giải bài toán hiệu quả cho sản xuất và bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

* Giải bài toán hiệu quả sản xuất

Trong vụ lúa đông xuân 2010- 2011, nông dân Mai Văn Lên, ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang canh tác 1,8ha lúa VND 95-20. Kết thúc mùa vụ, ông lật lại từng trang nhật ký sản xuất và tính toán tổng chi phí đầu tư gần 2,5 triệu đồng/công (1.000m2); thu hoạch đạt năng suất 35 giạ (700kg), bán với giá 6.200 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, ông Lên còn lợi nhuận 1,85 triệu đồng/công. Cả gia đình 5 nhân khẩu sống dựa vào 1,8ha đất canh tác lúa, dù trúng mùa, năng suất cao, nhưng không đủ trang trải chi phí trong thời gian giáp hạt. Ông Lên nói: “Trước đây, tôi làm lúa mà không tính chi tiết nên mỗi mùa vụ đều hô hào trúng lớn, lãi cao. Nhưng làm xong, tiền không thấy ở đâu. Giờ đây, ghi chép rõ ràng và tính chi tiết thì thấy chẳng có lời”. Không riêng gì ông Lên, mà nhiều nông dân khi tiến hành ghi chép nhật ký đồng ruộng, họ mới ngộ ra nhiều điều.

Ông Trương Văn Hạnh, xã viên Hợp tác xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Áp dụng quy trình sản xuất theo Global GAP đã giảm tối đa chi phí trong trồng lúa. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng lúa nên kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc để đạt năng suất cao, tôi thấm nhuần. Vậy mà, trồng lúa bao nhiêu năm, nhưng gia đình không khá lên được. Có thời điểm giá lúa thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, tôi và hầu hết nông dân trồng lúa ở địa phương không có lời, thậm chí thua lỗ”. Theo nhận định của các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL rất nhạy bén trong ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nhưng bài toán thị trường đầu ra thì cần sự tính toán chính xác của các ngành liên quan, để nông dân không thiệt thòi.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, chi phí sản xuất vụ lúa đông xuân 2010-2011 là 20.159.800 đồng/ha, giá thành 3.097 đồng/kg. Với giá thành này, nông dân bán lúa 5.000 đồng/kg đã có lời 1.903 đồng/kg lúa. Nếu căn cứ vào các con số thì rõ ràng, mức lợi nhuận trên 30% theo chỉ đạo của Chính phủ đã vượt, nhưng nông dân vẫn không thể giàu lên, vì hạt lúa đến với thị trường phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian, diện tích sản xuất bình quân trên nông hộ thấp, sau mỗi vụ lúa, nông dân lại lo lắng.

* Cần hạn chế tầng nấc trung gian

Ông Nguyễn Văn Tiến, ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, một lái lúa có tiếng trong giới tư thương, cho biết: “Nhiều người nghĩ tư thương là mua gian bán lận, ép giá, đâu biết rằng để tồn tại tư thương phải cạnh tranh rất khốc liệt. Muốn có lãi chúng tôi phải tính toán đến từng đồng chi phí để có lợi cả đôi bên”. Theo ông Tiến, muốn mua 70 tấn lúa OM 4218 với giá 5.700 đồng/kg lúa khô của nông dân phải qua 2 khâu trung gian “cò” lúa và các khoản để đi mua. Tính ra, chi phí tăng lên 100 đồng/kg lúa, 70 tấn tăng thêm 7 triệu đồng. Nếu không phụ thuộc vào “cò” lúa thì không mua được, các đầu mối đều do “cò” nắm và chi phối, những người này còn “ăn chịu” bến bãi với người đứng ra thuê. Còn chạy ghe đi mua lúa trong dân, cũng có thể mua được đầy ghe, nhưng chi phí tăng rất nhiều, buộc các lái lúa phải thông qua cò khi mua số lượng lớn.

Mặc dù là người quyết định giá lúa của nông dân, nhưng thực tế các thương lái thu gom lúa từ nhà dân không phải là người quyết định giá cả thị trường. Sau khi xay xát xong, họ bắt buộc phải bán gạo trong 1-2 ngày cho lái gạo (thường là các doanh nghiệp (DN) tư nhân chế biến gạo cung ứng cho DN xuất khẩu) với bất kỳ giá nào vì gạo lứt độ ẩm cao không để lâu được. Cũng đồng thời, họ chịu sức ép về giá mua của các lái gạo, cứ mỗi độ ẩm tăng thêm thì giá gạo giảm xuống 100 đồng/kg. Theo các thương lái mua lúa, trung bình mỗi giạ lúa (20kg) phơi khô khi xay xát sẽ cho 15,5kg gạo lứt. Nếu giá gạo lứt 7.750 đồng/kg, cộng tiền cám và trấu tính ra tổng số tiền thu từ một giạ lúa khoảng 127.000 đồng; trừ chi phí vận chuyển, xay xát, tiền lãi vay thì họ còn lời 1.000 - 2.000 đồng/giạ.

Hầu hết thương lái mua lúa đều khẳng định họ làm nghề này vì ít vốn, người thu lợi nhuận nhiều nhất từ lúa gạo chính là các DN chế biến, xuất khẩu. Ngoài quyền được lựa chọn loại gạo tốt nhất để mua, DN còn ấn định giá thu mua gạo căn cứ vào giá đầu ra mà họ biết trước. Hạt lúa từ tay người nông dân một nắng hai sương đến với người tiêu dùng trong nước và vươn ra biển lớn là một lộ trình với nhiều mắt xích. Trong chuỗi phân phối lưu thông ấy không phải mắt xích nào cũng cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế bớt những tầng nấc trung gian không quan trọng, giải quyết hài hòa bài toán lợi nhuận cho nông dân- người tiêu dùng và DN. Vấn đề này không mới, bởi Quyết định 80 về liên kết “4 nhà” của Chính phủ đến nay vẫn còn hiệu lực, nhưng hiệu quả từ quyết định này vẫn còn là bài toán khó cho những nhà quản lý và thực thi quyết định.

Bài, ảnh: KHẢI CA

Chia sẻ bài viết