22/06/2017 - 09:57

Nông dân HTX Nông nghiệp Đồng Vạn

An tâm sản xuất lúa hàng hóa

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồng Vạn đã tích cực tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu lúa cho nông dân, xã viên HTX. Nhờ vậy, đến nay các xã viên và nông dân trong khu vực đã có thể an tâm sản xuất lúa hàng hóa, tăng thêm lợi nhuận…

Liên kết

 Nông dân HTX Nông nghiệp Đồng Vạn hướng đến sản xuất lúa hàng hóa mang tính bền vững hơn.

HTX Nông nghiệp Đồng Vạn (ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) đi lên từ tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn trước đây. HTX hiện có 46 thành viên, với quy mô sản xuất khoảng 96 ha; các thành viên đã đẩy mạnh quá trình hợp tác, liên kết, tiếp cận quá trình sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, giải pháp bền vững cho nền nông nghiệp, sản xuất lúa tại địa phương...

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Vạn, cho biết: Nông dân HTX đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa mang tính bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường; sản xuất lúa theo "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", quy trình VietGAP, hướng tới sẽ là GlobalGAP… Ngoài ra, HTX luôn chủ động tìm kiếm doanh nghiệp có uy tín để chủ động liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra lúa hàng hóa cho nông dân. HTX đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào (giống, phân, thuốc) và bao tiêu lúa. Đồng thời, HTX liên kết với xã viên, nông dân trong khu vực ấp Thầy Ký sản xuất lúa hàng hóa cung ứng cho doanh nghiệp; HTX đưa ra quy trình sản xuất cho nông dân sản xuất để đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa và đảm bảo nông dân hạch toán có lời. Vụ đông xuân 2016-2017, HTX đã ký hợp đồng với doanh nghiệp được hơn 300 ha; vụ hè thu 2017 là 160 ha (ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông sản Vinacam Cờ Đỏ, giống ĐS1, giá cố định 5.600 đồng/kg)...

Giảm thiểu rủi ro

Liên kết sản xuất với doanh nghiệp là xu hướng tất yếu, nông dân sẽ giảm áp lực đầu vào vì được doanh nghiệp đầu tư giống, phân, thuốc và giảm thiểu rủi ro… Nông dân Nguyễn Văn Khiêm, xã viên HTX Nông nghiệp Đồng Vạn, có 3 ha chuyên sản xuất lúa hàng hóa, cho biết: Từ khi có tổ hợp tác và sau này là HTX vào năm 2009 đến nay, vụ nào ông cũng sản xuất lúa có bao tiêu; HTX ký hợp đồng với doanh nghiệp và ông ký liên kết sản xuất với HTX. Có được bao tiêu, ông có điều kiện sản xuất lúa ổn định, không còn lo đầu ra. Với lại, công ty đã đầu tư giống, phân, thuốc nên ông cũng đỡ bị áp lực trong sản xuất, không phải mua vật tư thiếu bên ngoài tốn thêm chi phí sản xuất…

Những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Khiêm còn mạnh dạng áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất lúa hàng hóa nhằm giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận. Thời gian qua, ông đã được tham dự nhiều lớp tập huấn "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" nên cũng đã áp dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật canh tác mới này. Nếu như trước đây ông gieo sạ hơn 200 kg/ha thì hiện nay chỉ còn 100-120 kg/ha, áp dụng bón phân theo công thức nên lượng phân đạm ông sử dụng cũng giảm đáng kể so với trước, còn thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng trong 40 ngày đầu. Áp dụng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" tính ra giúp ông giảm chi phí trên 3 triệu đồng/ha so với trước đây do giảm sử dụng giống, phân, thuốc; trong khi năng suất từ bằng đến hơn so với sản xuất theo tập huấn cũ nên lợi nhuận tăng lên đáng kể.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Vạn, HTX đang kiến nghị Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) xem xét hỗ trợ lò sấy công suất 40 tấn/mẻ, một nhà kho có sức chứa 1.000 tấn và trạm bơm phục vụ cho diện tích cánh đồng lớn 400 ha. Nếu được hỗ trợ, đây là "cơ ngơi" để HTX mở rộng liên kết với doanh nghiệp, liên kết sản xuất lúa hàng hóa với nông dân, qua đó nông dân có lợi và HTX cũng có nguồn thu. Định hướng của HTX liên kết với nông dân sản xuất theo VietGAP, sản xuất lúa đảm bảo môi trường. Có được nhà kho, lò sấy, HTX dự tính sản xuất lúa giống khoảng 100 ha, lúa giống có giá gấp đôi nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với lúa thường. 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết