11/01/2022 - 18:44

An Giang: Triển khai ứng dụng phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa 

(CTO) - Ngày 11-1,  tại tỉnh An Giang, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức triển khai thực hiện thí điểm phần mềm (APPS) nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa tại An Giang. Đây là phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa bằng điện thoại di động thông minh đầu tiên được triển khai ở Việt Nam nhằm tăng cường quản lý dịch hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa nói riêng, cây trồng tại Việt Nam nói chung.

Quang cảnh cuộc họp triển khai thực hiện thí điểm phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa tại An Giang

Quang cảnh cuộc họp triển khai thực hiện thí điểm phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa tại An Giang

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột thực hiện phát triển nông nghiệp nhanh, phát triển bền vững; góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” của nông sản Việt Nam. Đây là công cụ hỗ trợ nông dân trong việc nhận diện, chẩn đoán các vấn đề liên quan tới sinh vật gây hại trên cây lúa.

Phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa có thể được tải dễ dàng từ kho dữ liệu trên trên nền tảng di động Android hoặc IOS. Ứng dụng cung cấp cho nông dân chức năng tự động nhận diện loài sinh vật gây hại qua ảnh chụp và có thể tra cứu thông tin về sinh vật gây hại gồm hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ; văn bản, tài liệu bảo vệ thực vật; quy trình phòng, chống sinh vật gây hại do Cục Bảo vệ thực vật ban hành; thông tin cảnh báo, khuyến cáo về sinh vật gây hại; trang thư viện sinh vật gây hại cung cấp thông tin hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ 112 loài sinh vật gây hại trên cây lúa; trang tin tức để nông dân có thể xem các tin tức về nông nghiệp, nông sản, tin bảo vệ thực vật trên ứng dụng từ điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Ngoài ra, ứng dụng nhận diện sinh vật gây hại lúa còn có chức năng cho người dùng tự nhập phản ánh về các lỗi ứng dụng, các vướng mắc để làm cơ sở hoàn thiện phần mềm. Nông dân khi gặp khó khăn cần hỗ trợ hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin có thể tự đặt câu hỏi trên công cụ trợ lý ảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý ngôn ngữ được tích hợp trong ứng dụng để sẵn sàng hỗ trợ 24/7, mọi lúc mọi nơi.

Sau khi thí điểm tại An Giang, Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan sẽ thu thập phản hồi từ nông dân để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các tính năng của ứng dụng trong phiên bản tiếp theo, nhằm tăng độ chính xác trong việc nhận diện với các loài sinh vật gây hại trên cây trồng. Đặc biệt, có thể đánh giá tính khả thi, khả năng đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu của nông dân trong việc nhận biết và phòng trừ các loài sinh vật gây hại và đánh giá khả năng vận hành của hệ thống trong điều kiện thực tế, từ đó nhân rộng trên tất cả các cây trồng khác của Việt Nam.

Sơ đồ phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa.

Sơ đồ phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa.

MINH ANH

Chia sẻ bài viết