24/03/2024 - 12:43

Ai Cập trước các thách thức địa chính trị 

Ai Cập lâu nay được nhìn nhận có vai trò then chốt trong các chiến lược đảm bảo sự ổn định của Bắc Phi và Trung Đông. Nhưng hiện tại, sứ mệnh này trở nên phức tạp hơn khi Cairo đối mặt áp lực kép từ thách thức kinh tế trong nước và bất ổn địa chính trị ở khu vực.

Người dân Palestine từ Dải Gaza chạy lánh nạn qua Ai Cập trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Hamas và Israel. Ảnh: Linkedin

Bối cảnh kinh tế Ai Cập hiện không mấy sáng sủa khi Cairo đối mặt loạt khó khăn, bao gồm mức thâm hụt ngân sách dự kiến 17 tỉ USD trong năm tài chính 2023-2024. Thêm vào đó là lạm phát tăng kỷ lục 35,7% còn đồng nội tệ sụt giảm thê thảm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và gây thiệt hại cho các lĩnh vực như du lịch và hoạt động hàng hải qua tuyến kênh đào Suez. Khó khăn chồng thêm khó khăn khi quốc gia Bắc Phi đứng trước áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng lại vừa phải giải quyết mối đe dọa về nguồn nước liên quan tranh chấp Đập thủy điện Đại Phục hưng (GERD) với Ethiopia và Sudan. Dự án này có nguy cơ hạn chế dòng chảy của sông Nile, ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi và sự ổn định của toàn bộ người dân Ai Cập giữa thời điểm nguy cơ mất an ninh lương thực đang chực chờ dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài những thách thức trên, giới quan sát cho biết Ai Cập còn có thể bị ảnh hưởng từ sáng kiến của Mỹ về “Con đường Tơ lụa mới”. Trong năm 2023, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 12%-15% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, kể từ khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu vận tải thương mại trên Biển Đỏ bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, khối lượng vận chuyển qua tuyến đường thủy quan trọng này đã giảm tới 42%. Trước nguy cơ leo thang của lực lượng Houthi, các nhà quan sát cho biết Washington chắc chắn thúc đẩy các kế hoạch về tuyến đường bộ bắt đầu dọc theo bờ biển phía Nam châu Âu ở Địa Trung Hải và kéo dài qua Israel, Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thậm chí đến Ấn Độ. Về mặt chiến lược, Mỹ xác định mục tiêu của sáng kiến ​​mới là nhằm tạo đối trọng trước Nga và Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Nếu các dự án đi vào hoạt động, nó có thể đe dọa lợi ích an ninh và kinh tế vốn có của Ai Cập khi thay thế tuyến Biển Đỏ truyền thống qua kênh đào Suez.

Theo giới phân tích, trọng tâm của những lo ngại hiện nay là xung đột ở các nước láng giềng, đặc biệt tình hình Gaza và tác động của cuộc chiến đối với các quyết định chính sách và an ninh của Ai Cập. Một trong những kịch bản ảnh hưởng trực tiếp đến Cairo là viễn cảnh Israel muốn biến khu vực Sinai làm quê hương thay thế cho người dân ở Dải Gaza, không chỉ làm suy yếu nghiêm trọng cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine mà còn đẩy khủng hoảng sang Ai Cập.

Trong lúc này, giao tranh kéo dài giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã lan rộng và leo thang đến mức độ nguy hiểm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát cuộc nội chiến mới. Bối cảnh trên khiến hàng triệu người Sudan di tản về phía Bắc sang Ai Cập và về phía Đông sang Ethiopia, kèm theo đó là sự xuất hiện của nhiều lực lượng dân quân. Các nhóm này gây ra mối đe dọa tiềm ẩn và liên tục đối với an ninh Ai Cập, đòi hỏi Cairo phải luôn cảnh giác và chủ động chuẩn bị chiến lược. Cùng với bất ổn ở Sudan, tình trạng lấp lửng của Libya cũng buộc Ai Cập duy trì trạng thái sẵn sàng trước khả năng can thiệp dọc biên giới phía Tây.

MAI QUYÊN (Theo Daily News Egypt)

Chia sẻ bài viết